Là một thành phố lớn, là trung tâm công nghiệp, đầu mối giao thông; song Hải Phòng lại có sự trầm lắng, không quá xô bồ, đông đúc. Thực tế, khu vực trung tâm thành phố lại rất bình yên. Và những dấu ấn kiến trúc cũ vẫn đang tồn tại tạo nên một nét riêng của phố cảng. Bạn hãy cùng Toplist dạo quanh một vòng thăm các kiến trúc tuyệt vời này nhé
Nhà kèn
Những người từng sinh ra và lớn lên ở thành phố Cảng, có lẽ ít ai không biết tới công trình nhà Kèn nằm trong dải vườn hoa Nguyễn Du. Sau khi được người Pháp xây dựng, nhà Kèn của Hải Phòng được xếp hạng vào một trong mười kiến trúc “bát quái” nổi danh nhất đất Việt, cùng với Lầu Bát Giác trong Văn Miếu- Quốc Tử Giám, với chùa Láng, Bảo tàng quân sự Việt Nam, với chùa Thiên Mụ, Tháp nước (Phan Thiết)…
Nhà Kèn được thiết kế hình tròn với 8 cột mở rộng ra 8 hướng, mái ngói đỏ tươi dưới bóng cây tựa hình dáng ngôi đình làng của người Việt, có vườn cỏ nhỏ bao xung quanh tạo ra khuôn viên thoáng đãng và thanh bình. Kiến trúc hình chóp 2 tầng gợi mở thế phát triển liên tục đi lên. Mặc dù không có cửa, nhưng do kiến trúc đặc biệt của Nhà Kèn, trần và sàn bằng phẳng nên âm thanh phát ra từ nhà Kèn truyền đi rất xa.
Vào năm 1960, công trình nhà Kèn đã bị phá bỏ, nhường chỗ cho công trình Quảng trường Nhà hát Lớn bây giờ. Kể từ đó, cái tên nhà Kèn cũng ít được nhắc đến. Đến nay, nhà Kèn được hòa nhịp trở lại, nó đã trở thành một điểm hẹn văn hóa công cộng đặc biệt vào mỗi cuối tuần của thành phố. Tuy rằng, nhà Kèn giờ không chỉ danh riêng cho những nghệ sỹ Kèn mà nó đã và đang được Sở văn hóa Thể thao và Du lịch mở rộng đa loại hình nghệ thuật như hát xẩm, hát chèo, múa…
Vào mỗi ngày cuối tuần, cho dù thời gian hoạt động nghệ thuật chỉ ngắn ngủi (1 tiếng.buổi) song như đã thành quen, cứ vào sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, người dân yêu nhạc lại đổ về phía nhà Kèn để thuởng thức với niềm yêu thích riêng.
Ga Hải Phòng
Sau khi chiếm được Bắc Kỳ, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa. Đường sắt là phương tiện chuyên chở chủ yếu. Để nối Hà Nội với Hải Phòng, người Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt dài 102 km nối liền hai thành phố này. Ngày 16-6-1902, toàn tuyến được chính thức đưa vào khai thác và kèm theo đó là sự ra đời của ga Hải Phòng.
Ngày 21-10-1946, sau khi dự hội nghị Fontainebleau trở về đến Cảng Hải Phòng, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ga Hải Phòng và khởi hành về thủ đô Hà Nội.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Pháp đồng ý rút hết quân về nước. Hải Phòng là điểm sau cùng của đường sắt miền Bắc còn bị chiếm đóng. Cùng với nhân dân, công nhân khu đường sắt Hải Phòng, công nhân nhà ga đã có 12 cuộc đấu tranh bảo vệ máy móc, vật liệu. Ngày 13-5, bộ đội Việt Nam tiếp quản ga Hải Phòng. Sáng ngày 15-5-1955, nhà ga hoạt động bình thường, đón tiếp tàu chở bộ đội và cán bộ tiếp quản vào thành phố; tuyến Hà Nội - Hải Phòng hoạt động trở lại như thường lệ.
Ga Hải Phòng (có cổng chính ở đường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền), là một trong những công trình đẹp nhất Hải Phòng, và cũng là một trong những nhà ga xe lửa đẹp nhất mà người Pháp để lại ở Việt Nam.
