Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey đã công bố trên trang báo Foreign Policy với tiêu đề "10 Things You Didn't Know About Vietnam" những điều khiến thế giới thực sự kinh ngạc. Hãy cùng TopList điểm qua những điều mà có thể ngay cả chúng ta cũng chưa thực sự rõ về nước mình nhé!
Mặc dù trước đó vài chục năm, nước ta còn từng chịu nhiều cảnh khổ trong nạn mù chữ lan rộng khắp cả nước, thậm chí có lúc mức độ người không biết đọc lên đến cấp báo động đỏ 85%. Nhưng trong thời điểm hiện tại, sự thay đổi vượt bậc của công nghệ trong đời sống Việt Nam là điều vô cùng dễ dàng nhận thấy. Nền dân số trẻ nước ta được đào tạo tốt và ngày càng tiếp cận được nhiều thành quả khoa học công nghệ. Số thuê bao điện thoại trong nước lên đến 170 triệu trong đó có 154 triệu là thuê bao di động. Vào năm 2010 đã có đến 7,7 triệu thuê bao truy cập Internet qua mạng, một con số vô cùng kinh ngạc so với thời điểm của vài chục năm trước. Hiện tại số thanh niên trong nước tiếp xúc với Internet đang tăng lên theo cấp số cộng hằng năm.
Trước đây có rất nhiều người dân các nước cho rằng Việt Nam đang đi theo con đường phát triển của Trung Quốc, hoàn toàn dựa theo công thức mà Trung Hoa Đại Lục đã đi mà bắt chước theo. Nhưng đó là một ý nghĩ sai lầm cho những người không nhìn nhận kĩ lưỡng sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Nhờ chính phủ đề ra những chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư ở nước ngoài, cũng như thu hút đông đảo lượng nhân công giá rẻ, đây là công thức phổ biến của hầu khắp các nước châu Á trong đó Trung Quốc là nổi bật nhất. Nhưng nước ta có rất nhiều chính sách khác biệt tích cực hơn các nước bên cạnh. Xét về tiêu dùng cá nhân hộ gia đình ở Việt Nam thì chiếm đến 65% cơ cấu GDP, trong khi đó Trung Quốc đạt được chỉ tiêu thấp hơn là 36%. Nền tăng trưởng kinh tế của Đại Lục nhanh chóng nhờ dựa vào tiền vốn đầu tư nước ngoài cao và ngoại thương xuất khẩu, nhưng nước ta lại cân bằng hơn về dịch vụ và sản xuất, mỗi lĩnh vực chiếm mức cao trong GDP là 40%. Những điều trên đã chứng minh phần nào sự tăng trưởng bền vững và rộng rãi của nền kinh tế nước ta, có sự cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực và góp phần năng cao tính ổn định của sự phát triển.
Nhằm phát triển đất nước và phục vụ nhu cầu của người dân, nhà nước đã cho xây dựng hệ thống đường sắt khá quy mô và hiện đại, kéo dài từ đầu đến cuối đất nước. Ngoài ra hệ thống điện lưới đã lan rộng đến 96% diện tích lãnh thổ nước ta, kể cả những khu vực vùng sâu vùng xa như miền núi hẻo lánh và các huyện đảo. Ba trung tâm sân bay lớn đặt tại ba thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng cũng những cảng biển quy mô như thành phố Hải Phòng ngày càng phát triển nhằm phục vụ vận chuyển hàng hóa và giao thương giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Không phải Nhật Bản, không phải Singapore, chính Việt Nam chúng ta là nước có nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai cả lục địa Á châu, chỉ sau Trung Quốc. Đó là sự chuyển mình mạnh mẽ sau một phần tư thế kỉ bị tàn phá nặng nề của chiến tranh, hậu quả của những cuộc chiến đó là nhân dân ta đã phải bắt đầu làm lại từ đống đổ nát, dưới sự chỉ đạo cải cách của Đảng Cộng sản Việt Nam theo đường lối "đổi mới" trong những năm 1986, trong khi những nước khác đã có rất nhiều thời gian và cơ hội để phát triển kinh tế. Đây là sự thành công mà bất kì quốc gia nào cùng phải dành sự kính nể bội phục cho đất nước của con người Việt, sau những gì mà chúng ta đã trải qua trong chiến tranh tàn khốc.
