Mang dấu ấn thời gian hàng trăm năm tuổi với nét kiến trúc cổ xưa “cây đa, giếng nước, mái đình” cùng vẻ bình yên thơ mộng là những gì người ta nhớ mãi khi có dịp ghé thăm những ngôi làng cổ Việt Nam. Trải dài khắp mảnh đất hình chữ S, từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam, là những làng quê nổi bật với vẻ đẹp cổ kính và nên thơ. Và hôm nay hãy cùng toplist khám phá ngay top các làng cổ nổi tiếng nhất ở Việt Nam qua bài viết dưới đây bạn nhé.
Làng cổ Long Tuyền (Cần Thơ)
Làng cổ Long Tuyền có sông Bình Thủy chảy qua, uốn lượn như thân rồng nằm là nơi sinh ra nhân vật lịch sử Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, người có công chống giặc ngoại xâm. Đến với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, du khách sẽ nhìn thấy dãy nhà cổ nằm bên chợ Bình Thủy hiện vẫn còn giữ được nguyên vẹn.
Nổi bật nhất là khu nhà cổ của dòng họ Dương xây dựng từ năm 1870, thường được gọi là “nhà cổ Bình Thuỷ” – một trong những mẫu nhà hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn trên một thửa đất rộng với cổng và tường rào kiến cố bao quanh sân. Đây còn là nơi lưu giữ kho đồ cổ quý giá qua nhiều đời con cháu. Dù trải qua thăng trầm của lịch sử, những cuộc chiến tranh, làng cổ Long Tuyền vẫn còn giữ được nét đặc trưng văn hoá miệt vườn sông nước Nam Bộ.
Làng Thổ Hà (Bắc Giang)
Nằm hữu duyên bên dòng sông Cầu thơ mộng, làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc và giàu có. Đó là vẻ đẹp cổ kính mang dấu ấn đặc trưng của một làng quê thuần Việt với quần thể kiến trúc, văn hóa, cảnh quan hết sức độc đáo. Trong đó phải kể đến những công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thế kỉ XVI, XVII như đình Thổ Hà, chùa Đoan Minh Tự, Văn chỉ, cổng làng, điếm 4 xóm... Ngôi làng còn lưu giữ được vài chục nóc nhà cổ nằm sâu trong những ngõ nhỏ rêu phong. Các ngôi nhà còn được xây bằng tiểu sành, mảnh gốm tạo thành lối kiến trúc độc đáo và tinh tế hiếm nơi nào có được. Trong nhà được trang trí bởi các sản phẩm do chính những nghệ nhân trong làng tạo ra như chum gốm, bình gốm, lọ hoa,...
Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ, cư dân Thổ Hà không có ruộng mà sống chủ yếu bằng nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước năm 1960, làng nổi tiếng về nghề làm gốm. Nhưng về sau, người dân chuyển sang làm bánh đa nem và mì gạo. Nếu ghé qua vùng quê này, không khó để bắt gặp những người dân đang miệt mài làm nghề trong khung cảnh thanh bình.
Nay làng nổi tiếng với nghề làm bánh đa nem, bánh đa dừa thay cho nghề làm gốm đã mai một. Hình ảnh "bánh nem phơi cả lối trông về nhà" đã tạo nên bức tranh miền quê thanh bình, yên ả và nên thơ.
Làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế)
Nằm bên hạ lưu sông Ô Lâu, ranh giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, cách thành phố sông Hương hơn 40 km, làng cổ Phước Tích như một bảo tàng sống động của văn hóa làng quê Việt được gìn giữ và bảo tồn qua hàng trăm năm.
Ngôi làng là một quần thể nhà rường cổ, với hơn 100 ngôi nhà, trong đó có đến 37 ngôi nhà rường có tuổi trên 100 năm, các đền miếu còn nguyên vẹn. Có 12 ngôi nhà rường thuộc loại đặc biệt quý hiếm, có tuổi thọ 150 - 200 năm với những kèo cột, hoành phi được chạm trổ tinh xảo.
Du khách sẽ như lạc bước vào một không gian yên tĩnh và tràn ngập màu xanh của các khu vườn. Những tia nắng ấm xuyên qua tán cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tạo nên một khung cảnh thật đơn sơ nhưng rất thanh bình. Từ đường đi, ngõ hẻm đến sân vườn, sân đình, nhà thờ họ ở Phước Tích luôn sạch sẽ, cây cối được chăm sóc cẩn thận. Du khách cũng sẽ được ngắm nhìn đồ gốm cổ với những hoa văn tinh xảo hay trải nghiệm thử làm “thợ gốm” trong làng.
