Top 10 Trường cấp 3 tốt nhất Hà Nội trong năm 2019

Chọn trường cấp 3 luôn là một vấn đề nan giải với các em học sinh và các vị phụ huynh. Làm thế nào để lựa chọn được ngôi trường có chất lượng giảng dạy ổn định, cơ sở vật chất hoàn thiện cùng phương pháp giáo dục toàn diện là điều mà nhiều vị phụ huynh luôn trăn trở. Trong bài viết này, Toplist sẽ đưa ra danh sách top 10 trường cấp 3 hàng đầu Hà Nội được xếp hạng dựa trên điểm thi THPT Quốc Gia năm 2018 và là một trong các yếu tố mà phụ huynh và học sinh có thể tham khảo khi chọn trường cấp 3 cho con.

Chuyên Hóa ĐHQG Hà Nội

  • Địa chỉ: 144 Đường Xuân Thủy, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Là khối trực thuộc Trường THPT Chuyên KHTN (Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN), học sinh khối THPT chuyên Hoá đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào trong các kỳ thi Olympic Hoá học quốc gia và quốc tế. Trường THPT chuyên KHTN (thuộc Trường ĐHKHTN – ĐHQGHN) là một trong ba trường THPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội không chịu sự quản lý về hành chính của Sở GD&ĐT Hà Nội. Năm 1965, khối chuyên Toán là khối được thành lập đầu tiên; sau đó là chuyên Vật lý; chuyên Tin học; chuyên Hóa học và chuyên Sinh học.


Trường THPT chuyên KHTN luôn là chiếc nôi phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu của cả nước. Nhiều năm qua, học sinh của Trường đã đóng vai trò nòng cốt của các đội tuyển và đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Trường cũng đồng thời được công nhận là ngôi trường giàu thành tích nhất Việt Nam về số lượng Huy chương cũng như giải thưởng đạt được trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic Quốc Tế và các kỳ thi Olympic trong khu vực. Các khối chuyên của trường cũng luôn nằm trong top dẫn đầu 200 trường có điểm trung bình thi đại học cao nhất Việt Nam.


Khối THPT chuyên Hoá được thành lập năm 1992 do PGS.TS Đào Hữu Vinh làm chủ nhiệm. Khối là một bộ môn trực thuộc khoa Hóa học của Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN. Từ những ngày đầu đầu thành lập, khối đã nhận được sự ủng hộ về giảng dạy của tập thể giảng viên khoa Hóa. Nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… ở khoa Hóa và cả các khoa khác của Trường Đại học Tổng hợp (Toán, Lý, Sinh…) trực tiếp giảng dạy.


Năm 1996, sau khi PGS.TS Đào Hữu Vinh nghỉ hưu, thầy Trần Thạch Văn (lúc đó là Phó Chủ nhiệm khối THPT chuyên Hóa) được bầu làm chủ nhiệm khối. Kế thừa tâm huyết của thầy Vinh, thầy Văn không ngừng nỗ lực xây dựng khối, liên tục nâng cao chất lượng đầu vào của thí sinh và đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy của khối thông qua việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy.


Trong nhiều năm trở lại đây, khối THPT chuyên Hóa luôn lọt vào Top 5 trường THPT có điểm thi đại học trung bình cao nhất cả nước (điểm trung bình khoảng 22 đến 25 điểm), với nhiều thủ khoa đạt 29, 30 điểm vào các Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Y Hà Nội, các trường ĐH thành viên và khoa trực thuộc của ĐHQGHN... Ngoài ra, khối còn giành được nhiều huy chương trong các kỳ thi Olympic Hóa Học quốc gia và quốc tế. Tỉ lệ học sinh của khối nhận được học bổng tại các trường đại học nước ngoài (Mỹ, Anh, Úc,...) có năm học lên đến gần 30%.


Năm 1996, đoàn học sinh Việt Nam lần đầu tiên tham dự kỳ thi Olympic Hoá học tại Matxcova. Từ đó đến nay các học sinh Khối chuyên Hoá đã đạt được 8 Huy chương Vàng (trong tổng số 10 Huy chương Vàng của Việt Nam), 9 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng tại các kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế. Đặc biệt, học sinh Vũ Minh Châu liên tiếp hai năm liền 2008, 2009 đoạt Huy chương Vàng.


Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) là đơn vị đăng cai Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 (IChO 46), diễn ra từ ngày 20 đến 29/07/2014. Dự tính sẽ có 77 đoàn đến từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ (75 đoàn có học sinh dự thi và 02 đoàn quan sát viên) tham gia cuộc tranh tài đỉnh cao của các tài năng Hóa học trẻ lần này.