Nhờ có lực lượng lao động trẻ và sự chuyển mình mạnh mẽ từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp mà tốc độ phát triển kinh tế của nước ta được tăng nhanh, tạo động lực lớn cho sự tăng trưởng của cả đất nước. Nhưng số lượng nhân công trẻ hiện nay đang giảm dần, có xu hướng già hóa và yếu thế, đồng thời xu hướng chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp đã không thể trở thành động lực nữa. Với việc cả hai sự thúc đẩy lớn đang có dấu hiệu suy yếu, nhiều người đã dự báo sự tăng trưởng của nước ta sẽ giảm xuống trong vài chục năm tới.
Vì điều đó mà Việt Nam cần phải đưa ra những giải pháp hợp lí, tăng cường hiệu suất lao động toàn diện để có thể duy trì và nâng cao tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam là một thị trường vô cùng hứa hẹn cho nguồn lao động nhân công nước ngoài, hằng năm số lượng người lao động từ các nước khác đến làm việc và sinh sống ở Việt Nam đều gia tăng, phục vụ nhiều lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế đất nước. Hiện tại đã có hơn 100.000 chuyên gia nước ngoài về công nghệ và phần mềm đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả các chuyên viên cao cấp của những tập đoàn nổi tiếng hàng đầu như Hewlett-Packard, Panasonic và IBM.
Mặc dù có xu hướng giảm nông nghiệp nhưng nước ta vẫn đứng trong danh sách những quốc gia xuất khẩu nông sản nhiều nhất thế giới, với các mặt hàng chủ yếu là cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, gạo... Trong năm 2010 nước ta đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo và cà phê, cung cấp cho các nước trên thế giới 116.000 tấn gia vị các loại. Ngoài ra Việt Nam còn đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu trà với nhiều thương hiệu nổi tiếng, thứ sáu thế giới về các loại sản phẩm thủy sản như cá tra, cá ngừ, mực, tôm...
Hiện tại nước ta đang vượt xa các nước trong khu vực về khả năng cho vay của các ngân hàng. Chỉ cần một lí lịch đầy đủ, kê khai khả năng chi trả là người dân có thể vay được một số tiền lớn từ mọi ngân hàng trong nước. Mỗi năm số lượng tiền cho vay của ngân hàng Việt Nam ngày càng tăng, đến mức đạt phần trăm là 33%. Điều đó cho thấy sự linh hoạt và năng động của nền kinh tế nước ta, nhưng cũng gây ra những mối lo ngại tiềm tàng ảnh hưởng đến toàn diện đất nước, bởi vấn đề nợ xấu vẫn đang gia tăng gây ra nhiều vấn đề đối với hệ thống ngân hàng và người nộp thuế trong nước.
Nước ta từ bao đời vốn làm kinh tế nhờ hoạt động trồng lúa, sản xuất mua bán cũng liên quan đến những cây lúa. Do đó mà có thể nói nền kinh tế nước ta có nền tảng nguồn gốc đi lên là từ nông nghiệp. Sau đó, bắt kịp xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp và dịch vụ, đóng góp GDP theo đầu người về nông nghiệp của nước ta giảm mạnh từ 40% xuống 20% trong khoảng thời gian thần tốc 15 năm. Đó là một con số mà thế giới chưa từng được nhìn thấy ở bất kì quốc gia châu Á nào, bởi ngay cả các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ cũng phải mất đến 29 và 41 năm để có thể hội nhập hoàn toàn vào thời kì Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa. Sự chuyển mình vượt bậc đó đã góp phần thúc đẩy cho nền kinh tế nước ta phát triển.
Trong danh sách những quốc gia trở thành thị trường hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, Việt Nam vinh dự đứng ở những thứ bậc hàng đầu. Thậm chí một cơ quan uy tín của Tạp chí kinh tế Anh là Economist Intelligence Unit (EIU) đã xếp hạng nước ta đứng thứ 4 trong những nước có nền kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, vượt xa cả những những nước có nền kinh tế phát triển khác. Chẳng quá khó khăn để người dân trong nước có thể tìm kiếm một cơ sở du lịch, công ti, nhà hàng, khách sạn... có sự liên doanh giữa người Việt và nước ngoài, thậm chí còn là 100% của tư nhân nước ngoài.