Làng cổ Phong Nam (Đà Nẵng)
Với những nét kiến trúc của làng quê Việt cổ xưa, làng cổ Phong Nam (huyện Hòa Vang) là một điểm đến hấp dẫn du khách khi đến miền Trung nắng gió. Du khách như được tìm về miền quê yên ả với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những hàng tre rợp bóng trên đường làng, những nếp nhà cổ rêu phong xưa cũ. Làng Phong Nam cho đến ngày nay vẫn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ…
Còn gì tuyệt hơn khi ngồi thư thái dưới lũy tre làng, thoang thoảng đâu đó mùi hương lúa nếp hay nghe tiếng sóng vỗ nhè nhẹ nơi bến sông. Trải qua bao nhiêu năm tháng, dưới tác động của đô thị hóa, Phong Nam vẫn lưu giữ được nét đặc trưng của một làng quê truyền thống Việt Nam.
Làng cổ Túy Loan (Đà Nẵng)
Làng cổ Túy Loan thuộc xã Phong Hòa, huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng chừng hơn 10 km. Đây là ngôi làng cổ trên 500 tuổi, tọa lạc ở vị trí rất thoáng đãng, quay ra mặt sông, nhìn về hướng núi, phong cảnh hữu tình. Du khách sẽ được đắm mình trong không gian đồng quê yên tĩnh, như một bức tranh với dòng sông, bến nước, và những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.
Ngôi đình Túy Loan còn lưu giữ 20 sắc phong thần, sắc, gần nhất từ đời vua Khải Định, tạo nên nét độc đáo và khác biệt so với các ngôi đình khác của làng quê Việt Nam. Trước sân đình là một bình phong theo kiểu cuốn thư lớn, mặt trước đắp nổi hình long mã, mặt trong đắp nổi hình con lân. Tất cả được lắp ghép bằng nghệ thuật sành sứ, rất độc đáo. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đình Túy Loan tuy không giữ được nguyên trạng nhưng người ta vẫn thấy những nét uy nghi và trầm mặc, là một nơi du khách thích chút gì cổ kính, xưa cũ muốn tìm về khi ghé thăm Đà Nẵng.
Làng Kẻ Vẽ (Hà Nội)
Ngôi làng ven sông Hồng, thuộc quận Bắc Từ Liêm này mang vẻ đẹp cổ kính của các ngõ xóm lát gạch nghiêng mộc mạc, bình dị. Đình làng được xây dựng từ thế kỉ 17 với lối kiến trúc cổ kính và còn giữ nhiều hiện vật quý giá như bia đá, bộ tranh gỗ sơn mài từ thời Lê. Chùa của làng được xây dựng từ thế kỉ 18- 19 còn lưu giữ quả chuông đồng đúc từ năm Diên Hựu thứ 2, bia đá niên hiệu thời Thịnh Đức.
Làng Đông Ngạc hay còn được biết đến với những cái tên thân thuộc như: làng Vẽ hay Kẻ Vẽ, nằm ở bên bờ sông Hồng, sát chân cầu Thăng Long. Mang vẻ đẹp cổ kính của các ngõ xóm lát gạch nghiêng, Kẻ Vẽ khiến nhiều du khách hết sức ngỡ ngàng khi bắt gặp những nét đẹp truyền thống của làng quê Việt ở nơi chỉ cách nội thành xô bồ náo nhiệt chưa đến 10km.
Nếu có dịp ghé thăm Đông Ngạc, bạn đừng quên dừng chân ở ngôi nhà thờ tổ của dòng họ Phan, Phạm, Hoàng, Đỗ, Nguyễn và đừng bỏ quên việc nhìn ngắm những di vật có giá trị của dòng họ nơi đây với sự bảo tồn kỹ lưỡng của con cháu. Bạn cũng sẽ tìm thấy Đông Ngạc khi tìm kiếm những làng cổ có nhiều tiến sĩ ở Việt Nam. Bởi lẽ nơi đây có rất nhiều các vị tiến sĩ Hán học và Tây học.
Làng Đường Lâm (Hà Nội)
Được mệnh danh là một trong những ngôi làng cổ nhất miền Bắc, Đường Lâm gây ấn tượng với không gian có sự kết hợp hài hòa từ màu xanh của cây cối, màu xanh trong của bầu trời kết hợp với gam nâu cổ kính từ những ngôi nhà nhỏ. Chẳng còn gì bằng khi tới Đường Lâm vào một chiều thảnh thơi, ngắm sắc màu trầm buồn tỏa ra từ những bức tường nâu rêu phong in đậm dấu ấn thời gian.
Cách trung tâm Hà Nội 50km về hướng Tây, làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đây là ngôi làng duy nhất còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ. Nơi đây là "bảo tàng sống" gìn giữ những di tích lịch sử văn hóa có giá trị trải qua hàng nghìn năm cùng với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội bất biến qua nhiều đời. Men theo con đường làng quanh co, du khách sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam như cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình cùng những ngôi nhà cổ kính.
