Hà Giang hiện đang là địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch. Nhất là với những người ở miền đồng bằng, họ muốn lên vùng cao, lên với núi rừng để tìm được cảm giác được đắm mình giữa cao nguyên đá hùng vĩ, giữa núi rừng bạt ngàn và với những loài hoa chỉ nơi đây mới có. Có người thích lên Hà Giang chỉ bởi muốn tận hưởng cảm giác khoan khoái khi thức dậy hít đầy lồng ngực không khí trong lành. Vùng đất và con người Hà Giang rất thân thiện, hiếu khách. Hãy cùng tôi và toplist trải nghiệm những điều thú vị nơi vùng đất Hà Giang nhé.
Đứng trên đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng Nho Quế
Được mệnh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" Mã Pì Lèng là một trong những con đèo hiểm trở và có khung cảnh đẹp nhất. Nằm dưới chân những ngọn núi tai mèo hiểm trở của Hà Giang, dòng sông Nho Quế quanh năm êm đềm chảy giữa những vách đá, tạo thành một đường biên giới màu xanh biếc giữa đèo Mã Pì Lèng và đường Săm Pun. Đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế là cung đường được các tay phượt chuyên nghiệp mệnh danh “huyền thoại” vì nơi đây có độ dốc và các khúc cua đặc biệt. Đến đây, bạn sẽ được phóng tầm mắt thật xa để nhìn ngắm toàn cảnh núi đồi, bởi đèo Mã Pì Lèng có độ cao đến 1.200 m.
Để có thể ngắm sông Nho Quế ở vị trí thuận lợi nhất, các du khách thường chọn dừng chân ở đèo Mã Pì Lèng. Dù phải chạy qua con đường dài 20 km hiểm trở, nhiều người vẫn rất thích đến đây để tận hưởng cảnh đẹp của dòng sông và chụp những tấm hình thật “chất” ở những mỏm đá lớn. Ngày nay, đoạn đèo này cùng với dòng sông Nho Quế đã trở thành một địa điểm xinh đẹp thu hút các du khách yêu thích sự phiêu lưu mạo hiểm. Phong cảnh nơi đây vẫn giữ nguyên sự trong lành, hoang sơ. Đâu đó trên các lưng núi vẫn có bản làng của người dân tộc sinh sống, dòng sông lúc mờ sáng lại đầy ắp những làn sương mù huyền ảo
Địa chỉ: Đèo Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
Đến thăm Hà Giang mùa hoa nở
Đến với Hà Giang, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của màu trắng muốt của hoa mận, màu hồng thắm của hoa đào khắp các sườn đồi, hay xung quanh nhà người dân có cả hoa sở, hoa mận, hoa lê. Ở những tuyến phố chính trong các huyện bạn sẽ được thử cảm giác đi giữa hàng hoa ban đỏ đang nở rộ. Rất tuyệt vời phải không.
Sau ba tháng ngủ đông, cao nguyên đá thức giấc với những mảng màu rực rỡ, tiếng chim lan tỏa khắp rẻo cao Hà Giang. Ánh nắng ấm áp thay cho những ngày mưa phùn. Hoa đào, hoa mận khoe sắc nên nền đá xám. Hoa cải ngập tràn thung lũng. Những mảnh đất cởi bỏ chiếc áo cỏ dại là lúc vụ mùa mới bắt đầu.
Địa chỉ:
- Thung lũng Sủng Là
- Phố Cáo, Đồng Văn
Chạm tay vào Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam. Được dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội, tuy nhiên kích thước nhỏ hơn. Kiến trúc được thiết kế theo hình bát giác, chân cột cờ gắn 8 tấm phù điêu đá xanh minh họa cho các giai đoạn thời kỳ lịch sử của đất nước và phong tục tập quán của nhân dân tỉnh Hà Giang, phía trên có gắn 8 mặt trống đồng.