Chuyên Hóa ĐHQG Hà Nội
Chuyên Hóa ĐHQG Hà Nội

THPT Việt Đức

  • Địa chỉ: 47 Phố Lý Thường Kiệt, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Thành Phố Hà Nội

Trường THPT Việt Đức thành lập ngày 03-3-1955 tại 47 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Hiệu trưởng đầu tiên của trường: Thầy Phạm Quang Hiểu.


Giai đoạn 1955-1960: Trường mang tên: Trường phổ thông 2-3 Hà Nội. Gồm khoảng 900 học sinh, trong đó có học sinh cấp II, cấp III (Con em của cán bộ, chiến sỹ vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội), học sinh Miền Nam tập kết và những lớp sự bị đại học.


Trường đầu tiên và duy nhất ở Thủ đô Hà Nội sau giải phóng (10-1954) thực hiện chương trình giáo dục: Cách mạng, Độc lập, Dân chủ.

  • Trường đã nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ và Nhân dân Đức.
  • Ngày 14-6-1956, Bác Hồ đã về thăm và khen ngợi, động viên thành tích của nhà trường.

Giai đoạn 1960-1965:Trường mang tên: Trường phổ thông 3 (A-B)

  • Thực hiện tốt mục tiêu đào tạo con người mới - con người XHCN. Học đi đôi với hành.
  • Trường đã được Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh đến thăm và khen ngợi thành tích của tập thể Giáo viên và Học sinh.

Giai đoạn 1965-1970: Trường mang tên: Hà Nội A-B

  • Trường phân tán thành các phân hiệu nhỏ, duy tri học tập ở các vùng nông thôn quanh Hà Nội, đảm bảo học tập tốt trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc.
  • Nhiều thầy cô giáo và học sinh đã lên đường tham gia cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước.
  • Trường đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm và thực tốt lời dạy của Thủ tướng:"... Phải tổ chức trường ra trường, lớp ra lớp..."

Giai đoạn 1975-1997: Trường mang tên: Việt Đức - Lý Thường Kiệt

  • Thực hiện tốt phong trào thi đua: Dạy tốt - Học tốt.
  • Đào tạo nhiều học sinh giỏi, giành được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc tế, Quốc gia về các môn: Vật lý, Nga văn, Ngữ văn.
  • Trường đã được tặng bằng khen của Chính phủ.

Giai đoạn từ 1997 đến nay: Trường mang tên: THPT Việt Đức

  • Một trong những trường có quy mô lớn nhất Hà Nội.
  • Hàng năm có gần 1000 học sinh tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp từ 99,9% đến 100%, tỷ lệ vào các trường Đại học, Cao đẳng gần 80%
  • Giành nhiều giải thưởng về TDTT, Văn nghệ. Đặc biệt học sinh của trường đã giành được Huy chương Vàng và Huy chương Bạc trong các kỳ đại hội TDTT ở khu vực Châu Á và Đông Nam Á
  • Đã đạt được mục tiêu đào tạo học sinh với chất lượng cao, chất lượng toàn diện.
  • Liên tục đạt được nhiều danh hiệu: Trường tiên tiến, tiên tiến xuất sắc.
  • Trường đã được bà Nguyễn Thị Bình - Phó chủ tịch nước CHXHCNVN, ông Phạm Thế Duyệt - UVBCT Trung ương Đảng về thăm.
  • Năm 1998, trường được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3.
THPT Việt Đức
THPT Việt Đức

THPT Kim Liên

  • Địa chỉ: Số 1 ngõ 4C, Phố Đặng Văn Ngữ, Quận Đống Đa, Hà Nội

Qua 40 năm nỗ lực phấn đấu trong các hoạt động giáo dục, vượt khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường THPT Kim Liên đã tạo dựn được uy tín vững chắc, là 1 trong 5 trường THPT hàng đầu của Thủ đô có chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng nâng cao và trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc CMHS, học sinh trên toàn Thành phố và toàn quốc. Liên tục từ năm 2008 đến nay, là THPT công lập không chuyên duy nhất của Hà Nội đạt tốp 50 trong bảng xếp hạng 200 trường THPT toàn quốc có điểm thi đại học cao nhất cả nước. Niềm tự hào về nhà trường là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các thế hệ thầy và trò tiếp tục thắp lửa truyền thống, không ngừng phấn đấu để trường THPT Kim Liên luôn duy trì được vị thế tốt đẹp của mình.


Qui mô phát triển: 45 lớp khoảng 1900 HS.


