Đăk Lăk luôn có một sức hút không hề nhỏ đối với những người thích du lịch bụi. Những nét đẹp đơn sơ mộc mạc của nơi đây không chỉ xuất phát từ không gian thiên nhiên núi rừng đại ngàn, mà còn bởi nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên. Đắk Lắk là một trong những tỉnh giàu tiềm năng về du lịch của Việt Nam bởi ở đây có rất nhiều những khu di tích lịch sử có giá trị cấp quốc gia. Trong bài viết này Toplist sẽ điểm qua một vài di tích lịch sử nổi tiếng nhất của tỉnh này. Hãy cùng toplist khám phá ngay nha.
Tháp Chàm Yang Prong
Tháp Chàm Yang Prong hay còn gọi là tháp Chàm Rừng Xanh là một ngôi tháp Chàm ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đây là tháp chàm duy nhất được tìm thấy ở Tây Nguyên và cũng là tòa tháp Chàm duy nhất không được xây dựng ở các đỉnh núi cao mà lại nằm khuất dưới những bóng cây cổ thụ rừng Ea Súp.
Từ Yang Prong trong tên tháp có nghĩa là thờ Thần Lớn, vị thần chuyên cai quản mùa màng theo quan niệm của người Chăm cổ, tháp Yang Prong được xây dựng để thờ thần Siva. Trong thời chiến tranh tháp bị hư hại nhiều nhưng đã được tôn tạo và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Đắk Lắk.
Hiện nay tháp Yang Prong là nơi đến chiêm bái, cầu nguyện của rất nhiều du khách. Du khách đến để cầu mong sức khỏe, cầu tài lộc, con cái, bình an, danh vọng.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, tỉnh đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để trùng tu di tích tháp Yang Prong ở thôn 5, xã Ea Rốk, nằm trên địa bàn huyện vùng sâu Ea Súp, cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 100km. Đây là tháp của đồng bào Chăm duy nhất được xây dựng ở Tây Nguyên và được công nhận là Di tích kiến trúc cấp quốc gia.
Sau khi trùng tu, tỉnh Đắk Lắk vẫn tiếp tục giao cho xã Ea Rốk quản lý, khai thác, nhất là phân công người bảo vệ, nghiêm cấm người dân tự ý đặt các bàn thờ thờ cúng, xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan khu di tích như hiện nay. Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, tháp Chăm Yang Prong được đồng bào Chăm xây dựng từ thế kỷ XIII để thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga cầu mong sự nảy nở của nòi giống, ấm no hạnh phúc. Tháp Yang Prong là một khối kiến trúc độc đáo xây dựng bằng gạch nung đỏ, không có mạch vữa, dựng trên nền đá xanh, trong khu rừng nguyên sinh bên cạnh dòng sông Ea H’leo. Tháp cao 9m, dạng hình tháp bút, có đáy vuông, duy nhất chỉ có một cửa ra vào ở mặt phía Đông (hướng Mặt Trời mọc), ba mặt còn lại là cửa khác biệt nhiều với kiến trúc của các tháp Chăm ở Trung Bộ…Việc trùng tu tháp Chăm Yang Prong góp phần thu hút khách du lịch tham quan Đắk Lắk cũng như phục vụ tốt yêu cầu của các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước mỗi khi đến đây.
Đình Lạc Giao
Du lịch Đăk Lắk không chỉ là nơi của những địa điểm tự nhiên đầy sức sống, mà nơi đây còn là điểm đến lịch sử với nhiều di tích nổi tiếng. Trong đó phải nhắc đến đình Lạc Giao là nơi thờ cúng tổ tiên, thờ người lập làng, lập ấp, người có công đã hi sinh trên vùng đất mới.
Đình Lạc Giao tọa lạc ở đường Phan Bội Châu - thành phố Buôn Ma Thuột. Đi ngược lại lịch sử, vào năm 1982 cụ Phan Hộ đã đưa gần chục gia đình từ Khánh Hòa lên Buôn Ma Thuột lập làng. Và đình Lạc Giao được làm trong thời gian này với diện tích 700m2. Đình Lạc Giao là di tích lịch sử về công cuộc khai khẩn đất đai của những người Kinh đầu tiên trên Cao Nguyên Đăk Lăk, là nơi thờ thần hoàng và những người có công với nước, là nơi cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt.