Ga Hải Phòng hiện là ga tàu hỏa chính tại thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Ga Hải Phòng là ga hành khách cuối cùng trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Ngoài ra, ga Hải Phòng còn có tuyến đường sắt chạy đến cảng Hải Phòng chở hàng hóa từ cảng đến các vùng sâu trong nội địa bằng đường sắt.
Nhà hát lớn Hải Phòng
Nhà hát thành phố Hải Phòng được xây dựng năm 1904, là 1 trong ba nhà hát Lớn được xây dựng theo kiến trúc Pháp tại Việt Nam.
Đây là một trong ba nhà hát Lớn ở Việt Nam được xây dựng theo kiến trúc Pháp. Thời Pháp thuộc, nhà hát lớn là nơi sinh hoạt chính trị, văn hoá của người Pháp và những người bản xứ giàu có. Chỉ những gánh hát từ Pháp sang hoặc những gánh hát nổi tiếng trong nước mới được biểu diễn tại đây và chỉ người giàu có mới đủ tiền mua vé vào xem.
Nằm ở trung tâm thành phố, nhà hát cao 2 tầng, có 100 cửa ra vào và cửa sổ, có hành lang, tiền sảnh,... có sân khấu với khán phòng 400 ghế. Trên tầng 2 có các cửa hình mái vòm theo kiểu Gôtích. Trần nhà hát hình vòm, tạo tiếng vang và làm tôn thêm chiều cao nhà hát. Vòm trần trang trí lộng lẫy với những lẵng hoa và ghi tên các nhạc sĩ, kịch sĩ châu Âu lừng danh: Mozard, Betthoven, Moliere...
Nét đẹp bên trong Nhà hát được tôn lên nhờ phong cách kiến trúc của nền văn minh Pháp thế kỷ XIX. Nét đẹp bên ngoài Nhà hát thể hiện sự phát triển của một xã hội hiện đại: có quảng trường rộng, trước mặt là vườn hoa, có đài phun nước màu nghệ thuật, những đèn hoa lung linh sắc màu trải dài trên cành phượng vĩ. Sự kết hợp hài hoà giữa hiện đại và cổ kính tạo nên một Nhà hát đẹp, ấn tượng, quyến rũ với du khách tham quan.
Nhà hát thành phố Hải Phòng cũng là một chứng nhân của giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Pháp. Ngày 23-8-1945, hàng vạn nhân dân Hải Phòng mít tinh, biểu tình tại Nhà hát thành phố, thành lập chính quyền cách mạng, đánh dấu một mốc son trong lịch sử cách mạng Hải Phòng. Cũng nơi đây, ngày 20-11-1946, diễn ra trận chiến đấu oanh liệt bảo vệ thành phố, bảo vệ Nhà hát của bộ đội ta trước sự gây hấn của quân Pháp. Đây là cuộc tập dượt bước đầu quan trọng cho quân dân cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng, chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19-11-1946).
Tượng đài nữ tướng Lê Chân
Uy nghiêm trước trung tâm triển lãm thành phố là tượng đài nữ tướng Lê Chân. Người Hải Phòng luôn nhớ đến công ơn của nữ tướng đã lập ra trang An Biên - mảnh đất là tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay.
Tượng đài được dựng lên để tôn vinh nữ tướng Lê Chân – người đã có công gây dựng trang An Biên tức thành phố cảng Hải Phòng ngày nay. Lê Chân vốn người làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Nợ nước thù nhà với thái thú Tô Định, bà đã đem một số người nhà đến vùng biển An Dương lập trại, lấy tên quê cũ đặt cho vùng đất mới, chiêu mộ người tài gây dựng quân đội chống lại giặc đô hộ. Khi Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghiã, Lê Chân đã cùng nghiã quân lập được nhiều chiến công vang dội. Sau này Mã Viện đem thêm lực lượng tới tấn công, nghiã quân không thể bảo toàn được lực lượng, bà đã phải tuẫn tiết để bảo toàn danh dự.
Tuy Bà đã mất, nhưng từ những thành quả ban đầu Lê Chân để lại, trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm mở mang, ban đầu chỉ là một làng chài nhỏ bé, An Biên đã vươn mình thành một Hải Phòng không chỉ tỏa sáng về lĩnh vực kinh tế mà còn cả lĩnh vực văn hóa xã hội. Mỗi người dân Hải Phòng dù ở bất cứ nơi đâu khi nhắc đến thành phố quê hương mình cũng đều có một niềm tự hào là con cháu của vị nữ tướng tài ba, kiên trung này.
