Top 7 Ngôi chợ lâu đời và nổi tiếng nhất ở TP.HCM

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều siêu thị và trung tâm thương mại mọc lên phục vụ cho lối sống công nghiệp của người dân Sài Gòn. Thế nhưng, những ngôi chợ truyền thống là một nét văn hóa không thể mất đi. Có rất nhiều ngôi chợ đã đứng vững hàng chục, thậm chí cả trăm năm và trở thành một phần không thể thiếu khi nhắc đến Sài Gòn.

Chợ Bến Thành

Địa chỉ: đường Lê Lợi, phường Bến Thành, Quận 1.
Giờ hoạt động: 4h -23h

Chợ Bến Thành tọa lạc đã hơn 100 năm tại trung tâm Quận 1. Hình ảnh tháp đồng hồ ở cửa nam của ngôi chợ đã trở thành một biểu tượng của TP.HCM.

Chợ Bến Thành hoạt động từ năm 1914.Chợ đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành. Đứng vững hơn trăm năm nay, nơi đây thành chứng nhân lịch sử cho những biến đổi của thành phố, trở thành điểm kết nối của quá khứ và hiện tại.

Những mặt hàng trong chợ Bến Thành chủ yếu là đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, vải vóc và các món đặc sản. Đây là điểm tham quan và mua sắm của bất cứ ai một lần viếng thăm Sài Gòn. Đến đây, bạn sẽ nghe được đủ mọi ngôn ngữ từ cả người mua lẫn người bán. Không khí ồn ào náo nhiệt của ngôi chợ đã khiến Bến Thành trở thành một trong những khu vực sầm uất của TP.HCM.
Hình ảnh trở thành biểu tượng của TP.HCM
Hình ảnh trở thành biểu tượng của TP.HCM
Chợ Bến Thành về đêm
Chợ Bến Thành về đêm

Chợ Bình Tây

Địa chỉ: đường Tháp Mười, phường 2, quận 6.
Giờ hoạt động: 6h - 19h

Trong những năm 1776, vùng đất Sài Gòn (tức vùng Chợ Lớn ngày nay, còn Sài Gòn ngày nay trước kia được gọi là Bến Nghé) là nơi định cư của người Hoa ở Cù Lao Phố sau khi chạy lánh nạn do chiến tranh giữa Nguyễn Anh và quân Tây Sơn. Theo phong tục tập quán, người Hoa thường lập chợ khi đến nơi định cư mới nhằm có chỗ để trao đổi hàng hoá. Nơi đây được gọi là chợ Lớn. Chợ Lớn ngày càng phát triển sung túc, nhiều người dân từ nơi khác tập trung đến làm ăn mua bán. Chợ trở nên chật hẹp không thể phát triển thêm. Chính từ đây, một ngôi chợ khác được xây dựng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đó chính là chợ Bình Tây.

Chợ Bình Tây hoàn thành năm 1930. Trải qua hơn 80 năm hình thành và phát triển, chợ Bình Tây ngày nay vẫn giữ được vị thế của một chợ đầu mối bán buôn lớn của thành phố và của quận 6 . Nơi đây bán nhiều loại hàng hóa khác nhau, là địa chỉ quen thuộc cho dân buôn bán chuyên nghiệp vùng Tây Nam Bộ. Loại hàng đặc trưng nhất ở chợ Bình Tây là hàng điện tử với giá cả phải chăng.

Đặc biệt, chợ được xây dựng với lối với lối kiến trúc cổ xưa, thể hiện qua mái ngói, những chi tiết chạm khắc... Ở giữa chợ là một khoảng sân trống tạo độ thông thoáng. Với kiến trúc đặc trưng và bề dày lịch sử lâu năm nên chợ còn là là điểm du lịch tham quan mua sắm nhiều tiềm năng cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, vì lý do nâng cấp và sửa chữa, hiện chợ Bình Tây phải tạm đóng cửa cho đến cuối năm 2017. Tuy nhiên hoạt động buôn bán vẫn được diễn ra ở chợ tạm ngay trước chợ cũ.
Cổng chợ Bình Tây với lối kiến trúc đậm chất Á Đông
Cổng chợ Bình Tây với lối kiến trúc đậm chất Á Đông
Toàn cảnh khu chợ
Toàn cảnh khu chợ

Chợ Tân Bình

Địa chỉ: đường Lý Thường Kiệt, phường 8, Quận Tân Bình.
Giờ hoạt động: 6h - 18h

Chợ Tân Bình được thành lập vào những năm 1960, vốn là chợ nhỏ trên giữa bốn trục đường Lý Thường Kiệt, Lê Minh Xuân, Tân Tiến và đường Phú Hoà. Đến nay, chợ đã phát triển thêm, Chợ này có 9 cửa, 4 cửa lớn và 5 cửa nhỏ. Cửa chính nằm trên đường Lý Thường Kiệt, với tổng diện tích 22.800 m2, chia làm 4 khu vực với gần 3.000 hộ kinh doanh.