Đình Lạc Giao ban đầu được làm bằng tranh tre theo tập tục của người Kinh xa quê hương đến lập nghiệp ở vùng đất mới. Năm 1932, ngôi đình được xây dựng lại bằng gạch lợp ngói theo hình chữ môn, kiểu kiến trúc lòng thuyền trí trụ, hồi văn, mái bồ câu, trên y môn khắc chạm tứ linh, tứ quý, bờ nóc đấp lưỡng long hàm thực, mái trung đắp cách điệu lưỡng áng vân vọng nguyệt, gốc mái hiên hồi đắp áng vân cách điệu. Hậu đình thờ tự Thần Hoàng và những người có công với nước, hai nhà tả và nhà hữu hai bên dùng làm nơi hội họp mỗi khi tế lễ, phía trước có cổng tam quan đi vào, sau cổng là bức bình phong có chạm khắc hổ phù, sau nữa là một lư hương lớn.
Cũng trong năm này, vua Bảo Đại ra chiếu sắc phong cho Thần Hoàng của Đình là Đào Duy Từ là một đại thần của nhà Nguyễn.
Tên gọi Lạc Giao chính là lời nguyền giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào tại chỗ cùng chung lưng đấu cật để xây dựng vùng đất mới này. Mỗi năm đầu xuân dân làng Lạc Giao đều tới đây để cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt cho mình và cho dân làng.
Đình Lạc Giao là một trong những đền cổ tại thành phố Buôn Ma Thuột. Nơi đây đã trở thành điểm đến du lịch Đắk Lắk đáng chú ý, dành cho những du khách muốn tìm hiểu về lịch sử xa xưa của mảnh đất này.
Tòa giám mục Ban Mê Thuột
Tòa Giám mục Ban Mê Thuột là một công trình kiến trúc cổ có quy mô to lớn, tọa lạc ở 104 Phan Chu Trinh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Cơ sở này là tu viện do các Nữ tu Dòng Biển Đức xây dựng vào năm 1956. Về sau, để thuận lợi cho sự phát triển của Dòng, hai Đức Giám mục Kontum và Sài Gòn đã chấp thuận cho Nữ Đan viện Biển Đức dời về Thủ Đức, Sài Gòn vào năm 1966 để lập cơ sở mới tại đó. Tu viện Nhà Dòng đã được Đức Cha Paul Seitz Kim mua lại để các cha trong hạt Ban Mê Thuột làm nơi hội họp hằng tháng, như một sở quản lý và làm chỗ nghỉ vãng lai và để chuẩn bị thành lập Giáo phận mới. Hơn một nửa cơ sở này dành cho Dòng Mến Thánh giá (Nữ Vương Hòa Bình) di chuyển từ Kontum xuống. Cha Võ Quốc Ngữ được bổ nhiệm làm Quản lý Nhà Chung Ban Mê Thuột. Vào ngày 22.6.1967, với sắc chỉ “Qui Dei Benignitate” thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, ngôi nhà này được mang tên mới: “Tòa Giám mục Ban Mê Thuột.”
Đây là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng hầu hết bằng chất liệu gỗ, lợp ngói vảy cá, có quy mô rất lớn. Tòa nhà có kiến trúc đẹp và mang đậm dấu ấn phong cách nhà dài truyền thống của người Ê Đê bản địa nằm giữa một khuôn viên rộng với nhiều giống cây cỏ hoa lá lạ và được thiết kế và xây dựng bởi các nghệ nhân Công giáo Ê đê xưa với bàn tay khéo léo rất rất công phu.
Hiện tại, đây là một trong những điểm tham quan thú vị khi đến với Thành phố Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, nhất là đối với những người theo tín ngưỡng Công giáo.
Nhà nguyện được thiết kế theo nét kiến trúc dân tộc Tây Nguyên bởi nữ kiến trúc sư Boni Pacxo người Áo. Được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp ngói vẩy. Phần chính của công trình là nhà nguyện được lấy theo mặt bằng nhà dài của người Êđê, các khu vực khác như nhà khách, quản lý, nhà ở và sinh hoạt được đấu nối về 2 bên của nhà nguyện.
Mặt bằng nhà nguyện được sắp xếp với cầu thang chính, sảnh chính hướng từ đầu hồi của công trình tiếp giáp với lối vào chính. Bên trong nhà nguyện được chia làm 2 phần, phía trước là khu vực xem lễ của giáo dân, phía sau là khu vực xem lễ dành cho nữ tu (gọi là ca triều trong các dòng kín). Ngăn cách giữa 2 khu vực là bàn thờ. Thánh giá của nhà nguyện vì vậy được treo lên để có thể nhìn được từ 2 hướng ngược nhau.
Do được thiết kế theo hình thức nhà dài nên việc xử lý thông thoáng, chiếu sáng cho bên trong công trình sẽ bị hạn chế. Vì thế, giải pháp lấy sáng được đưa ra là toàn bộ diện tích tường nhà làm cửa lấy ánh sáng với khung gỗ, kính mờ bố trí từ sàn nhà tới đuôi mái. Phần mái cao được xử lý chiếu sáng, thông thoáng bởi các cửa mái ngang bằng cách thay đổi độ dốc mái. Thay vì tạo các cửa mái hình tam giác thì việc mở các cửa mái ngang như vậy ánh sáng sẽ phân bổ đồng đều hơn, đồng thời hình thức mái của nhà dài sẽ không bị phá vỡ.