Tượng đài nữ tướng Lê Chân được khởi công xây dựng vào ngày 30 tháng 11 năm 1999, khánh thành ngày 31 tháng 12 năm 2000, tượng đúc bằng đồng, cao 7,5 met, nặng 19 tấn.
Quán Hoa
Đến Hải Phòng, một trong những điểm được nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài dừng chân chính là quán hoa ở trung tâm thành phố. Quán hoa mang những giá trị độc đáo về kiến trúc, lớnlịch sử và vai trò của nó trong cuộc sống tinh thần của người dân thành phố Cảng. Có nhiều người đặt câu hỏi khi đến địa danh du lịch nổi tiếng này, rằng vì sao gọi đây là quán hoa mà không phải là điểm bán hoa hay chợ hoa. Một trong những lý giải gắn với suy nghĩ lâu nay của người Hải Phòng, quán hoa không chỉ đơn thuần là nơi để bán hoa mà còn là nét đẹp về văn hoá, về phong tục, về con người Hải Phòng. Ngay từ những ngày đầu xây dựng, quán hoa được sử dụng với mục đích là để bán hoa phục vụ những ngày hội, ngày lễ, những buổi biểu diễn văn nghệ tại Nhà hát lớn (bây giờ là Nhà hát thành phố).
Quán hoa là công trình được người Pháp xây dựng vào năm 1944. Trong thời gian thực dân Pháp vẫn thống trị nước ta, đốc lý Luyxiani là người chủ trì việc thiết kế chung và chánh lộ Gôchiê phụ trách thiết kế mỹ thuật của quán hoa. Mặc dù vậy, quán hoa vẫn mang kiến trúc cổ theo hình thức phương đình truyền thống của Việt Nam. Trong đó, dấu ấn rõ nét nhất của lối kiến trúc này chính là 4 trụ cột to tạo thế cân đối. Hệ thống kèo là sự đơn giản của lối “chồng rường”. Hệ thống mái của quán hoa với bờ nóc có hình hoa chanh 4 cánh toả ra 4 phía đông, tây, nam, bắc. Bờ dải chạy từ nóc xuống tạo thành một góc nhọn vươn lên cao, cong vút. Toàn bộ mái được lợp bằng ngói vẩy rồng. 5 quán hoa, mỗi quán có diện tích rộng gần 20m2, cao gần 4m, các quán cách nhau 6m, toàn bộ trải đều trên diện tích 300m2. Nguyên liệu chính của quán hoa là gỗ lim, có khả năng chống mối mọt, qua gần 60 năm quán vẫn nguyên vẹn.
Quán hoa hiện là nơi bán rất nhiều loại hoa màu sắc phong phú và đa dạng. Có thể hoa được lấy từ Lũng- Một làng hoa nổi tiếng ở ngoại thành Hải Phòng, hoặc được mang về từ Đà Lạt hay các loài hoa gần đây được nhập về từ Trung Quốc, Hà Lan... Nhưng có một điều không thay đổi, đó là 5 quán hoa vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất cho những người yêu hoa, yêu cái đẹp.
Bảo tàng thành phố Hải Phòng
Bảo tàng Hải Phòng được xây dựng vào năm 1919, có kiến trúc đẹp, thiết kế theo kiểu Gotich. Bảo tàng Hải Phòng được khánh thành chính thức ngày 20/12/1959. Thông qua hơn 3 vạn tài liệu, hiện vật được trưng bày trong 15 phòng, với diện tích trên 120m2, Bảo tàng thành phố thể hiện một cách khái quát, có hệ thống những chặng đường phát triển của lịch sử Hải Phòng.
Bảo tàng Hải Phòng được biết đến chính là nơi giới thiệu về truyền thống lịch sử – cách mạng, giới thiệu về những nét bản sắc văn hoá của vùng đất và người Hải Phòng. Ngoài ra nơi đây cũng là một nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động tổ chức nghiên cứu về vùng khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, các di tích khảo cổ, các di tích lịch sử văn hoá. Đáng ghi nhận nhất đó chính là các thế hệ cán bộ Bảo tàng Hải Phòng đã tận tụy và đã sưu tầm gần 20.000 hiện vật. Trong đó có thể thấy được ngoài những hiện vật về lịch sử thì lại còn có cả những di vật khảo cổ chứng minh nền văn hoá lâu đời của Hải Phòng. Chính những đóng góp này đã giúp việc nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học có hiệu quả.
