Cung cấp đủ số lượng, chất lượng các loại dưỡng chất chính là tiêu chí vô cùng quan trọng để giúp trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Vậy đủ về số lượng và chất lượng ở đây là gì? Chính là sự cân bằng trong chế độ ăn uống, cân bằng trong việc bổ sung các loại dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể trẻ nhỏ. Sau đây là một số khuyến cáo để các bậc cha mẹ tham khảo trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái.
Sắt
Sắt là một yếu tố vi lượng, có vai trò rất quan trọng tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Sắt là dưỡng chất vô cùng cần thiết cho cơ thể trẻ nhỏ trong việc tạo ra các nguồn máu khỏe mạnh để việc vận chuyển oxi tới cho các tế bào trong cơ thể. Trẻ em là đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất do nhu cầu tăng cao, nhu cầu sắt ở trẻ còn bú mẹ tăng gấp 7 lần so với người lớn tính theo trọng lượng cơ thể. Vai trò quan trọng nhất của sắt là cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) vận chuyển oxy cho nên thiếu sắt dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng là bệnh phổ biến ở trẻ em. Thiếu sắt, trẻ sẽ thiếu máu, dễ mắc bệnh, ốm yếu, hay mệt mỏi, thiếu sự tập trung…
Thực phẩm giàu sắt có các loại thịt đỏ, gan, gia cầm, sò, ốc, hạt nguyên chất, đậu, lạc, ngũ cốc tăng cường chất sắt…
Vitamin D
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khung xương và răng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vitamin D tham gia vào quá trình hấp thu canxi, photpho ở ruột và thận, điều hòa việc tổng hợp và bài tiết nội tiết tố quan trọng. Sữa mẹ cũng như tất cả các loại sữa khác đều không cung cấp đủ nhu cầu vitamin D cho trẻ. Trẻ nếu không được cung cấp đủ vitamin D sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, do chất xương và sụn không được vôi hóa đầy đủ, sụn phát triển không bình thường, làm xương biến dạng, chậm lớn và có sức đề kháng yếu.
Trong 5 loại vitamin D đã được phát hiện thì vitamin D2 và D3 được đánh giá là quan trọng nhất đối với con người. Vitamin D được hấp thu từ ánh nắng mặt trời, thức ăn và các loại thực phẩm bổ sung. Đây là một trong những loại dinh dưỡng bổ sung vô cùng cần thiết cho bé sơ sinh.
Thực phẩm giàu vitamin D như: cá, trứng cá, các sản phẩm từ đậu nành (đậu hũ và sữa đậu nành), Xúc xích, chả lụa, dăm bông...
Vitamin A
Vitamin A được xem là nguồn dưỡng chất quan trọng không thể thiếu ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nó đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể. Vitamin A giúp trẻ tăng trưởng và phát triển hoàn thiện hơn, có vai trò trong quá trình nhìn thấy của mắt, biểu hiện sớm của thiếu vitamin A là giảm khả năng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu (quáng gà). Hơn nữa vitamin A tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, dễ bị nhiễm trùng nặng đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ, chậm lớn, còi cọc, suy giảm thị lực (quáng gà), suy giảm miễn dịch, giảm chiều dày lớp vảy ở da...
Có 2 loại vitamin A:
- Vitamin A đã chuyển hoá (preformed vitamin A) có trong các sản phẩm động vật như thịt, cá, gia cầm và các sản phẩm từ sữa. Một loại khác là tiền vitamin A có trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây và rau quả. Loại tiền vitamin A phổ biến nhất là beta-carotene.
- Vitamin A cũng có bán ở dạng chế phẩm bổ sung, thường ở dạng retinyl acetate hoặc retinyl palmitate (vitamin A đã chuyển hóa), beta-carotene (tiền vitamin A) hoặc sự kết hợp của vitamin A đã chuyển hóa và tiền vitamin A.
Thực phẩm giàu vitamin A có ở cà rốt, khoai lang, mơ, rau bina, bông cải, cải bắp, dầu cá, lòng đỏ trứng…
Chất xơ
Chất xơ đóng vai trò quan trọng giúp cho hệ tiêu hóa và cơ thể khỏe mạnh. Những thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ cao giúp tăng cảm giác no, hạn chế thèm ăn quá độ. Hơn nữa, khi được kết hợp với việc uống đủ nước, chất xơ giúp bé tránh táo bón – một vấn đề thường gặp ở bé nhỏ. Chất xơ (Fiber) giúp hệ thống tiêu hóa làm việc tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư vào cuối đời. Chất xơ được coi như là một món quà của thiên nhiên tặng cho loài người để tăng cường sức khỏe.
Chất xơ được chia làm 2 loại:
- Chất xơ hòa tan là chất có thể hòa tan trong chất lỏng vào đường ruột dưới dạng gel. Có trong các loại rau lá, trái cây có độ nhớt cao (rau đay, mồng tơi...) và một số loại đậu (đậu nành, đậu ngự).