Tòa Giám mục còn có một tháp chuông được thiết kế theo hình tượng mái nhà rông Tây Nguyên.
Nhà đày Buôn Ma Thuột
Nhà đày Buôn Ma Thuột nằm trên số 18 đường Tán Thuật, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột, cách trung tâm thành phố khoảng 1km. Nhà đày Buôn Ma Thuột là một di tích lịch sử tại Đắk Lắk, Việt Nam với kết cấu là một di tích hệ thống nhà tù (nhà đày) cũ từ thời Pháp thuộc, hiện đang do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk quản lý.
Trước đó, từ 1975 đến 1979 Nhà đày được giao cho Công an Đắk Lắk quản lý. Từ năm 1979, Nhà đày thuộc sự quản lý của Công ty Văn hoá - Thông tin Đắk Lắk. Ngày 10 tháng 7 năm 1980 Nhà đày được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia.
Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp đầu tư xây dựng để giam giữ, đày ải tù nhân chính trị chủ yếu của các tỉnh Trung Kỳ. Nhà đày được biết đến bởi lối kiến trúc độc đáo và hơn hết là những cực hình tàn bạo của thực dân Pháp ở đây cùng với sự kiên cường bất khuất của những chiến sĩ cách mạng. Nhiều nhà cách mạng nổi tiếng đã từng bị giam giữ ở đây như: Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu...
Nhà đày Buôn Ma Thuột được xây dựng năm 1930 với quy mô kiên cố trên một mảnh đất hình vuông, mỗi cạnh 200m, tường cao dày bao bọc xung quanh. Nhà đày chia ra 6 lao, mỗi lao giam giữ mỗi loại tù nặng nhẹ khác nhau.
Chùa Sắc tứ Khải Đoan
Chùa Khải đoan nằm ở đường Thống Nhất, TP Buôn Mê Thuật là chùa lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk. Chùa được xây dựng vào năm 1951 theo chỉ định của Đoan Huy Hoàng hậu, tên chùa cũng được đặt theo tên của hoàng hậu và vua Khải Định. Đây là ngôi đầu tiên của tổ chức Phật giáo có mặt ở Đắk Lắk và cũng là chùa cuối cùng của chế độ phong kiến được vua phong sắc tứ.
Chùa hướng mặt Tây nam, nhìn xuống suối Đốc Học, lưng dựa thế của khu phố Buôn Ma Thuột. Cái thế “tiền thủy hậu sơn” theo quan niệm phong thổ hài hòa của kiến trúc cổ Việt, thế đứng vững chãi bền lâu cho muôn đời con cháu.
Lối kiến trúc phỏng theo kiểu dáng cung đình Huế kết hợp vói phong cách nhà sàn của dân tộc Tây nguyên, pha chút kiến trúc hiện đại. Mái chùa cong, dáng dấp một cái nhà rông, nhưng rất uyển chuyển mềm mại với những đôi dao long quyện mây lướt gió, thật độc đáo mà hài hòa, cổ kính mà cũng thật gần gũi đậm đà.
Hiện nay, chùa Khải Đoan đối với nhân dân Đắk Lắk giống như một trung tâm tín ngưỡng Phật giáo gần gũi thân quen. Khải Đoan chẳng những là ngôi chùa lịch sử, một thắng tích du lịch ở Tây Nguyên mà còn là chiếc nôi của sinh hoạt Phật giáo Đắk Lắk.
Hang đá Dak Tuar
Hang đá Dak Tuar đang ngày càng trở nên nổi tiếng và thu hút đông đảo lượng du khách từ khắp cả nước đến du lịch, tham quan. Hang đá Dak Tuar nằm cạnh dòng thác Dak Tuar, cách trung tâm xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk về phía thượng nguồn chừng 6km. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, hang đá Dak Tuar là nơi đóng quân của Tỉnh ủy Đắk Lắk và các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh.
Năm 1991 Hang Đá Dak Tuar được công nhận là di tích lịch sử. Sau đấy, Hang Đá Dak Tuar ngày càng trở nên nổi tiếng trong danh sách những địa điểm du lịch Đắk Lắk không thể bỏ qua. Địa điểm này không chỉ thu hút các cựu chiến binh Việt Nam, mà các cựu binh Mỹ cũng rất muốn được quay trở lại đây.
Nằm trong dãy núi Chư Yang Sin, hệ thống hang đá Dak Tuar gồm nhiều tầng, lớp không gian ẩn sâu trong núi có thể chứa được hàng trăm sư đoàn đóng quân. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi đóng quân của Tỉnh ủy Đắk Lắk và các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh.
