Top 10 Lưu ý quan trọng nhất khi mua smartphone cũ

Mua máy cũ là giải pháp tiết kiệm chi phí mà vẫn được trải nghiệm những điều mới nhất của công nghệ. Tuy nhiên, để lựa chọn được một địa chỉ uy tín và mua được những chiếc máy cũ tốt nhất, bạn sẽ phải trả tương đối học phí cho những lần "mất tiền ngu". Bài viết này sẽ giúp các bạn mất ít nhất có thể, hoặc bạn nào may mắn hơn thì sẽ không mất học phí một lần nào để có thể mua được những chiếc máy cũ tốt nhất.

Hãy biết kiên nhẫn và hài lòng

Không phải lần đầu tiên bạn sẽ tìm được ngay máy như ý muốn, hãy học cách kiên nhẫn tìm kiếm. Hãy so sánh giá cả, chất lượng, phản hồi, chế độ bảo hành ở nhiều nơi khác nhau trước khi có quyết định cuối cùng. Muốn mua được máy cũ chất lượng tốt, bạn phải thật kiên nhẫn! Hạn chế mua những máy nứt kính, mất vân tay, bị hỏng một chức năng nào đó mà người bán cho là "không quan trọng lắm".

Hãy học cách hài lòng với chiếc máy bạn mua được. Xét cho cùng, bạn đã tiết kiệm được ít nhất hơn 30% giá trị của 1 chiếc điện thoại so với khi mua mới, và cái gì cũng có giá của nó. Một vài vết xước nhỏ, thiếu đi chiếc tai nghe hay cái vỏ hộp là những điều hoàn toàn có thể chấp nhận được khi so sánh với lợi ích kinh tế mà điện thoại cũ mang lại.
Phải học cách kiễn nhẫn và biết hài lòng
Phải học cách kiễn nhẫn và biết hài lòng

Đối với riêng iPhone, kiểm tra xem có bị iCloud ẩn hay không

Phần này dành riêng khi đi mua iPhone. iCloud ẩn là điều cực kỳ quan trọng cần kiểm tra nhưng nhiều bạn bỏ qua nên về sau đành ngậm đắng nuốt cay đi phá iCloud hoặc bỏ luôn cả máy.

Để kiểm tra iCloud ẩn, bạn yêu cầu người bán máy thoát iCloud của họ và sao lưu dữ liệu. Sau đó yêu cầu họ cho restore toàn bộ máy về quá trình ban đầu. Nếu họ từ chối yêu cầu này thì khả năng rất cao là máy có vấn đề. Nếu họ đồng ý, bạn restore xong máy sẽ không bắt nhập bất kì tài khoản iCloud nào mà thao tác để vào màn hình chính luôn.
Đây là một ví dụ iPhone bị dính iCloud
Đây là một ví dụ iPhone bị dính iCloud

Kiểm tra vỏ máy đã bị bung hay chưa?

Trước khi test các chức năng, hãy cầm máy lên và nhìn tổng thể tất cả các góc. Đối với iPhone là 2 con ốc vít có dấu hiệu bị trầy xước hay không? Đối với một số dòng điện thoại cho phép mở nắp lưng để tháo pin, bạn hãy mở ra và kiểm tra tổng thể xem có dấu hiệu sửa chữa chưa. Điều kiện tốt nhất là máy vẫn còn tem của nơi bán, nếu có tem này thì có thể yên tâm hơn một chút.

Thường các bạn khi đi mua điện thoại cũ hay xem các vết xước. Thực tế các vết này chẳng ảnh hưởng gì đến quá trình sử dụng, trừ khi các vết móp do quá trình va đập bị lực tác động quá mạnh bạn nên quan tâm do nó có thể ảnh hưởng đến các linh kiện bên trong.

Lí do để máy bị bung thì nhiều vô kể, tốt nhất bạn không nên nghe lời người bán hoàn toàn. Vì để bán được máy thì nhiều người bán lẫn thương gia có thể nói ra vô số lí do nghe rất ngọt tai, đến lúc bạn cầm máy về rồi thì họ sẽ lại nói lí do khác.
Quan sát kĩ 2 con ốc ở đáy có thể cho biết máy đã bị bung hay chưa
Quan sát kĩ 2 con ốc ở đáy có thể cho biết máy đã bị bung hay chưa

Không nên đi một mình nếu giao dịch với người bán không có cửa hàng

Nếu bạn đến cửa hàng có địa chỉ cố định thì không sao, nếu mua của một người dùng bán lại thì nên cân nhắc các yếu tố: độ uy tín của người này (google với từ khóa: tên + lừa đảo), địa chỉ, có cho giao dịch tại nhà không, có cho bao test không (thường 7 ngày).