Bưu điện thành phố
Tọa lạc trên con phố trung tâm Nguyễn Tri Phương, Bưu điện Hải Phòng nằm trong quần thể những công trình kiến trúc độc đáo mang ảnh hưởng của kiến trúc thuộc địa, góp phần làm nên nét đẹp đô thị đã từ lâu nổi tiếng với sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại của thành phố Hải Phòng. Đây là một trong số ít những công trình kiến trúc công sở hành chính vẫn được bảo tồn nguyên vẹn cũng như giữ nguyên chức năng như khi được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Tòa nhà Bưu điện Hải Phòng được người Pháp xây dựng từ năm 1905. Công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á. Mặt tiền được trang trí ấn tượng bằng hệ mái dốc lợp ngói, hình đồng hồ lớn đơn giản mà không kém phần tinh tế với hai bên là ô cửa sổ cao. Phong cách kiến trúc tân cổ điển đơn giản được sử dụng khai thác đặc điểm của bố cục đối xứng, thể hiện tính bề thế và hoành tráng qua các mặt chính có hình khối kiến trúc vuông vức, tập trung vào việc trang trí qua những đường viền và những mảng tường gạch xen kẽ . Vị trí của tòa nhà cũng là điểm nhấn trong tổng thể không gian qui hoạch. Hai mặt bên của tòa nhà hướng ra hai bên với cửa sổ và cửa đi rộng có đầu cong kết hợp với hệ thống các cột trụ, họa tiết đắp nổi làm tăng thêm sự đồ sộ, trang trọng cho kiến trúc của tòa nhà.
Không chỉ mang nét đẹp văn hóa kiến trúc đặc sắc, bưu điện Hải phòng còn mang giá trị lịch sử quý báu. Năm 1876, người Pháp mở Bưu cục Hải Phòng và Qui Nhơn, sau khi các cơ sở tương tự đã được mở tại Sài Gòn, Hà Nội. Những con tem đầu tiên ở nước ta được phát hành vào năm 1864, hình vuông có hình chim đại bàng với đủ cỡ, loại. Ngày chuyển thư và đón thư thường được tiến hành khá nghiêm trang. Điện thoại liên tỉnh Hải Phòng - Hà Nội chính thức có từ ngày 19/04/1906. Bưu điện Hải Phòng ra đời sớm đã góp phần đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, nối liền Hải Phòng với các tỉnh thành quan trọng khác trong cả nước.Có thể nói Bưu điện Hải Phòng là một trong bốn bưu cục hiện đại nhất của nước ta lúc bấy giờ.
Cùng với Nhà hát thành phố, Quán hoa, Bảo tàng thành phố,... Bưu điện Trung tâm đã làm nên một quần thể di tích đặc biệt, trở thành biểu tượng không thể nào thay thế được trong lòng người Hải Phòng.
Đền Nghè
Đền Nghè nằm ở trung tâm thành phố Hải Phòng, là nơi thờ nữ tuớng Lê Chân, cách Nhà hát lớn khoảng 500m.
Di tích Đền Nghè, một ngôi đền thờ nữ tướng Lê Chân, người có công khai phá, tạo dựng vùng đất Hải Phòng tọa lạc ngay trung tâm thành phố Hải Phòng. Tương truyền rằng bà sống khôn chết thiêng. Khi bà gieo mình xuống sông thì hoá đá trôi trên mặt sông Kinh Thầy. Từ đoạn sông vùng Đông Triều quê cũ của bà đến bến Đá (nay là bến Bính) thì bập bồng xoay tròn trên mặt nước. Nhân dân làng An Biên biết bà đã hiển thánh, liền rủ nhau mang đòn, chão ra sông vớt và khiêng đá thiêng về. Khiêng đến khu vực Đền Nghè hiện nay thì trời bỗng nổi cơn giông gió, chão đứt. Dân làng bèn chọn khu đá rơi ấy để dựng đền thờ bà. Lúc đầu, đền thờ chỉ là một gian miếu nhỏ, mái lợp gianh. Năm 1919, đền Nghè mới được xây dựng khang trang như hiện nay.
