Trẻ em non nớt và luôn cần được cha mẹ chăm sóc bảo vệ thật cẩn thận. Do hệ miễn dịch và khả năng kháng bệnh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất thấp , nên nếu người mẹ mang theo vi trùng , vi khuẩn gây bệnh sẽ rất dễ lây truyền sang trẻ nhỏ qua tiếp xúc thân mật bằng đường môi. Các mẹ nên làm tốt các biện pháp bảo vệ , đặc biệt trong những trường hợp sau:
Quai bị
Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Mumps virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Trẻ em là đối tượng dễ mắc quai bị hơn cả, thống kê có tới hơn 80% trường hợp mắc bệnh ở trẻ em dưới 15 tuổi, trẻ từ 6-10 tuổi thường gặp nhất.
Vì vậy khi mẹ bị quai bị tuyệt đối không được hôn con bởi Virus quai bị lây trực tiếp qua đường hô hấp từ những người đang mắc bệnh cấp tính, do tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi họ ho hoặc chảy mũi.
Phương pháp bảo vệ: Tuyệt đối không hôn, thơm trẻ; không dùng miệng thử độ nóng lạnh thức ăn của trẻ; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ.
Phát ban
Nếu người mẹ bị phát hiện thấy trên người xuất hiện các nốt phát ban thì nên cảnh giác xem liệu đó có phải là bệnh sởi phát tác hay không vì rất nhiều bà mẹ trẻ hồi nhỏ chưa bị bệnh sởi.
Người mắc bệnh sởi là nguồn gốc lây nhiễm duy nhất của căn bệnh này, virus có trong dịch tiết kết mạc, mũi miệng, cổ họng và khí quản có thể lây truyền qua nước bọt ở khoang miệng.
Phương pháp bảo vệ: Một khi nghi ngờ người mẹ mắc căn bệnh này thì phải lập tức cách ly 2 mẹ con đồng thời chữa trị kịp thời.
Bệnh về khoang miệng
Hôn là sự tiếp xúc trực tiếp bằng đôi môi, nếu bản thân người mẹ bị mắc các bệnh về khoang miệng như viêm lợi, viêm tủy, sâu răng thì phần khoang miệng chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nếu hôn trẻ những vi khuẩn này sẽ lây lan vào trong khoang miệng của trẻ gây bệnh đường miệng và nhiều loại bệnh khác.
Phương pháp bảo vệ: Khi chưa khỏi bênh người mẹ tuyệt đối không nên hôn trẻ.
Xuất hiện mụn nước
Nếu trên khuôn mặt, khóe miệng, mắt, chân tay người mẹ xuất hiện những mảng mụn nước li ti bằng hạt gạo kèm theo đó là hiện tượng sốt hoặc các hạch bạch huyết cục bộ sưng to thì hãy cảnh giác xem có phải đã lây nhiễm "virus Herpes đơn thuần" hay không, bởi những triệu chứng nêu trên chính là biểu hiện điển hình của lây nhiễm cục bộ "virus Herpes đơn thuần".
Loại virus này có thể lây truyền qua đường hôn, đối với người lớn không mấy nghiêm trọng nhưng lại có thể gây ra tử vong ở trẻ nhỏ, đặc biệt lứa tuổi từ 1 - 4 tuổi. Sau 2 tuổi là thời điểm dễ phát bệnh nhất.
Phương pháp bảo vệ: Khi người mẹ xuất hiện những triệu chứng trên thì cố gắng tránh tiếp xúc với trẻ và đặc biệt không nên hôn trẻ.
Bệnh viêm gan virus
Nếu người mẹ mắc bệnh viêm gan hoặc viêm gan virus thì việc hôn trẻ không hề an toàn chút nào. Viêm gan A lây lan chủ yếu qua đường phân - miệng và tiếp xúc gần gũi trong cuộc sống hàng ngày.
Viêm gan B lại lây truyền thông qua tiêm, truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu, từ mẹ sang con. Chính vì vậy, đối với người bị viêm gan thì việc tiếp xúc gần gũi và nước bọt, nước mắt đều là không an toàn với trẻ nhỏ.