Nếu hẹn giao dịch tại các địa điểm vắng, quán cà phê, trà đá vỉa hè, không nên đi một mình. Các đối tượng này có thể là cướp hoặc lừa đảo. Thường thì nếu người bán không cho xem máy tại địa chỉ nhà hoặc cơ quan thì mình sẽ không giao dịch, rẻ đến mấy mình cũng xác định bỏ qua. Các bạn cũng nên lựa chọn cẩn thận để không bị tiền mất tật mang.

Trước khi đến mua nên thỏa thuận rõ ràng qua điện thoại hoặc tin nhắn về tình trạng máy, phụ kiện, giảm giá, bao test, bảo hành. Nếu cần thì lưu lại tin nhắn, ghi âm cuộc gọi làm bằng chứng sau này nếu có bất đồng. Nếu đến nơi người bán "lật kèo" không như đã thỏa thuận thì tốt nhất bạn cũng nên về luôn, không nên cố đấm ăn xôi giao dịch với những người như vậy.
Đừng đi giao dịch một mình nếu không muốn làm mồi cho cướp
Đừng đi giao dịch một mình nếu không muốn làm mồi cho cướp

Test chức năng cực kỳ cẩn thận, đừng sợ mất thời gian

Đây là công đoạn tốn thời gian nhất nhưng quan trọng nhất, nếu bạn làm qua loa thì bạn sẽ hối hận nếu mua phải con máy lỗi/dựng. Lời khuyên là bạn nên chọn mua ở những địa chỉ bán máy cũ uy tín, có nhiều review tốt, chế độ bảo hành tốt vì các KTV của họ đã test trước rồi nên bạn đỡ mất thời gian hơn. Không nên chỉ vì rẻ hơn một vài trăm mà đi mua của người bán ở ngoài để rồi ôm hận (trừ khi bạn là người có nghề, biết test cực kỳ cẩn thận).

Các chức năng cơ bản bắt buộc phải test: nghe gọi, sms, loa trong, loa ngoài, chụp ảnh, kết nối wifi, 3g, hệ điều hành. Sử dụng liên tục lặp đi lặp lại để chắc chắn không phát sinh lỗi. Reset máy, cắm vào máy tính test chân cắm, test sạc có vào hay không, jack cắm tai nghe có nhận không... Xin nhắc lại: đừng sợ mất thời gian!
Test mọi chức năng thật cẩn thận, đừng sợ mất thời gian
Test mọi chức năng thật cẩn thận, đừng sợ mất thời gian

Test điểm chết màn hình cảm ứng

Màn hình cảm ứng là tất cả của smartphone, nên bạn phải test hết sức cẩn thận. Nếu bạn là người ít tiếp xúc và trải nghiệm thì sẽ khó để nhận biết màn đó có phải là màn nguyên bản của máy hay đã bị thay. Nên đi cùng 1 người có kinh nghiệm để chắc chắn màn nguyên bản. Nếu người bán đã nói rõ ngay từ đầu là màn bị thay do vỡ, do đã hỏng cảm ứng lần trước... thì tùy bạn ra quyết định có mua hay không.

Với iPhone, có thể test điểm chết bằng cách đơn giản: di chuyển icon đi khắp màn hình, nếu đến một điểm nào đó icon bị bật lại thì phải chú ý. Test lại vài lần nếu bị bật liên tục khi đến điểm đó thì chính là điểm chết.

Với các dòng máy khác thì bạn chú ý khi bấm liên tục ở một điểm mà không ăn thì khả năng cao màn của máy có vấn đề.
Test điểm chết cảm ứng là quan trọng nhất
Test điểm chết cảm ứng là quan trọng nhất

Hãy học cách lỳ, đừng ngại

Có một số trường hợp các đối tượng lừa đảo thường giục bạn test máy nhanh với một số lí do như: phải về gấp, phải đi gấp, còn người khác hẹn xem máy... Nếu gặp người bán có biểu hiện này, bạn không nên làm theo lời họ, đưa tiền ngay. Hãy học cách trở nên lỳ trước những trường hợp như này.