Cơ sở vật chất:

  • Xây mới khu nhà Hiệu bộ 7 tầng, gồm các phòng ban chức năng, các phòng thí nghiệm bộ môn, các phòng làm việc của Tổ chuyên môn được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại, tiện nghi đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy, học tập và làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường.
  • Cải tạo và sắm mới trang thiết bị 30 phòng học của cả ba dãy nhà 4 tầng A, B,C gồm: máy chiếu, hệ thống âm thanh, bàn ghế qui chuẩn…
  • Lắp đặt hệ thống camera ở hành lang lớp học.
  • Làm lại sân trường.

Xây dựng đội ngũ:

  • Hiện có 38 CB, GV có bằng tiến sĩ, thạc sĩ (35%), phấn đấu đạt 50%.
  • Hiện có 35 cán bộ, giáo viên, nhân viên là Đảng viên (33%), phấn đấu đạt đến 50%.

Mô hình giáo dục:

  • Thực hiện mô hình giáo dục trường THPT chất lượng cao theo chỉ đạo của Bộ giáo dục và Đào tạo, UBND Thành phố Hà Nội, Sở GD và ĐT trong đó chú trọng giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh; quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.
  • Chú trọng định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua việc lựa chọn các môn học phù hợp với yêu cầu của ngành học ở bậc đại học, cao đẳng.
  • Đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh thông qua hoạt động của các Câu lạc bộ sở thích của học sinh.
  • Liên kết với các đơn vị, tổ chức giáo dục quốc tế để triển khai các chương trình tiếng Anh cho giáo viên và học sinh để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của xã hội và một số lớp tiếng Nhật theo chỉ đạo của Sở GD và ĐT Hà Nội.
  • Mở rộng hợp tác giáo dục quốc tế thông qua các chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa, du học và các khóa học ngoại ngữ với các nước trong khu vực và thế giới.

Chất lượng giáo dục:

  • Duy trì tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 100%.
  • Tỉ lệ học sinh đỗ Đại học khoảng 86% đứng trong TOP 5 trường có kết quả thi Đại học cao nhất Thành phố Hà Nội, trong TOP 50 trường có kết quả thi Đại học cao nhất cả nước.
  • Nhiều học sinh đạt học bổng du học cao.
  • Phấn đấu: * Các năm tiếp theo liên tục được tặng Cờ thi đua, Bằng khen đơn vị xuất sắc của Chính phủ hoặc Bộ GD và ĐT hoặc UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đạt danh hiệu Đơn vị Tiên tiến xuất sắc của Sở GD và ĐT Hà Nội liên tục các năm.
THPT Kim Liên
THPT Kim Liên

Trường THPT Hà Nội – Amsterdam

  • Địa chỉ: Hoàng Minh Giám, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Trường THPT Hà Nội – Amsterdam đào tạo theo hai hệ:

  • Hệ phổ thông cơ sở: Nhà trường tuyển chọn học sinh có năng lực vào học từ lớp 6. Qua 4 năm các em được các thầy cô nâng cao năng lực học tập và đạo đức để có đủ khả năng thi vào lớp 10 trường THPT Hà Nội – Amsterdam.
  • Hệ phổ thông trung học: Học sinh vào lớp 10 phải trải qua kỳ thi tuyển nghiêm ngặt do Sở Giáo dụ và Đào tạo tổ chức. Lớp 10 có các hệ chuyên: Văn, Toán, Tin, Lý, Hoá , Sinh, Nga, Anh, Pháp. Các học sinh này phải học toàn diện và đạt yêu cầu khá giỏi ở tất cả các môn học trên cơ sở đó đầu tư học môn chuyên để dự thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế. Sau ba năm học, đa số các em đều vào các trường đại học mà mình ưa thích. Một số học sinh được đi học nước ngoài và được cấp học bổng.

Phương pháp đào tạo: Trường THPT Hà Nội – Amsterdam thực hiện các phương pháp đào tạo như sau:

