Thanh Hóa là cửa ngõ nối liền miền Trung và miền Bắc, văn hóa ẩm thực nơi đây có sự giao thoa của hai miền, ngoài những đặc sản quen thuộc như thì còn rất nhiều sản vật tiến vua nổi tiếng mà nhiều người không hề biết đến. Khi có dịp đến xứ Thanh, bạn đừng quên bỏ qua top 10 đặc sản hấp dẫn này nhé.
Bưởi Luận Văn
Bưởi Luận Văn là đặc sản tiến vua, đặc biệt là thời Hậu Lê, có nguồn gốc từ làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Bưởi Luận Văn khi non có màu xanh, đến khi chín có màu đỏ từ vỏ cho đến ruột rất đẹp mắt, múi bưởi mọng, hồng, vị chua ngọt dễ chịu, mùi thơm rất đặc trưng. Năm xưa tiến vua, bưởi phải nặng 1,5 kg trở lên, thân tròn mọng, rốn ở chính giữa. Ngày nay, bưởi Luận Văn được con em xứ Thanh mua về để cúng Tết Âm Lịch vì bưởi Luận Văn được xem như biểu tượng của sự may mắn và tài lộc trong năm mới. Giá Bưởi Luận Văn khoảng 150 - 600k/ quả tùy vào thời điểm.
Không chỉ ngon ngọt mà hương của bưởi Luận Văn cũng rất thơm. Khi có dịp đến thăm vườn bưởi vào mùa thu hoạch ngay khi bước vào cổng vườn bạn đã ngửi thấy mùi hương thơm lan tỏa. Do giống bưởi này có màu đỏ nên khi nghiên cứu thì hàm lượng Vitamin C nhiều đặc biệt lượng caroten (chất chống oxy hóa) trong quả bưởi cũng khá cao có thể giúp điều trị một số bệnh như bệnh tim mạch, giảm nồng độ cholesterol máu và cả ngăn ngừa bệnh ung thư.
Phi Cầu Sài
Thanh Hóa là vùng ven biển, bạn đến thăm huyện xã ven biển nào cũng sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ phi. Nhưng chỉ có phi Cầu Sài sống ở sông Trà Giang từ Văn Lộc chảy qua Cầu Sài nối liền hai xã Thuần Lộc (Hậu Lộc) và Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa) là Phi ngon nổi tiếng nhất, mới được đem tiến vua. Phi sống ở nước lợ, bề ngoài giống con trai nhưng vỏ mỏng hơn, ruột trắng, có hai tua dài. Cách chế biến phi rất đơn giản như chiên, xào, rán, nấu canh, cháo. Phi cầu Sài trông giống con trai biển, nhưng vỏ mỏng hơn, con lớn nhất dài cả gang tay. Ruột phi dầy trắng ngần. Đây là món đặc sản quý hiếm vì ngoài vùng cầu Sài ra, không nơi nào trong cả nước có loài phi có hương vị đậm đà như thế.
Tuy cách chế biến món ăn không cầu kỳ nhưng mùi vị rất ngon, vị ngọt, thanh mát. Nghe ông cha kể lại, năm xưa phi Cầu Sài to hơn bàn tay người lớn, đáng tiếc là sau khi đắp đập xây đê loài phi này đã biến mất. Tuy nhiên, vùng cồn nổi đảo Nẹ, xã Hải Lộc và cửa biển Hoằng Trường vẫn còn phi sinh sống, nếu về Hoằng Hóa, Hậu Lộc một lần, bạn nhất định phải thử, nếu muốn mua về, bạn có thể đến các chợ hải sản ở Thanh Hóa.
Măng đắng
Mưa xuân bắt đầu lắc rắc, người Thái ở Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước bắt đầu lên núi để hái măng, mang về những gùi măng đắng đầy ụ dài bằng gang tay. Măng bóc lớp vỏ ngoài ngâm nước muối vài giờ cho bớt vị đắng, đổ nước xâm xấp luộc trong vòng 15 phút. Để cảm nhận được hương vị núi rừng miền Tây Thanh Hóa, măng đắng khi ăn chẻ làm tư, chấm với muối trộn hạt mắc khén của người Thái là ngon nhất, vị đắng bùi, tuy nhiên nhai một lúc, lại cảm nhận được vị ngọt. Chẳng thế mà người ta bảo ăn Măng đắng Xứ Thanh là nếm đủ vị đắng cay ngọt bùi cuộc đời.
Với măng đắng, bạn có thể chế biến được nhiều món ăn mà không cảm thấy chán. Trong bữa cơm, có thêm những đĩa măng đắng xào, luộc, nấu xương hay nấu với vịt, thịt lợn làm đa dạng trong sổ tay ẩm thực – món ngon mỗi ngày của gia đình. Muốn mua măng đắng bạn phải đi lên Bá Thước vào tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, giá 80. 000 đồng/kg.