Nhìn từ phía dưới lên, cột cờ Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi rồng, lá cờ đỏ sao vào tung bay trong gió đầy kiêu hảnh. Vừa là di tích lịch sử, vừa là điểm cực Bắc Tổ Quốc linh thiêng, hùng vĩ, nên trong nhiều năm qua, di tích cột cờ Lũng Cú là điểm đến thu hút nhiều du khách gần xa. Khi leo lên 839 bậc thang bạn sẽ thấy rõ nhất lá cờ Tổ Quốc có chiều dài 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, chạm vào lá cờ Tổ Quốc và cảm nhận được luồng gió mạnh thổi ở trên cao.
Địa chỉ: xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
Tham gia phiên chợ vùng cao
Chợ phiên được họp vào ngày chủ nhật hàng tuần, tại đây rất nhiều mặt hàng được bán đa số là những mặt hàng người dân tự trồng tự nuôi, tự sản xuất. Bạn sẽ thấy người Mông bán hàng và giao tiếp bằng tiếng Mông, họ bán lợn đen cắp nách, rau cải mèo, ngô non, mèn mén, cả những quẩy tấu đậu giá rất to, có đậu răng ngựa, rau hà lan, chổi hạt kê... có lẽ là những mặt hàng khách du lịch ở miền xuôi chưa thấy bao giờ nên rất thích thú. Một không khí rất nhộn nhịp, thanh bình.
Chợ phiên lại mang đến cảm giác gần gũi giữa những người dân địa phương gồm dân tộc Dao, Giáy, Nùng,… Từ bó rau hái sau vườn nhà, vài củ khoai tự trồng, quả me, trái ớt… đều được mang ra chợ để trao đổi. Ngoài những mặt hàng nông sản, cũng có nhiều gian hàng bán đồ may mặc như quần áo hoặc giày dép. Tiếng nô đùa của những đứa trẻ, xa xa là hàng thắng cố của các đấng mày râu và các bà nội trợ đang tất bật mua lương thực dùng trong tuần tạo nên khung cảnh vô cùng nhộn nhịp. Những trang phục truyền thống của người dân tộc đều được bày bán tại đây với những màu sắc rực rỡ và hoa văn đặc trưng, thu hút cả người dân địa phương lẫn du khách ghé qua.
Địa chỉ:
- Chợ phiên Đồng Văn
- Chợ phiên Mèo Vạc
Bắt cá chép trên ruộng bậc thang
Nuôi cá chép trên những chân ruộng bậc thang đã có truyền thống lâu đời ở Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ruộng lúa ngập nước khoảng 20-30cm, là môi trường sống thích hợp cho loại cá chép nhỏ. Người nuôi dễ dàng quan sát được cá khi lớn, khi thu hoạch thường bắt bằng tay. Cá giống thả trong ruộng lúa khoảng 3 tháng là cho thu hoạch. Thông thường người dân thả cá từ tháng 6 đến tháng 9 khi lúa bắt đầu ngả vàng là có thể thu, cá được bắt trước khi gặt lúa.
Những ai đặt chân tới mảnh đất Hoàng Su Phì thì không nên bỏ lỡ trải nghiệm có một không hai này. Giữa những bông lúa chín vàng ruộm, xen kẽ là các rãnh nước nhỏ tạo thành những bậc thang trải dài bất tận. Những chú cá thoắt ẩn thoắt hiện thách thức sự kiên nhẫn của người bắt sẽ là một kỷ niệm thú vị không thể nào quên. Cá bắt xong, được chế biến cùng những món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc tại đây. Cá nuôi trong ruộng lúa cho thịt thơm ngon, béo ngậy, xương mềm là một món ăn không thể tìm thấy tại bất kỳ nơi nào khác ngoài Hà Giang.
Địa chỉ: các xã Bản Luốc, Nậm Khòa, Nam Sơn - huyện Hoàng Su Phì - Hà Giang
Bon bon xe trên Con đường Hạnh Phúc
Với chiều dài 185 km, con đường mang tên Hạnh Phúc được nối từ thành phố Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn là con đường được khởi đầu và thành hình từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 50- 60 thế kỷ trước. Con đường đã đem lại cuộc sống no ấm cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Hà Giang, thể hiện sức mạnh của con người trước những khắc nghiệt của thiên nhiên. Con đường Hạnh Phúc được là tuyến đường thuộc quốc lộ 4C, bắt đầu từ thành phố Hà Giang đi qua 4 huyện miền cao bao gồm Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc. Với chiều dài gần 200km, Con đường Hạnh Phúc đã hội tụ toàn bộ những tinh hoa và cái đẹp của đất trời Đông Bắc.