  • Tuyển học sinh giỏi đầu vào.
  • Giáo viên tập trung trí tuệ, nâng cao chất lượng hiệu quả giảng bài.
  • Đổi mới phương pháp dạy, lấy học sinh làm trung tâm.
  • Kích thích lòng say mê, ham học hỏi, óc độc lập suy nghĩ của học sinh.
  • Kiểm tra thường xuyên, động viên kịp thời, đánh giá đúng năng lực của học sinh.
  • Đi đầu hướng dẫn cho học sinh làm thí nghiệm, thực hành với các thiết bị hiện đại.
  • Sáng tạo nhiều hình thức dạy học độc đáo như tổ chức CLB tiếng Anh, tiếng Nga, thành lập Công ty học sinh, lớp học quản trị kinh doanh theo giáo trình GLOBE (Mỹ)...
  • Đưa học sinh vào học tập tại nhà máy, viện khoa học, bệnh viện.
  • Áp dụng nhiều biện pháp quản lý dạy học như: thanh tra dự giờ, thăm lớp, lấy ý kiển của phụ huynh học sinh, Đoàn Thanh niên, ý kiến của phòng phổ thông, vụ, viện... để nâng cao chất lượng giảng dạy.
  • Nhà trường chú ý giáo dục đạo đức cho học sinh.
  • Nhà trường ghi nhớ câu: “Tiên học lễ, hậu học văn” của cổ nhân và lời dạy của Bác Hồ: “Có tài mà không có đức là người vô dụng” nhằm rèn luyện tư cách và đạo đức học sinh.
  • Giáo dục đạo đức thông qua các bài học, đặc biệt ở các môn Giáo dục công dân, Văn học, Sử học... Các bài giảng có nội dung giáo dục về truyền thống cách mạng, dân tộc, lý tưởng, tình yêu thương gia đình, bè bạn, yêu quê hương đất nước.
  • Giáo dục đạo đức, truyền thống thông qua các hoạt động ngoại khoá như tổ chức thăm các bảo tàng, di tích lịch sử.
  • Vai trò của hội đồng cha mẹ học sinh được đề cao. Nhà trường dẫn đầu về công tác kết hợp giáo dục giữa Nhà trường – Gia đình – Xã hội.
Trường THPT Hà Nội – Amsterdam
Trường THPT Hà Nội – Amsterdam

THPT DL Lương Thế Vinh

  • Cơ sở A: C5 Nam Trung Yên, Hà Nội (sau siêu thị BigC và tòa nhà Vimexco đường Trần Duy Hưng)
  • Cơ sở 1: Thôn Yên Xã, Xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Trường THPT Lương Thế Vinh được thành lập ngày 01/06/1989 theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, do nhà giáo Văn Như Cương làm hiệu trưởng. Từ năm học đầu tiên (1989 – 1990) với 800 học sinh khối THPT, đến nay trường đã có hơn 3400 học sinh ở cả 2 khối cấp. Ngay từ khi mới thành lập, nhà trường luôn kiên trì mục tiêu đào tạo kép: “Giáo dục toàn diện cho học sinh thi đỗ tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nhất cho học sinh thi đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng”. Phương châm của nhà trường là “dạy thật – học thật”

  • Dạy thật: Hiểu rõ vai trò quyết định của người Thầy với việc thành bại của sự nghiệp giáo dục – Nhà trường luôn đảm bảo có một tập thể giáo viên với phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sâu.

Chương trình học của mỗi lớp được cấu tạo thành hai phần: chương trình Phổ Thông và chương trình luyện thi Đại học, nhưng hai phần ấy được lồng ghép vào nhau một cách hợp lí ngay trong mỗi tiết học. Trong mỗi bài học, ngoài những yêu cầu chung như ở các trường Quốc lập khác, còn có một yêu cầu nữa đối với học sinh: phải đạt đến trình độ có thể làm được các bài thi vào Đại học. Bởi vậy các bài kiểm tra cuối học kì thường khó hơn mức quy định chung của Sở Giáo dục. Chương trình của trường bảo đảm cho các em không phải đi học thêm dưới bất kì hình thức nào.

  • Học thật: đó là học không phải để lấy điểm để lấy kiến thức đơn thuần mà học để có kỹ năng thu nhận kiến thức, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng xử lý và khả năng thích ứng toàn cầu.

Nhà trường luôn coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học của học sinh ở cả 2 cấp, nâng cao tính tự lập và nhận trách nhiệm về phía mình. Bên cạnh việc học văn hóa nhà trường luôn tổ chức các hoạt động giáo dục phối hợp tạo ra con người sống có hiểu biết, sống khỏe, sống đẹp. Các câu lạc bộ Bóng rổ, Bóng đá, dance sport, các hoạt động của Thanh niên tình nguyện, các hoạt động ngoại khóa, Văn nghệ, các chuyến đi Cứu trợ, Từ thiện…giúp học sinh Lương Thế Vinh năng động và phát triển toàn diện hơn.


Luôn chú trọng xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh kết hợp Nhà trường, Gia đình và Xã hội, ngăn chặn và chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, hiện tượng tiêu cực vào nhà trường – Trường Lương Thế Vinh thực sự đã phần nào khắc phục được tình trạng chỉ quan tâm đến chữ mà chưa quan tâm tới dạy người. Hơn 20 năm phát triển với những thành tích đạt được Trường THPT Lương Thế Vinh “ được xã hội đánh giá cao” và đã trở thành“thương hiệu niềm tin” của những bậc cha mẹ và của các em học sinh mong muốn hướng tới sự toàn diện.