Bánh gai Tứ Trụ
Nhắc đến bánh gai thì vùng quê nào cũng có, nhưng ai được thưởng thức bánh gai Tứ Trụ của làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân thì không thể quên được hương vị đặc biệt của món ăn đậm chất dân dã nơi đây. Quy trình làm bánh rất công phu và chi tiết. Lá gai trồng bên bờ sông Chu phơi khô sau khi làm sạch phải đem luộc chín, sau đó vớt ra, để ráo nước rồi giã thật nhuyễn. Đem bột lá gai giã nhỏ trộn đều với bột gạo nếp hoa cau và mật mía, tạo thành một thứ bột dẻo mịn có màu nâu đen, bóng.
Sau đó, đem gói trong lớp lá chuối khô, ở giữa là nhân tổng hợp với chủ yếu là bột đậu xanh, cùi dừa. Bí quyết gia truyền đã làm nên hương vị thơm ngon, đặc trưng của bánh gai Tứ Trụ. Mùa hè, bánh có thể để được 1 tuần, mùa đông thì để độ mươi ngày. Bánh gai Tứ Trụ năm xưa là thứ bánh tiến vua Lê, ngày nay trở thành thương hiệu nổi tiếng ở xứ Thanh. Về thăm Thọ Xuân Thanh Hóa, bạn chắc chắn phải thưởng thức món bánh gai này và mua về làm quà cho người thân. Bánh gai Tứ Trụ giá khoảng 8000-10000 đồng/cái.
Dừa Hoằng Hóa
Hoằng Hóa nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng là huyện trồng dừa nhiều nhất xứ Thanh. Dừa Hoằng Hóa khác với những địa phương khác trong cả nước bởi mang vị ngọt lành chắt lọc từ mạch nguồn sông Mã mà lắng đọng đất phù sa… Nếu đi về du lịch biển Hải Tiến Hoằng Hóa, du khách nên ghé qua làng Nghĩa xã Hoằng Lộc mùa dừa sai trĩu quả, hương thơm bay khắp xóm làng. Dừa Hoằng Hóa ngon nhất khi vào chính vụ, to hơn dừa Bến Tre, cùi dày trắng, giòn và thơm, nước ngọt mát.
Ngoài ra Cùi Dừa Hoằng Lộc ăn kèm với bánh tráng Xuân Phụ Hoằng Phụ ngon nức tiếng, chẳng thế mà dân gian còn lưu truyền lại câu ca dao:
"Chồng đánh không chừa cùi dừa tráng
Chồng đánh đà đáng bánh tráng cùi dừa."
Mía Kim Tân
Không ngoa khi nói mía tím Kim Tân là sản vật “trời ban” cho vùng đất Thạch Thành. Nhờ chất dinh dưỡng từ đất đỏ vùng đồi màu mỡ Thạch Thành mà những cây mía sinh trưởng nơi đây tích tụ mật ngọt, thơm, thân thẳng, màu tím óng ánh, đốt đều, ngọt nước, đều tăm tắp. Tương truyền vua Quang Trung rất thích ăn loại mía này. Mùa Xuân năm 1789, khi chiêu mộ quân sĩ, voi chiến, ngựa chiến ở vùng Tam Điệp – Bỉm Sơn (Thanh Hóa) vua cho quân lính về đây ăn mía Kim Tân. Đại phá 29 vạn quân Mãn Thanh thành công, vua đã có chiếu dụ tổ chức hội Mía tại Phố Cát (thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành bây giờ).
Đến thời nhà Nguyễn, năm nào địa phương cũng cắt cử người thành lập đoàn xe ngựa bứng từng bụi mía để chở vào kinh thành Huế tiến vua. Thế nên về Thanh Hóa, bạn nhớ ghé qua Thạch Thành thưởng thức mía tím Kim Tân, mùa hè thì ly nước mía ướp lạnh dịu cơn khát trưa hè, mùa đông thì ngồi bên bếp than hồng nhâm nhi túi mía Kim Tân hấp nóng ngào ngạt hương bưởi.
Nem thính
Bằng sự sáng tạo biến hóa thành phần trong chế biến ẩm thực, ngoài nem chua và nem nướng, xứ Thanh còn một loại nem khác là nem thính. Điểm làm nên sự khác biệt cơ bản về mùi vị giữa nem chua và nem thính là thịt làm nem chua phải xay, còn nem thính thái bằng tay. Thính để làm tăng gia vị cho nem chua nhưng lại là nguyên liệu chủ đạo làm nên hương vị đặc biệt của nem thính. Chiếc nem thính chỉ gói vừa, to bằng nắm tay. Nem thính ngon hay không phụ thuộc vào công đoạn rang thính, người trực tiếp rang thính là người có nhiều kinh nghiệm nhất, thính rang phải chín vàng đều, không cháy không non.