Phương pháp bảo vệ: Người mẹ mang virus viêm gan sau khi xét nghiệm nếu cảm thấy vẫn có khả năng lây nhiễm thì nên chú ý áp dụng các phương pháp phòng tránh khi chăm sóc bé.
Người bị viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày dương tính với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Có rất nhiều đường lây nhiễm vi khuẩn HP:
- Thứ nhất, qua đường "miệng - miệng". Khoang miệng có thể được xem là nguồn lây nhiễm cũng như tái nhiễm HP.
- Thứ hai, lây nhiễm H.pylori qua đường "dạ dày - miệng". Hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản có thể đưa vi khuẩn từ dạ dày lên miệng, và H.pylori bám vào các mảng cao răng gây lây nhiễm qua đường miệng. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm cao nhất vẫn là do cách ăn uống chung trong gia đình có người nhiễm HP.
Từ những con đường lây lan trên, nếu như người bị nhiễm bệnh mà vô tình hôn môi trẻ hay dùng chung đồ với trẻ sẽ rất dễ khiến trẻ mắc bệnh.
Phương pháp bảo vệ: Tuyệt đối không hôn, thơm trẻ; không dùng miệng thử độ nóng lạnh thức ăn của trẻ; tốt nhất là mẹ nên ăn uống riêng với những người trong gia đình cho đến khi khỏi hết bệnh.
Tiêu chảy
Mặc dù tiêu chảy là bệnh lây nhiễm đường ruột nhưng vi khuẩn gây bệnh lại xâm nhập vào đường ruột thông qua khoang miệng cũng chính là nguồn truyền nhiễm. Người mẹ khi hôn con hoặc dùng lưỡi thử độ nóng lạnh của thức ăn trước khi cho con ăn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh kiết lỵ cho trẻ.
Phương pháp bảo vệ: Nếu gần đây dạ dày của người mẹ không tốt, có ợ hơi, rối loạn đường tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy... thì nên cố gắng tránh hôn trẻ.
Cảm cúm
Mẹ bị cúm có thể lây truyền sang con qua những giọt nước bọt , nước mũi li ti khi hắt hơi sổ mũi và đặc biệt là khi ôm hôn trẻ. Do sức đề kháng và khả năng miễn dịch của trẻ còn yếu, nếu không chú ý bé sẽ rất dễ lây nhiễm bệnh cảm cúm. Một khi virus cúm xâm nhập và gây bệnh cho bé thì bé sẽ có biểu hiện như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, mệt mỏi…
Ở điều kiện bình thường, cúm có thể khỏi sau 2 tuần nhưng do bé còn non nớt thì cúm có thể gây biến chứng như viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm và hoại tử cơ…Bởi vậy các mẹ phải hết sức cảnh giác với bệnh này. Ngay cả khi chỉ xuất hiện nhưng triệu chứng cảm nhẹ như: đau họng, đau đầu ... cũng nên tránh hôn trẻ hoặc có những cử chỉ thân mật.
Phương pháp bảo vệ: Người mẹ khi bị cảm cúm tốt nhất nên đeo khẩu trang cẩn thận, rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ.
Trang điểm đậm
Những bà mẹ thích làm đẹp thường không tránh khỏi việc trang điểm đậm. Tuy nhiên, hầu hết các mỹ phẩm trang điểm như phấn, son môi... đều có chứa chì, thủy ngân và các chất hóa học khác, nếu các bà mẹ chưa tầy trang đã hôn trẻ, hoặc để trẻ hôn mình thì những chất độc sẽ xâm nhập vào cơ thể non nớt của trẻ gây ra các bệnh như viêm da, thậm chí nhiễm độc chì mãn tính.
Phương pháp bảo vệ: Bình thường khi ở gần con, người mẹ nên hạn chế trang điểm đậm mà nên trang điểm nhẹ và trước khi hôn trẻ nên tẩy trang hết mỹ phẩm, son phấn ở phần môi .