Từ những năm đầu thành lập ,địa điểm học phải đi thuê mượn với những khó khăn, vất vả về cơ sở vật chất nhưng thầy trò trường Lương Thế Vinh luôn khắc phục, vượt khó với Slogan “có chí thì nên”. Đến nay trường đã có một cơ ngơi khang trang của riêng mình tại C5 Nam Trung Yên – đáp ứng được phần nào sự lớn mạnh không ngừng của trường.


Thành tích của trường:


Bậc THCS:

  • Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%
  • Điểm thi vào THPT (theo thống kê và xếp loại của SGD&ĐT Hà Nội) những năm gần đây đều đứng trong top 3 các trường có điểm TB 2 môn Toán, Văn cao nhất

Bậc THPT:

  • Các năm gần đây đều đỗ tốt nghiệp 100% (đặc biệt có năm Lương Thế Vinh là trường duy nhất ở Hà Nội đỗ tốt nghiệp 100%)
  • Kết quả đỗ vào các trường Đại học thường đạt 92%
  • Theo Thống kê của Bộ GD&ĐT về xếp loại các trường THPT (không kể các trường chuyên) có điểm thi vào Đại học từ cao xuống thấp
  • Năm 2009 – 2010: LTV đứng thứ 7 toàn quốc, thứ 2 Hà Nội
  • Năm 2010 – 2011: LTV đứng thứ 7 toàn quốc, thứ 1 Hà Nội
THPT DL Lương Thế Vinh
THPT DL Lương Thế Vinh

THPT Chu Văn An

  • Địa chỉ: Số 10 Phố Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Trường THPT Chu Văn An (tiền thân là trường Bưởi) được chính quyền Pháp thành lập năm 1908. Hơn một thế kỉ đã trải qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, tên gọi trường Bưởi – Chu Văn An vẫn luôn hiện hữu trong trái tim biết bao thế hệ học trò, thầy cô giáo, và trong cả tấm lòng của người dân Thủ đô với hình ảnh một ngôi trường yên bình, thơ mộng bên bờ Hồ Tây và đặc biệt, ghi dấu trong tâm thức mỗi người như chiếc nôi của truyền thống “Yêu nước – Cách mạng – Dạy tốt – Học giỏi”.


Năm 1995, trường Chu Văn An tự hào trở thành một trong ba trường Trung học trọng điểm Quốc gia. Cùng ngành Giáo dục cả nước bước vào thời kì đổi mới, trường Trung học Quốc gia Chu Văn An vẫn mang nét cổ kính, nguyên sơ của hơn một thế kỉ trước, vừa bảo lưu truyền thống “Yêu nước – Cách mạng – Dạy tốt – Học giỏi” nhưng cũng đồng thời là một môi trường giáo dục hiện đại, năng động, đáp ứng được những yêu cầu mới của giáo dục trong thời kì hội nhập, trong kỉ nguyên kinh tế tri thức.


Hơn 20 năm của chặng đường tự làm mới, tự khẳng định mình, mái trường mang sắc nước Hồ Tây này vừa đẹp cổ kính với cây xanh, ngói đỏ, tường rêu, vừa trẻ trung, hiện đại năng động trong mọi phương diện: Nhà trường được công nhận là Ngôi trường sinh thái Asean; Học sinh nhà trường không chỉ tiếp nối thành tích Dạy tốt – Học giỏi với những giải Học sinh giỏi Quốc gia, giải Nghiên cứu Khoa học Quốc gia, Quốc tế,… mà còn sáng tạo, linh hoạt, thông minh với các hoạt động giáo dục toàn diện. Những chuỗi hoạt động Sparkling lấp lánh sắc màu, những hoạt động văn nghệ, thể thao… Tất cả đã tôn vinh một thế hệ thầy và trò trường Bưởi – Chu Văn An đầy sức trẻ.


Thầy – trò trường THPT Chu Văn An đang bước những bước đi vững chắc, không ngừng trau dồi năng lực và luôn đối diện với những thử thách, sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới trong thế kỉ XXI. Ở chặng đường phía trước, trường THPT Chu Văn An luôn luôn là một địa chỉ giáo dục tin cậy với các thế hệ học trò, các thầy, cô giáo, các bậc CMHS, các nhà giáo dục trong nước và quốc tế.


Trong năm học 2015 – 2016 vừa qua, nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2010-2015; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” cho tập thể sư phạm nhà trường; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu “Tập thể Lao động Tiên tiến” cho 2 tổ chuyên môn: Sinh – KTNN, Tin học; 21 thầy cô giáo đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Và những tin vui đến từ ngay đầu năm học 2016 – 2017, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 thành phố được tổ chức vào tháng 9 vừa qua đã có 189 hs đạt giải, trong đó có 22 học sinh được tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia.