Độ lỳ là một điều quan trọng với những người có kinh nghiệm đi mua bán đồ cũ. Hãy để người bán thấy rằng bạn cần phải kiểm tra thật kỹ tình trạng của máy trước khi rút tiền ra trả cho nó vì tiền đưa rồi thì dễ, lấy lại thì khó vô cùng. Nếu người bán tỏ thái độ không hợp tác, muốn lấy tiền và kết thúc giao dịch nhanh, đừng ngại mà trả máy đi về luôn. Đừng tiền mất tật mang chỉ vì ngại và sĩ diện!
Đừng ngại, hãy test kỹ, test cẩn thận trước khi đưa tiền
Đừng ngại, hãy test kỹ, test cẩn thận trước khi đưa tiền

Không ham rẻ, tránh xa những thương gia có phốt

Thời buổi công nghệ thông tin, bạn chỉ cần lên mạng và kiểm tra ở Google, Nhật Tảo, Muare và một số trang thương mại điện tử là sẽ có thông tin về các thương gia. Hãy tránh xa những thương gia bị dính phốt nhiều, dù giá có rẻ đến thế nào đi nữa!

Không ai cho không ai cái gì, nên rẻ cũng sẽ có cái trả giá của nó. Các thương gia có thể hạ giá sản phẩm cạnh tranh lẫn nhau, nhưng nó vẫn phải có một mức giá sàn cho sản phẩm đó. Nếu nó quá rẻ so với giá sàn, thì khả năng cao là hàng hóa của thương gia đó có vấn đề.

Hãy biết kiềm chế sự tham lam, đừng dính vào những thương gia có nhiều phốt dù giá có rẻ đến thế nào đi chăng nữa!

Tránh xa những thương gia làm hàng dựng và có nhiều phốt
Tránh xa những thương gia làm hàng dựng và có nhiều phốt

Kiểm tra IMEI/Serial Number của máy

IMEI hoặc Serial Number là một cách chính xác để biết máy kích hoạt từ khi nào, xuất xứ từ đâu. Hiện đang có thông tin các máy iPhone bị dính iCloud dù cho chưa kích hoạt có thể đến từ các website cho check IMEI miễn phí. Do vậy bạn nên check chính xác trên trang chủ của Apple tại link: https://checkcoverage.apple.com/. Tại đây cho phép bạn xem đủ hết các thông tin máy kích hoạt từ ngày nào, còn bảo hành không, xuất xứ của nước nào...

Đối với các dòng máy khác, cách check như sau:
Samsung: <15 số imei> gửi 6060.
Nokia: BH <15 số imei> gửi 8099.
LG: LGBH<15 số imei> gửi 8069.
Sony: <15 số IMEI> gửi 19001525.
HTC: Gọi cho tổng đài 1(900) 555 567 yêu cầu kiểm tra.
IMEI là thông số quan trọng để biết được nguồn gốc xuất xứ của máy
IMEI là thông số quan trọng để biết được nguồn gốc xuất xứ của máy

Kiểm tra thời lượng pin, độ nóng của máy, phụ kiện đi kèm

Pin cũng là một thứ nên quan tâm nhiều. Ở các máy đời quá sâu (2-3 năm) thì mua máy cũ đã thay pin có thể chấp nhận được. Tất nhiên ngoài pin ra các linh kiện khác phải nguyên bản.

Test pin bạn nên quan tâm: số vòng sạc, độ chai của pin (đo bằng chỉ số hiện tại/chỉ số pin máy mới chưa sử dụng), trong quá trình sử dụng máy có nóng không, pin có sụt quá nhanh không. Ở một số dòng máy, việc bạn bật 3g lên và sử dụng trong thời gian dài thì máy nóng và sụt pin nhanh là bình thường, nếu bạn không bật bất kì kết nối gì mà máy cũng sụt pin hoặc nóng thì là có vấn đề. Có thể do pin, có thể do nguồn, do các linh kiện khác nhưng nhìn chung nếu máy có tình trạng như vậy thì không nên cố mua.

Phụ kiện đi kèm cũng phải test kĩ. Nếu người bán đã nói từ đầu phụ kiện không nguyên bản có thể từ chối và yêu cầu giảm tiền. Nếu lấy thì xác định chấp nhận rủi ro từ việc này (sạc bị loại cảm ứng, nóng máy, cháy nổ...). Tốt nhất nên chọn phụ kiện nguyên bản.
Test pin là điều bắt buộc khi mua máy cũ
Test pin là điều bắt buộc khi mua máy cũ

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?