Dựa vào địa hình hiểm trở, Tỉnh ủy và các cơ quan kháng chiến của ta đã chọn nơi đây để làm đại bản doanh. Từ đây lãnh đạo đồng bào các dân tộc đoàn kết kháng chiến. Đế quốc Mỹ sau nhiều lần dùng máy bay ném bom cũng như tổ chức các cuộc càn quét nhằm tiêu diệt căn cứ cách mạng của ta nhưng tất cả đều thất bại.
Năm 1965, từ hang đá Dak Tuar, đồng bào dân tộc Krông Bông đã vùng dậy đấu tranh tiêu diệt ách kìm kẹp của quân địch, giải phóng một vùng đất rộng lớn ở huyện. Tiếp sau đó, cũng tại đây, quân dân toàn tỉnh kháng chiến, giải phóng hoàn toàn Buôn Mê Thuột năm 1975.
Đối với những ai ưa thích mạo hiểm, khám phá thì nơi này mang trong mình vẻ bí hiểm phù hợp với những chuyến phiêu lưu. Những bạn trẻ học sinh, sinh viên, các chiến sĩ đến đây để tìm hiểu, khám phá đã được mở mang kiến thức về nền độc lập nước nhà được xây dựng bởi bao công sức, xương máu của cha ông ta.
Đường dẫn vào Dak Tuar đang được tu bổ, thuận lợi cho các chuyến tham quan đến đây. Với dự án phát triển hoạt động du lịch Dak Tuar của Sở thương mại – du lịch Đắk Lắk, chắc chắn điểm đến này sẽ được bảo tồn và thu hút du khách đến tham quan nhiều hơn nữa.
Biệt điện Bảo Đại
Biệt điện Bảo Đại là một di tích lịch sử nằm tại số 4 đường Nguyễn Du, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk. Ngôi nhà trước đây vốn là một nhà sàn là nơi ở của Sabatier - Công sứ của chính phủ Pháp tại Tây Nguyên. Sau đó khu nhà được xây dựng lại cho vua Bảo Đại sử dụng. Tọa lạc ở vị trí gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại nổi tiếng với kiến trúc đẹp và là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk.
Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, nơi đây nguyên là nhà làm việc của Công sứ tỉnh Đắk Lắk. Lúc đầu ngôi nhà được dựng lên bằng các vật liệu như gỗ, tranh, tre, nứa… Đến năm 1926, được xây dựng lại bằng gạch, đá, xi măng kiên cố và hoàn thành vào năm 1927 mang tên là Toà công sứ Pháp. Năm 1940 ngôi nhà được xây dựng lại theo lối kiến trúc Tây Nguyên kết hợp hiện đại. Mái ngói, sàn gỗ, phía dưới là tầng hầm bê tông. Khung cảnh yên ả với cây xanh và hương hoa, những cây cổ thụ vươn cánh tay khổng lồ làm bóng mát, quanh năm có tiếng lảnh lót của những chú chim.
Khuôn viên di tích rộng gần 7ha, có nhiều cây cổ thụ hơn 100 tuổi. Tòa nhà được xây dựng lại như hiện tại với kiến trúc rất đẹp mang đậm dấu ấn phong cách nhà dài truyền thống của người dân tộc Ê Đê bản địa, mái ngói, sàn gỗ. Xung quanh có cả một rừng cây cổ thụ bao bọc, rất đa dạng về chủng loại; đáng chú ý nhất là có 2 cây long não trồng đối xứng ở 2 bên đường vào có dáng rất đẹp và hiếm thấy, đây có thể là một trong những cây long não to nhất ở Việt Nam. Từ cổng vào là 02 cây Long não ở hai phía bên trong cổng, mỗi cây có chu vi gốc khoảng 8m, tán xòe lá rộng tạo nên khung cảnh trang nghiêm.
Ở đây trưng bày rất nhiều hiện vật có giá trị về văn hoá của hơn 44 dân tộc anh em đang quần cư sinh sống tại Đắk Lắk, trong đó không gian văn hóa cồng chiêng và các vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc tại chỗ được thể hiện rõ nét.
Với kiến trúc và cảnh quan đẹp, Biệt điện Bảo Đại thực sự là điểm tham quan lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Ngày nay, Biệt Ðiện trở thành di tích lịch sử, bảo tàng trưng bày hiện vật lịch sử văn hóa các dân tộc Ðắk Lắk. Cảnh thiên nhiên vẫn mang bóng dáng của ngàn xưa đã góp phần làm cho Biệt Ðiện mang đậm nét lịch sử của mảnh đất cao nguyên đầy huyền thoại.