Đặc biệt, trong những ngày này, được sự quan tâm của Lãnh đạo thành phố Hà nội, Thầy trò nhà trường đang tích cực xây dựng và thực hiện Đề án “Cấp song bằng” THPTQG và THPTQT. Khối học sinh đăng kí thi tuyển vào chương trình này sẽ tốt nghiệp THPT với hai bằng: Bằng tốt nghiệp THPT Quốc Gia theo chương trình Việt Nam và bằng tốt nghiệp tú tài chương trình A-level do Cambridge International Examinations (CIE) cấp. Dự kiến, bắt đầu từ năm học 2018-2019, trường THPT Chu Văn An tuyển sinh khóa đầu tiên cho mô hình đào tạo này. Đây là bước chuyển mình quan trọng của ngôi trường cổ kính đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và Quốc gia trong xu thế hội nhập. Trường THPT Chu Văn An sẽ trở thành trường THPT Công lập đầu tiên của Thành phố Hà Nội, cũng như cả nước thực hiện mô hình đào tạo chuẩn quốc tế.

THPT Chu Văn An
THPT Chu Văn An

THPT Yên Hòa

  • Địa chỉ: Ngõ 251 Nguyễn Khang, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Trường phổ thông cấp II – III Yên Hoà được thành lập năm 1960 , năm học đầu tiên trường chỉ có hai lớp 8. Năm 1961 Trường chính thức mang tên Trường phổ thông cấp III Yên Hoà. Hình ảnh trường trong những năm xa xưa ấy là hình ảnh một ngôi trường nhỏ bé với dãy nhà cấp bốn mái ngói, mái lá đan xen nhau. Từ ngôi trường bình dị ấy, những nét truyền thống tốt đẹp của trường dần dần được hình thành.


Bước vào những năm chống Mỹ cứu nước đầy thử thách cẳng thẳng, giáo viên và học sinh Yên Hoà đã nỗ lực thi đua “dạy tốt và học tốt” . 5 năm liền (1965 -1970) trường liên tục được công nhận là Trường tiên tiến chống Mỹ cứu nước của Sở giáo dục Hà Nội. Ngoài ra trường còn được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục, UBND Thành phố Hà Nội và của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Từ mái trường Yên Hoà đã có hàng trăm học sinh bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù của dân tộc. Trong số những con người dũng cảm ấy có nhiều chiến sĩ đã anh dũng, lập công như dũng sĩ diệt Mỹ cấp Ưu tú Nguyễn Cửu Việt, phi công phản lực Nguyễn Xuân Hiển.... không ít những chiến sĩ đã hi sinh oanh liệt như các anh Nguyễn Văn Giá , Nguyễn Kim Ảnh ... đặc biệt sáng lên hình ảnh liệt sĩ Vương Đình Cung, người chiến sĩ anh hùng, tấm gương cho thế hệ trẻ cả nước học tập. Trong thời đại ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam luôn xúc động trước những trang nhật ký “ Mãi mãi tuổi hai mươi”của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, cựu học sinh trường THPT Yên Hoà.


Nước nhà thống nhất, năm 1975 trường chuyển về thôn Yên Quyết – xã Yên Hòa (địa điểm hiện nay). Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng thầy và trò trường THPT Yên Hòa vẫn quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải thi đua dạy tốt học tốt”. Trong 10 năm (1975 – 1985) trường liên tiếp 3 lần đạt danh hiệu Trường Tiên tiến Xuất sắc, 2 lần được nhận Cờ thi đua luân lưu của UBND Thành phố Hà Nội. Đến 1990 trường vinh dự được Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 1993 trường được xây dựng lại , cơ sở vật chất, hệ thống phòng học, các phòng chức năng của trường ngày càng hoàn thiện và hiện đại. Phát huy thế mạnh đó tập thể Hội đồng giáo dục nhà trường đã đẩy mạnh sự nghiệp “trồng người” lên một tầm cao mới. Năm 1999 Trường được tặng Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ hai. Từ năm học 1992-1993 đến nay Trường liên tục giữ vững ngọn cờ tiên tiến xuất sắc.


  • Năm học 2003-2004, cùng với 6 trường trong Thành phố, trường THPT Yên Hoà đã thực hiện thí điểm phân ban lần 2.
  • Năm học 2005-2006, trường THPT Yên Hoà đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Qua hai lần thí điểm phân ban, thầy cô giáo trong trường đã có nhiều kinh nghiệm trong phương pháp giảng dạy theo yêu cầu mới. Nhiều thầy cô đã được Bộ Giáo dục và Đào tạợ mời xây dựng giáo án mẫu sử dụng trong toàn quốc, viết hệ thống câu hỏi kiểm tra, thiết kế bài giảng, ... Một số thầy cô giáo còn được Bộ GD&ĐT mời tham gia Hội đồng Quốc gia thẩm định Chương trình, SGK, Thiết bị dạy học, tham gia viết tài liệu chuyên môn.