- Chất xơ không tan: Ngược lại với chất xơ tan, chất xơ không tan là chất không hòa tan với chất lỏng khi vào đường ruột. Nó có thể được trao đổi chất trơ và cung cấp trương nở hoặc tiền sinh, chuyển hóa lên men trong ruột già. Sợi trương nở hấp thụ nước khi chúng di chuyển qua hệ tiêu hóa, làm dịu việc đại tiện. Sợi không hòa tan có xu hướng đẩy nhanh sự di chuyển của thực phẩm qua hệ thống tiêu hóa.Nguồn thực phẩm có chứa chất xơ không tan gồm vỏ các loại thực phẩm (lúa mì, gạo lứt, lúa mạch nguyên vỏ, một số loại rau, củ, quả).
Thực phẩm giàu chất xơ có các loại ngũ cốc, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu đỏ, thực phẩm dạng hạt, lạc…
Canxi
Canxi là chất khoáng rất cần trong việc hình thành hệ thống xương, giúp hệ thống xương, răng của trẻ phát triển tốt. Cung cấp đủ canxi giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh, giúp trẻ đạt chiều cao và tầm vóc tốt khi trưởng thành. Ngoài ra, canxi còn có nhiệm vụ chống đông máu, giúp hệ thần kinh, giúp cơ bắp , giúp tim làm tốt chức năng vốn có. Thiếu canxi dễ gây còi xương, chậm lớn, móng chân tay dễ gãy giòn, hay ốm vặt, hay tê ngứa các đốt ngón tay, suy giảm trí nhớ…
Canxi có thể chia làm 2 loại là canxi hữu cơ và canxi vô cơ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi muốn bổ sung canxi cho cơ thể, bạn nên lựa chọn Canxi có gốc Gluconate (Canxi hữu cơ). Canxi Gluconate chính là loại canxi tốt nhất đối với cơ thể.
Thực phẩm giàu canxi có pho mat, sữa, sữa chua, kem, lòng đỏ trứng, bông cải, rau bina, đậu phụ…
Các chất béo
Chất béo là nguồn năng lượng quan trọng không thể thiếu đối với trẻ nhỏ và nó cũng dễ trữ lại trong cơ thể. Vậy vì sao chúng ta lại cần chất béo? Chính vì chất béo tạo ra lớp cách nhiệt và giữ ấm cơ thể, giúp hấp thu và chuyển hóa vitamin tan trong dầu, là nguồn dự trữ và cung cấp năng lượng, là nguyên liệu để xây dựng tế bào. Nó giúp cơ thể sử dụng một cách có hiệu quả những chất dinh dưỡng khi cơ thể cần đến. Đặc biệt hơn, chúng ta cần quan tâm đến tầm quan trọng củamOmega3 tốt cho võng mạc và thị giác, tăng cường cấu trúc và chức năng da, nângcao trí não, giúp bảo vệ tim mạch, hỗ trợ chống viêm.
Có bốn loại chất béo chính là:
- Chất béo không bão hòa đơn.
- Chất béo không bão hòa đa.
- Chất béo bão hòa.
- Chất béo chuyển hóa.
Nguồn thực phẩm giàu chất béo là các loại sữa, dầu thực vật, thịt, cá, lạc, đậu…
Protein (chất đạm – Protit)
Protein là dưỡng chất cần thiết để sản sinh, sửa chữa và duy trì cơ bắp, là dưỡng chất quan trọng hàng đầu giúp cơ thể trẻ tạo tế bào và làm chức năng chuyển hóa thực phẩm ăn vào thành năng lượng, được cấu tạo từ các axit amin, không ngừng bị thay thế, giúp chống viêm nhiễm và vận chuyển ô – xi trong cơ thể. Protein là chất cơ bản kiến tạo cơ thể, chiếm 18% thể trọng con người. Tất cả tế bào và mọi bộ phận quan trọng như gan, thận, tim, da, tóc, cơ bắp, não bộ, huyết tương, huyết dịch... đều do protein cấu thành. Nhiều nghiên cứu cảnh báo, nếu thiếu protein kéo dài, tế bào sẽ bị tổn hại, cơ thể suy dinh dưỡng, chậm phát triển, trẻ thiếu sức, thiếu máu, dễ sinh bệnh, có thể dẫn tới tử vong..
Có hai loại đạm:
- Đạm động vật: thường phổ biến hơn và được nhiều người biết tới. Đó là những thực phẩm như thịt, trứng, cá, sữa,…là những protein quý bởi nó chứa hàm lượng protein cao.
- Đạm thực vật: là những thực phẩm như dòng họ nhà đậu, gạo, mì, ngô, hạt dinh dưỡng,… Tuy có hàm lượng protein không cao bằng động vật, nhưng đây lại được đánh giá cao vì là nguồn cung cấp protein lành mạnh cho cơ thể chúng ta.