Bạn có thể kết hợp thăm quan làng cổ cùng với Thành Cổ Sơn Tây (nằm trong trung tâm thành phố Sơn Tây), đền Và hay đền Măng Sơn.
Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội)
Làng gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía đông nam. Điểm ấn tượng đầu tiên khi đến với Bát Tràng là đình làng Bát Tràng - nơi thờ Thành hoàng và cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội quanh năm. Nơi đây lưu giữ gần như nguyên vẹn nét kiến trúc độc đáo và cổ kính. Đi đến cuối làng, là nhà cổ Vạn Vân - ngôi nhà gỗ với mái phủ kín cây xanh. Trong nhà trưng bày hơn 400 món đồ gốm sứ cổ từ thế kỷ 15 đến 19. Nhà Vạn Vân do anh Trần Ngọc Lâm, hội viên Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam, xây dựng vào năm 2002.
Hiện nay, làng gốm Bát Tràng là nơi kinh doanh, buôn bán đồ gốm khá nhộn nhịp. Đây cũng là tín hiệu mừng khi làng nghề cổ ngày càng phát triển, các hộ dân cũng ăn nên làm ra, đời sống khấm khá hơn nhờ nghề gốm. Tuy vậy, sự nhộn nhịp này không làm mất đi cái không gian dân dã, thôn quê.
Làng giò chả Ước Lễ (Hà Nội)
Làng Ước Lễ thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai vốn nổi tiếng bởi hương vị giò chả thơm ngon chứ danh nơi đây. Tuy nhiên nếu có dịp ghé thăm ngôi làng cổ ít ai biết đến này thì thứ khiến người ta choáng ngợp và bị mê hoặc đầu tiên là nét kiến trúc mang cả dấu ấn thời gian. Đến nơi đây bạn có cơ hội chiêm ngưỡng chiếc cổng làng chứa đựng cả tinh hoa tâm hồn Việt, Bờ tre dài thẳng tắp, chiếc cầu cong cong dẫn vào làng,...
Đến Ước Lễ, thứ đầu tiên thu vào tầm mắt bạn chính là chiếc cầu cong cong rộng hơn 2 m, dài khoảng 10 m bắc qua con mương khá rộng dẫn vào làng. Tiếp đó, du khách sẽ được chào đón bởi chiếc cổng mang đậm dấu ấn Việt với lối vòm truyền thống, có sự gắn kết của những viên gạch đỏ vững chãi cùng vòm mái cong vút như lân. Trên gác cổng làng có treo bức đại tự: “Mỹ Tục Khả Phong”, nghĩa là Phong tục đẹp được ban tặng. Tương truyền, danh hiệu cao quý này được vua Tự Đức thứ 33 ban tặng cho ngôi làng Ước Lễ.
Không mang dáng vẻ tấp nập, ồn ào, du lịch hóa, làng nghề hóa như nhiều làng cổ khác, Ước Lễ vẫn giữ cho mình nét thanh bình, vắng vẻ, đậm hồn quê như một thời xa vắng. Không chỉ cổng làng, những ngôi nhà, khu chợ với kiến trúc cổ xưa vẫn tồn tại hiên ngang như minh chứng rõ nét nhất về lịch sử huy hoàng của vùng đất lịch sử.
Làng Cựu (Phú Xuyên)
Làng Cựu xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên gây ấn tượng với những biệt thự pha lẫn kiến trúc Việt cổ và Pháp tạo nên sự độc đáo không đâu có được. Đường trong ngõ xóm được phủ kín bởi đá xanh bóng nhẵn, phẳng lỳ. Ngõ nhỏ hẹp mà không bí bách, khó chịu. Cổng làng được người dân tự hào với lịch sử 500 năm, xây giống kiểu tam quan chùa nhưng vít hai cửa cạnh tạo nên cổng giữa rộng rãi và mái vòm. Cổng được trang trí kì lân, nậm rượu, hoa, chữ Nho cầu kì, lạ mắt.
Bao trùm cả không gian là những ngôi nhà cổ với kiến trúc đặc trưng của Pháp. Đi từ đầu đến cuối làng, mỗi con ngõ nhỏ sâu hun hút là mỗi bí mật của kiến trúc. Đường trong ngõ được phủ kín bởi đá hộp xanh bóng nhẵn, phẳng lì. Ngõ nhỏ mà không bí, hẹp mà thoáng mát bởi những ô văng cửa sổ nhà bên thò ra đủ cao để che đi cái nắng gay gắt những buổi hè về.