50 năm qua Trường THPT Yên Hoà đã trải qua không ít những gian nan thử thách nhưng cũng rất tự hào vinh quang, Trường xứng đáng được sự quan tâm tin cậy của các cấp lãnh đạo, của cha mẹ học sinh và nhân dân địa phương. Xứng đáng là điểm sáng của ngành giáo dục thủ đô. Với thành tích trên, trường THPT Yên Hoà năm 2006 đã được Bộ GD&ĐT xếp thứ 25/100 trường THPT có chất lượng đào tạo tốt nhất toàn quốc. Năm 2007 trường đứng thứ hạng cao của Hà Nội có điểm thi Đại học cao. Năm 2008 trường đứng thứ 100/200 trường có điểm thi ĐH cao nhất cả nước và đứng trong top 5 trường THPT không chuyên của Hà Nội có điểm thi ĐH cao nhất.

THPT Yên Hòa
THPT Yên Hòa

Chuyên ngữ ĐHNN ĐHQG

  • Địa chỉ: Đường Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội

Được thành lập từ năm 1969 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Trung học Phổ thông (THPT) Chuyên Ngoại ngữ thuộc trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội là một trong những trường trung học phổ thông có chất lượng đào tạo hàng đầu Việt Nam.


Trường thuộc hệ thống các trường công lập nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội, chịu sự quản lý của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội về tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất và tài chính. Trường chịu sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về chương trình, kế hoạch giảng dạy, thi tốt nghiệp THPT và cấp bằng tốt nghiệp.


Hàng năm, Trường đào tạo khoảng 1400-1500 học sinh được tuyển chọn từ khắp mọi miền của đất nước. Học sinh của trường là học sinh chuyên về các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn Quốc. Từ năm 2008, học sinh của trường được học thêm ngoại ngữ 2 theo nguyện vọng. Trường thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình này luôn được bổ trợ nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh chuyên. Trường hướng đến mục tiêu đào tạo học sinh giỏi ngoại ngữ, vững vàng các môn văn hóa bậc THPT. Song song với nhiệm vụ giảng dạy văn hóa là định hướng phát triển những phẩm chất và trang bị những kĩ năng sống cần thiết cho học sinh vào đời.


Ngoài môn Ngoại ngữ chuyên (một trong bảy thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn Quốc), học sinh có cơ hội học thêm một ngoại ngữ 2 theo nguyện vọng. Từ năm học 2009-2010, trường bắt đầu thực hiện đề án giảng dạy các môn khoa học bằng tiếng nước ngoài. Hiện tại Nhà trường tổ chức giảng dạy môn Toán bằng tiếng Anh cho học sinh lớp 10 và 11. Từ năm học 2017-2018, Nhà trường tổ chức giảng dạy các môn GDTC theo hình thức câu lạc bộ; môn GDQP-AN theo hình thức học tập trung tại Trung tâm GDQP-AN- ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Từ năm học 2018-2019, môn Tin học được đổi mới nội dung giảng dạy với việc học và thi lấy chứng chỉ MOS. Mô hình lớp môn học Ngoại ngữ chuyên được tổ chức theo trình độ đầu vào của học sinh một cách đồng bộ ở tất cả các môn chuyên được áp dụng từ năm học này.

Chuyên ngữ ĐHNN ĐHQG
Chuyên ngữ ĐHNN ĐHQG

THPT Trần Phú

  • Địa chỉ: 23 Phố Quang Trung, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Trường THPT Trần Phú vốn là trường Petit Lycée do kiến trúc sư C.G. Lichtenfelder thiết kế, được xây dựng năm 1907. Ban đầu đây là trường tiểu học dành cho nữ, sau thành trường trung học. Năm 1960, trường chia thành hai ca học, buổi sáng là trường THPT Hoàn Kiếm, buổi chiều là trường THPT Trần Phú. Năm 1995, hai trường sáp nhập, lấy tên là trường THPT Trần Phú. Đến tháng 2/2009 trường đổi tên thành THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (để phân biệt với một trường cùng tên trên địa bàn Hà Nội).


Trường học gồm hai khối nhà, trong đó khối hai tầng hướng ra phố Hai Bà Trưng; khối xưởng trường và các phòng thí nghiệm một tầng nằm đối diện, cách một khoảng sân rộng. Nhà học chính hình chữ U gồm hai tầng, với hai cánh mở rộng về phía trước. Chính giữa có hành lang cầu mái ngói đón từ cổng trường dẫn vào chính sảnh.