Thực phẩm giàu protein gồm có: thịt động vật, gia cầm, cá,trứng, thực phẩm dạng hạt, đậu, các sản phẩm từ sữa…
Vitamin C
Vitamin C là một trong nhiều chất tham gia hệ thống phòng thủ chống oxy hóa của cơ thể. Các chất chống oxy hóa (vitamin E, beta-caroten, Vitamin C) có thể chuyển các tác nhân gây oxy hóa thành những chất vô hại và thải ra nước tiểu. Vitamin C không chỉ có tác dụng chống cảm cúm, cảm lạnh mà nó còn có tác dụng tăng cường sức khỏe cho tế bào, bảo vệ thành mạch máu, giúp nhanh lành vết thương, giúp bảo vệ và phát triển xương, răng, móng tay, giúp chống oxi hóa… Ngoài ra, Vitamin C giúp hấp thu tốt chất sắt nguồn gốc thực vật. Hỗ trợ chuyển sắt từ huyết thanh vào ferritin để dự trữ ở gan và phóng thích sắt từ ferritin vào huyết thanh khi có nhu cầu. Giúp hấp thu tốt canxi bằng cách ngăn caxi chuyển thành dạng khó hòa tan. Chuyển acid folic từ dạng không hoạt động thành dạng hoạt động và giữ ổn định ở dạng hoạt động, ngăn ngừa mất qua nước tiểu. Thiếu vitamin C dễ gây mệt mỏi, dễ bị vấn đề về răng miệng, tóc và da khô, dễ nhiễm trùng…
Thực phẩm giàu vitamin C có trong quả có vị chua (cam,chanh, khế..), dâu tây, cà chua, khoai tây, dưa hấu, cải bắp, bông cải, súp lơ,rau bina, đu đủ, xoài…
Folate ( không phải Folic acid)
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì folate rất cần cho nhóm phụ nữ chuẩn bị mang thai, làm mẹ và cũng rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. Đây là loại vitamin B (cụ thể là B9) có tác dụng giúp cho việc phát triển và duy trì tế bào trong cơ thể của trẻ khỏe mạnh. Folate có vai trò làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi, tăng acid folic có tác dụng làm giảm homocysteine trong máu... Nếu thiếu Folate dễ gây thiếu máu, tỷ lệ mắc và tái phát cáckhiếm khuyết của ống thần kinh (dị tật bẩm sinh), gia tăng nguy cơ ung thư, có nguy cơ gây bệnh tim mạch và nhiều điều kiện sức khỏe khác.
Thực phẩm chứa folate nhiều là các loại rau lá có màu xanh đậm (súp lơ, rau cần, rau diếp), trái cây (cam, chuối tiêu), củ cải đường, các loại đậu, bánh ngũ cốc ăn sáng, mì ống, nui, bột ngũ cốc, măng tây, đậu bắp, gạo, trứng, cá, gan động vật (bò, heo, gà), nấm, men bia...
Carbohydrate ( gluxit)
Carbohydrate là một thành phần cơ bản trong thức ăn mà cơ thể con người sử dụng để tạo ra năng lượng. Trong thực tế, Carbohydrate là nguồn thực phẩm giàu năng lượng, vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Nó giúp cho trẻ có thể sử dụng chất béo, chất đạm có hiệu quả hơn trong việc tạo ra các mô cũng như hiệu chỉnh các mô này khi bị khuyết tật. Nếu thiếu Carbohydrate, cơ thể rất dễ bị mệt mỏi, cáu kỉnh, thiếu máu thậm chí trầm cảm… nếu tình trạng thiếu Carbohydrate kéo dài.
Có 2 loại Carbohydrate:
- Carbohydrate đơn giản: có cấu trúc chỉ có một hoặc hai phân tử đường. Carbohydrate đơn giản có một phân tử đường gọi là monosaccharide (gồm fructose trong hoa quả, galactose trong sữa,...); carbohydrate đơn giản có hai phân tử đường gọi là disaccharide (gồm sucrose trong đường cát, lactose trong chế phẩm sữa, maltose trong bia và một số loại rau,...).
- Carbohydrate phức tạp (complex carbohydrate): có cấu trúc chứa từ ba phân tử đường trở lên, gọi là polysaccharide, là thành phần chính của các thức ăn tinh bột. Polysaccharide gồm hai loại là polysaccharide phân nhánh và polysaccharide không phân nhánh. Carbohydrate phức tạp có trong đậu, lạc, khoai tây, ngô, củ cải vàng, ngũ cốc, ngũ cốc nguyên hạt,... Chất xơ cũng thuộc loại carbohydrate phức tạp.
Thực phẩm giàu Carbohydrate có bánh mì, ngũ cốc, gạo, mì ống, khoai tây…