Tuy nhiên thứ khiến làng Cựu tự hào nhất phải kể đến cổng làng với lịch sử 500 năm. Cổng làng Cựu xây kiểu tam quan nhà chùa nhưng vít 2 cửa cạnh tạo một cửa giữa rộng rãi mái vòm. Phía trên đôi kỳ lân cùng hai con chó giữ cổng. Phía mặt trong cổng có nậm rượu, nụ hoa điểm xuyết rất lạ cùng những hàng chữ Nho mực đen đã nhạt màu. Chiếc cổng cổ bạc màu thời gian, loen nhoen dấu tích của một thời mưa nắng khiến nó mang nét đẹp không bút mực nào có thể viết thành lời. Đó là sự pha trộn đến hài hòa của nét cổ mà không hẳn cổ, hiện đại mà không hẳn hiện đại. Nó giống như một cổng thành không phải để ngăn mà để hút người ta vào bên trong. Nếu chưa từng ghé thăm làng quê Việt, Làng Cựu sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho khách tham quan.
Làng Nôm (Hưng Yên)
Có bao giờ bạn nghĩ sẽ một lần thăm vẻ đẹp xưa của làng Nôm chưa? Nếu chưa hãy cùng tôi một lần ghé lại “báu vật trăm năm” của vùng đất Hưng Yên này nhé. Làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô Hà Nội khoảng 20km.Yên bình, tĩnh lặng và đẹp đến nao lòng là ấn tượng của nhiều du khách khi lần đầu tiên đặt chân đến làng Nôm. Năm tháng trôi qua, làng Nôm vẫn là mảnh đất được người dân Hưng Yên trân trọng, gìn giữ.
Đến đây bạn nhất định phải đến hai nơi rất đặc biệt đó là:
- Chợ Nôm-không gian đậm chất quê: Bước qua cánh cổng làng, chợ Nôm là địa điểm mà bạn có được trải nghiệm về chợ quê Việt Nam hoàn hảo nhất.
- Chùa Nôm-dấu ấn lịch sử: Chùa Nôm có kiến trúc Á Đông đậm nét, bên trong chùa lưu giữ hơn 100 pho tượng đất nung, điêu khắc tinh xảo. Ngôi chùa rất linh thiêng và được người dân làng Nôm trân quý.
- Chiếc cầu đá tinh xảo bắt qua sông Nguyệt Đức: là một hình ảnh gây ấn tượng khó quên của ngôi làng cổ kính này, rất tinh xảo và cầu kỳ, trông như những cái đầu rồng của những thuyền rồng mà vua chúa ngày xưa hay dùng để đi du ngoạn.
Ngôi làng in hằn sắc màu thời gian hòa mình cùng cuộc sống giản dị, đậm nét hoài cổ. Làng Nôm vẫn như thế bình lặng đến tận 200 năm.
Làng Cự Đà (Hà Nội)
Cách trung tâm Hà Nội 15km về phía Tây, bên bờ sông Nhuệ, làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai được nhiều người biết đến với cái tên là làng doanh nhân. Từ những năm đầu thế kỷ 19, nhiều người dân trong làng ra Hà Nội buôn bán, làm ăn phát đạt, có điều kiện xây nhiều nhà đẹp. Không chỉ vậy, nơi đây còn nổi tiếng là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm như ở phố. Cái tên “làng doanh nhân” cũng sóng đôi cùng Cự Đà bởi lẽ đó.
Nơi đây còn nổi tiếng là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, ghi tên ngõ, xóm như ở phố. Một điều đặc biệt nơi đây là cổng ngõ nào cũng chạy ra đến bờ sông với những thềm gạch vươn tận mép nước. Làng còn có nghề làm tương truyền thống từ lâu đời.
Tuy nhiên, những kiến trúc cổ của ngôi làng ít người biết đến này vẫn được người dân Cự Đà vô cùng coi trọng. Bên cạnh những cánh cổng, ngôi chùa, ngôi đình được xếp hạng, nhiều ngôi nhà cổ trong làng vẫn vẹn nguyên lối kiến trúc của đồng bằng Bắc Bộ và kiến trúc kiểu Pháp cách đây hơn 100 năm.
Và như một điều hiển nhiên với các làng cổ, Cự Đà cũng mang trong mình nét đẹp của một làng nghề truyền thống – làng nghề tương. Từ lâu, tương của làng Cự Đà có tiếng thơm ngon và đi vào ca dao như một thương hiệu: “Tương Cự Đà – cà làng Đám”. Làm tương là nghề cổ nhất của làng và đến nay nhiều gia đình vẫn coi đây như một cái nghiệp không thể bỏ. Người dân Cự Đà làm tương từ các nguyên liệu như gạo nếp, đỗ tương, nước mưa và muối trắng. Bên cạnh đó là thương hiệu miến Cự Đà nổi tiếng.