Thành tích

  • Huân chương Lao động hạng Ba 1965
  • Huân chương Lao động hạng Ba 1990
  • Huân chương Lao động hạng Nhì 2000.
  • Trường THPT Trần Phú có rất nhiều nhân vật nổi tiếng từng theo học như: cố Tổng bí thư Trường Chinh, hoàng thân Lào Souphanouvong, giáo sư Hồ Đắc Di, nhà văn Thạch Lam, Vũ Bằng...
THPT Trần Phú
THPT Trần Phú

THPT Thăng Long

  • Địa chỉ: Số 44 - Tạ Quang Bửu – Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

Từ năm 1920 tại Hà Nội có một trường tư thục mang tên Thăng Long học đến cấp thành chung (tương đương cấp II) đến năm 1935 được mở rộng lên bậc tú tài (tương đương cấp III bây giờ). Thăng Long đã nổi tiếng từ lâu đời vì nơi đây đã tập trung nhiều trí thức yêu nước là giáo viên của trường và đã đào tạo nhiều học sinh sau này là những chiến sĩ cách mạng, giữ nhiều cương vị lãnh đạo trong các tổ chức Đảng và Nhà nước.


Chặng đường 48 năm trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cùng với cả nước : Giai đoạn chống Mỹ cứu nước 1965-1970, giai đoạn chuyển từ chiến tranh sang hòa bình 1970-1975 và giai đoạn thống nhất đất nước cả nước cùng tiến lên CNXH, tập thể CBGV và học sinh của trường dưới sự lãnh đạo của các thế hệ thầy cô Hiệu trưởng cùng tập thể BGH trường không ngừng trưởng thành và đạt nhiều thành tích.


Đến nay, đội ngũ các thầy cô giáo đều đạt chuẩn và trên chuẩn,có tinh thần trách nhiệm, trung thực,đoàn kết,luôn tìm tòi sáng tạo vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và công tác. Các cán bộ quản lý của trường có bề dày kinh nghiệm, năng nổ, nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được quần chúng tín nhiệm. Trong nhiều năm qua chất lượng dạy và học của trường luôn giữ vững, mặc dù trường còn nhiều khó khăn: trường nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, đời sống kinh tế của đại bộ phận dân cư không đều. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, éo le đặc biệt. Cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn, khuôn viên trường chật hẹp với diện tích 4900m2 nên sân chơi và bãi tập của học sinh còn hạn chế. Tuy nhiên tập thể Hội đồng giáo dục nhà trường vẫn luôn nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn dành được những thành tích nổi bật.


Nhà trường luôn quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực,chủ động sáng tạo của học sinh. Là một trường có kỷ cương, nề nếp giáo dục tốt cả đức dục và trí dục. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm tăng dần từ 99-100 %. Tỷ lệ học sinh nhà trường đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm từ 75-80 %. Năm học 2004-2005 có hai em đỗ đại học với số điểm tối đa 30/30 (chưa kể cộng điểm thưởng).


Trường luôn quan tâm giáo dục mũi nhọn, trong 5 năm (2000-2005) trường có 660 học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi Thành phố, trong đó có 19 em đạt giải nhất, có 9 em được tham gia học sinh giỏi Quốc gia và cả 9 em đạt giải, (1 giải nhất, 3 giải nhì), 1 em được tham gia thi OLYMPIC quốc tế môn Sinh vật. Năm học 2010 - 2011 Trường THPT Thăng Long có 1195 em đạt danh hiệu HỌC SINH GIỎI, trên tổng số 2051 học sinh toàn trường, chiếm 58,3%. Trong đó có 101 em đạt danh hiệu HỌC SINH GIỎI XUẤT SẮC, có HK Tốt và điểm TBCN các môn từ 9,0 trở lên. Năm học 2012 - 2013, trường có hai học sinh đạt giải Quốc gia: 1 giải Nhì môn Tiếng Anh và 1 giải Ba môn Ngữ Văn. Đặc biệt trong hội thi Khoa học kĩ thuật INTEL ISEF (2011- 2012), trường đã: + Đạt giải Hội thi cấp Thành phố: 5 đề tài. Trong đó: 2 giải Nhất, 3 giải Ba. + Đạt giải Hội thi cấp Quốc gia: 3 đề tài. Trong đó: 1 giải Ba, 2 giải KK + Có 2 đề tài được nhận giải thưởng và giấy chứng nhận của Hiệp hội khoa học kỹ thuật và Hiệp hội khoa học môi trường Hoa Kỳ. Trường luôn quan tâm, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn dưới nhiều hình thức,nhất là đội ngũ trẻ. Hiện nay trường có nhiều thạc sĩ, 2 cao cấp chính trị, 2 nhà giáo ưu tú, 406 lượt GVDG các cấp, 4 CSTĐ, 1GV được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

THPT Thăng Long
THPT Thăng Long

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?