Đến thăm Đền Nghè, quí khách sẽ bắt gặp 2 vật tích độc đáo đó là chiếc Khánh đá và Sập đá. Khánh làm bằng một tấm đá nguyên khối dày 5cm được tách ra thành hình chiếc khánh (có chiều cao 1m, rộng 1,6m). Mặt trước khánh khắc nổi 2 con rồng chầu mặt nguyệt và hình mây bay xung quanh. Mặt sau khánh khắc hình mây bay và sóng nước, cả hai mặt có 2 núm tròn, lồi cao là chỗ để gõ. Khi gõ vào thì tiếng ngân vang êm dịu. Hàng năm tại đền còn diễn ra lễ hội tưởng niệm nữ tướng Lê Chân vào ngày mồng 8 đến ngày mồng 10 tháng 2 Âm lịch, thu hút đông đảo du khách đến tham quan di tích, tưởng niệm
Tòa nhà ngân hàng nhà nước chi nhánh Hải Phòng
Một công trình kiến trúc độc đáo nữa ở Hải Phòng là Tòa nhà ngân hàng nhà nước chi nhánh Hải Phòng. Đây là công trình được xây dựng hoàn toàn bằng đá xanh tự nhiên.
Ngân hàng Đông Dương (Banque de l'Indochine) là cơ sở tài chính được Pháp thành lập ngày 21/1/1875 tại thủ đô Paris với mục đích phát hành giấy bạc và tiền kim loại cho các xứ thuộc địa của Pháp ở châu Á... Sau khi đến Việt Nam, người Pháp xây dưng trụ sở 2 chi nhánh đặt tại Sài Gòn và Hải Phòng, trong đó Ngân hàng Đông Dương chi nhánh Hải Phòng được khai trương vào năm 1885, có trụ sở bên bờ sông Tam Bạc.
Trụ sở ngân hàng này được người Pháp xây dựng hoàn toàn bằng đá xanh tự nhiên nguyên khối, khai thác tại núi đá Thủy Nguyên (Hải Phòng) và các mỏ đá Thanh Hóa. Tòa nhà được thiết kế 3 tầng, bao gồm một tầng hầm dùng làm kho, 2 tầng trên dùng làm việc và giao dịch.
Ngoài 4 cột trụ lớn có đường kính khoảng 0,8 m được lắp ghép bằng 5 khối đá xanh nguyên khối tại tiền sảnh, mặt sau cũng có các cột trụ đỡ để tăng độ vững của mái và tường.
Bên trong các phòng làm việc tại tầng 2 cũng như tầng 3, chân tường, sàn nhà, hành lang đều được ốp, lát bằng gỗ lim Thanh Hóa. Hành lang tại tầng 3 rộng khoảng 2,5 m, hai bên được bố trí rất nhiều cửa. Cửa mở ra ngoài đón gió và nắng, cửa mở vào các phòng làm việc, góp phần tạo nên độ thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè và ấm cúng vào mùa đông.
Từ năm 1955, Ngân hàng Đông Dương được Chính phủ Việt Nam sử dụng làm Ngân hàng nhà nước chi nhánh tại Hải Phòng, có địa chỉ số 4 Nguyễn Tri Phương, quận Hồng Bàng.
Nhà thờ chính tòa Hải Phòng
Nhà thờ chính tòa Hải Phòng với tước hiệu Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Hải Phòng nằm tại số 46 phố Hoàng Văn Thụ, phường Quang Trung, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.
Mặc dù công giáo đã có mặt từ rất lâu và ảnh hưởng sâu rộng đến Hải Phòng. Tuy nhiên, phải đến mãi những năm 20 của thế kỷ XIX, một nhà thờ có quy mô lớn mới được xây dựng ở Hải Phòng. Nhà thờ được xây theo kiểu kiến trúc Gothique dài 47m, rộng 17m. Tháp chuông hình vuông nhà thờ cao 28m[1].
Sau khi được khánh thành, trải qua nhiều thời gian biến động, nhà thờ xuống cấp, hư hỏng. Năm 2000, linh mục chính xứ đã làm đơn xin cải tạo, sửa chữa, nâng cấp toàn bộ nội thất nhà thờ và giữ nguyên kiến trúc như xưa.
Đến nay, nhà thờ chính toà, tháp chuông, khuôn viên đã được chỉnh trang, sửa chữa đồng bộ, là một trong những nhà thờ lớn và đẹp của thành phố Hải Phòng.