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang, mùa nào du khách cũng có thể khám phá Con đường Hạnh Phúc. Vào mỗi mùa, Con đường Hạnh Phúc lại chuyển mình mang một nét đẹp khác nhau. Từ Cổng trời, Bắc Sum, đèo Mậu Duệ,... đâu đâu cũng có những cảnh đẹp hút hồn những trái tim yêu thiên nhiên. Đi hết con đường Hạnh Phúc để thấy hết được sự hùng vĩ của cao nguyên đá cũng như biết ơn công lao của hàng ngàn thanh niên đồng bào xây dựng nên con đường này.
Địa chỉ: Quốc lộ 4C
Thưởng thức rượu ngô và các món ăn đặc sản Hà Giang
Rượu ngô được nấu theo phương pháp truyền thống hoàn toàn từ ngô và nước tự nhiên, rượu được chưng cất bằng bếp củi nên bạn sẽ yên tâm vì rượu ngô nguyên chất và không pha tạp bất cứ chất khác, khi uống sẽ không bị đau đầu mà lại rất êm. Những món ăn đặc sản nổi tiếng mà bạn nên thử đó là thắng cố bò, thịt bò lợn treo gác bếp, cháo ấu tẩu, thắng dền...Rất nhiều du khách bị chinh phục bởi những món ăn hấp dẫn này.
Ẩm thực Hà Giang cũng như chính con người nơi đây - bình dị, giản đơn mà lại khiến du khách lưu luyến mãi không quên. Rượu ngô men lá cay nồng của vùng đất Quản Bạ đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá ẩm thực của người Hà Giang. Nhâm nhi chén rượu nồng bên mâm cơm giản dị với xôi ngũ sắc, lợn cắp nách, rêu nướng sẽ khiến cho chuyến đi Hà Giang thêm phần trọn vẹn.
Địa chỉ:
- Chợ phiên Mèo Vạc
- Chợ phiên Đồng Văn
Check-in tại Cột mốc số 0
Nếu bạn đến Hà Giang, đừng quên ghé qua cột mốc số 0 nằm ở quốc lộ 2. Đây là vạch đích đầu tiên trong chuyến đi khám phá Hà Giang, trở thành điểm thu hút rất nhiều du khách check-in. Có thể nói, việc chụp ảnh tại cột Km số 0 Hà Giang chính là một lời khẳng định, là một dịp để “khoe” với bạn bè ở nhà rằng mình đã đặt chân đến Hà Giang, đến với mảnh đất cao nguyên đá kì vĩ này. Có nhiều người sẽ nghĩ “ở đâu chả có cột mốc km số 0, sao cứ phải chụp ảnh và tham quan cột mốc này?” Thực ra cột mốc số 0 này cũng chính là nơi đánh dấu một chuyến hành trình dài và kì vĩ của mỗi người đến Hà Giang. Nếu ai đã đến Hà Giang mà đi qua những con đèo, những vách núi đá treo leo thì sẽ hiểu được việc “check-in” tại cột km số 0 này mang nhiều ý nghĩa như nào. Nói tóm lại dù không mang nhiều ý nghĩa về tham quan du lịch, nhưng cột mốc số 0 Hà Giang mang một ý nghĩa rất lớn về tinh thần, mang tính khoảnh khắc, để ghi nhớ cho mình một chuyến đi có một không hai.
Một trong những lý do khiến Km 0 Hà Giang được check-in nhiều như vậy nữa đó chính là Km 0 này nằm giữa nơi có đông đúc dân cư và phát triển nhất Hà Giang đó chính là trung tâm thành phố Hà Giang. Đối với các đoàn phượt và đặc biệt là những đoàn du lịch theo tour chính là nơi nghỉ chân, dùng bữa và mua thêm những nhu yếu phẩm trước khi tiếp tục hành trình chinh phục những quãng đường trên cao nguyên đá tiếp theo.
Địa chỉ: Phường Nguyễn Trãi, TP.Hà Giang