Rang non tay, chưa chín đến thì thính ra bột, không thơm mà già lửa quá thì thính cháy thành than, làm chiếc nem bị đắng. Nem thính sau khi ủ 1-2 ngày là ăn được, khi ăn rắc thính bóp đều, thưởng thức có vị chua dịu của thịt, thính rang bùi, vị cay của ớt tiêu ăn kèm lá sung, đinh lăng rau thơm, chấm cùng nước mắm đủ vị sánh đặc. Giá nem thính một cái khoảng 10000-15000 đồng một cái, bạn vào các quán nhậu ở Thanh Hóa chỗ nào cũng bán.
Vịt Cổ Lũng
Xã Cổ Lũng nằm ở huyện Bá Thước miền Tây Thanh Hóa, nơi đây nổi tiếng với đặc sản vùng sơn cước: Vịt Cổ Lũng. Vịt Cổ Lũng là giống vịt bản địa đã có hơn trăm năm, chỉ khoảng 600 con trên địa bàn. Vịt Cổ Lũng được nuôi thả tự nhiên nên cho nên vị ngon khó loại vịt nào ở đâu sánh. Vịt Cổ Lũng xương nhỏ, nhiều nạc, vị ngọt, thơm ngon nức tiếng. Ngon nhất ở đây là món vịt quay được dân bản địa sơ chế bằng cách nhồi đầy bụng vịt thứ lá và quả mắc mật tươi thêm gia vị muối, đường, ngũ vị hương quay trên than hoa hồng rực.
Hương vị lá mắc mật theo thời gian ngấm đều vào từng thớ thịt, từ trong ra ngoài, dậy hương, nức mũi. Thịt vịt chín da nâu đỏ mờ màu, thịt ngọt lịm, ý vị nhất là mùi thơm quyến rũ riêng có của hương mắc mật. Thứ muối chấm được người bản địa làm từ gan vịt nghiền nhỏ thêm muối và hạt mắc khén đã được giã nhỏ. Nếu bạn muốn mua thì Vịt Cổ Lũng giá khoảng 120000 đồng - 1kg.
Nem chua
Nem chua là món đặc sản nức tiếng của xứ Thanh, ai ai cũng biết. Nem chua được làm từ thịt sống còn nóng, bì lợn, gia vị như tiêu, tỏi, ớt, đinh lăng, quấn trong lá chuối hột hoặc chuối rừng dày để cho lên men chín. Sau 1-2 ngày tùy thời tiết, khi nem chín có vị chua dịu, sau khi chín sẽ được cho vào tủ lạnh để bảo quản. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để làm được nem ngon đều có công thức bí quyết gia truyền của mỗi gia đình...
Khi chọn nem phải chọn bằng cách sờ, ngửi lớp vỏ, mùi hương. Nem ngon, mới thì vỏ chuối bọc màu xanh, hơi se se khô, mùi thơm lá chuối và hơi thịt thoát ra khá dễ chịu. Nem hỏng lá chuối rách, nhìn không được mới, mùi khăm khẳm .Ở Thanh Hóa, ở đâu cũng bán nem nhưng nếu để tìm được nơi làm nem ngon nhất bạn phải đi sâu vào thành phố, tới các gia đình truyền thống làm nem. Giá nem thính khoảng 25000 - 30000 đồng cho 10 cái, tùy to nhỏ chất lượng khác nhau.
Nem nướng
Nem chua không còn xa lạ với nhiều người, nhưng ít ai biết ở Thanh Hóa còn có loại nem cầu kỳ hơn đó là nem nướng. Thọ Xuân là nơi làm nem nướng ngon nhất xứ Thanh. Nem nướng được làm chủ yếu từ thịt nạc, bì lợn thái to bản, thêm gia vị tiêu, tỏi, ớt, lá ổi, đinh lăng, quấn trong lá chuối. Khi nào ăn thì bóc hết lá chuối, để lại lớp cuối cùng, nướng trên than hoa, nếu không bạn cho vào lò vi sóng cũng được. Tuy nhiên cách ăn ngon nhất vẫn là vùi trong than củi hồng rực. Khi chín, lớp thịt ngoài cháy sém vàng rụm, ăn kèm lá sung rau thơm, chấm nước mắm đủ vị cay chua ngọt sánh đặc.
Một điểm khác biệt khá rõ là thịt lợn khi làm nem nướng không xay nhuyễn như nem chua mà được thái thành những lát mỏng, nem chua sau khi chín có thể ăn trực tiếp còn nem nướng thì cần trải qua công đoạn nướng nữa mới hoàn thành. Nem sau khi nướng có mùi của lá chuối, lá đinh lăng quyện mùi bì lợn và tiêu thơm lừng. Khi ăn, nem nướng có vị béo và bùi của của thịt dính một chút mỡ, vị ngọt và giòn của bì lợn, vị thơm nồng của tỏi ớt. Một chiếc nem nướng chua nhẹ, nóng hổi, cay nồng của tỏi ớt là những trải nghiệm hấp dẫn khó quên khi thưởng thức món ăn này. Giá nem nướng khoảng 20000-30000 đồng/cái, bạn vào các quán nhậu ở Thanh Hóa, ở đâu cũng bán.