Chợ Tân Bình cũng như những ngôi chợ lâu đời khác, có các mặt hàng kinh doanh rất đa dạng. Từ những mặt hàng trang sức giá trị cao như vàng bạc đá quý cho đến những đồ kim khí, điện máy hay lương thực, thực phẩm tươi sống… Nhưng mặt hàng nổi bật nhất ở đây là quần áo may sẵn, quần áo cưới các phụ kiện phục vụ cưới hỏi và vải ký vẫn là mặt hàng chủ yếu. Đặc biệt, người Sài Gòn biết đến chợ nổi tiếng là nơi kinh doanh đồ cưới giá rẻ nhất trên địa bàn thành phố. Không chỉ là điểm mua bán lẻ, chợ Tân Bình còn là một địa chỉ lấy hàng sỉ quen thuộc của nhiều chủ shop hàng. Từ những bạn trẻ kinh doanh quần áo và các phụ kiện thời trang tại Sài Gòn cũng như các chủ tiệm thường xuyên lấy hàng từ Sài Gòn về các tỉnh để bán buôn.
Cổng chợ Tân Bình
Cổng chợ Tân Bình
Đồ cưới ở chợ Tân Bình
Đồ cưới ở chợ Tân Bình

Chợ Bà Chiểu

Địa chỉ: đường Bạch Đằng, phường 1, quận Bình Thạnh.
Giờ hoạt động: 5h -20h

Chợ Bà Chiểu cũng là một trong những cái tên được nhắc nhiều nhất khi nói về TP.HCM. Nằm ở con đường Bạch Đằng trung tâm của quận Bình Thạnh, ngôi chợ luôn tấp nập kẻ bán người mua. Nơi đây không chỉ là điểm mua sắm của cư dân mà còn là một điểm tham quan thú vị cho du khách.

Chợ được xây dựng từ năm 1942 với tổng diện tích 8.465 m2, mãi cho đến năm 1987 thì được nâng cấp sửa chữa. Chợ Bà Chiểu được chia làm 8 khu chính, bố trí cho gần 800 hộ kinh doanh 40 ngành hàng. Những mặt hàng chủ yếu ở đây là quần áo, giày dép, trái cây và ẩm thực. Khu chợ này bán đồ với giá cả cho người bình dân
.
Hàng hóa ở đây phong phú, nhiều chủng loại và chất lượng khác nhau tùy vào giá tiền. Khu ẩm thực ở chợ có nhiều món ăn đa dạng. Với vị trí trung tâm của quận Bình Thạnh, việc di chuyển đến chợ khá dễ dàng bằng cả xe máy và xe buýt. Một điểm chú ý khi đi chợ Bà Chiểu được truyền tai nhau là tiểu thương thường nói thách, người mua phải biết cách mặc cả.
Mặt tiền chợ Bà Chiểu
Mặt tiền chợ Bà Chiểu
Một góc ẩm thực ở chợ
Một góc ẩm thực ở chợ

Chợ An Đông

Địa chỉ: đường An Dương Vương, phường 9, quận 5.
Giờ hoạt động: 7h - 18h

Chợ An Đông là một trong những chợ nổi tiếng và lâu đời ở TP.HCM. Chợ nằm ở quận 5, có lịch sử 56 năm. Ngoài các mặt hàng kinh doanh thường thấy tại các chợ, nơi đây được xem là vựa thời trang cập nhập mẫu mã nhanh nhất, với chất lượng không thua kém so với các shop lớn, thích cho cả những người buôn bán sỉ.

Chợ có không gian thoáng đãng nhất thành phố, với hệ thống thang cuốn đi lên các tầng để phục vụ khách hàng. Ngoài mặt hàng chính là quần áo, chợ còn buôn bán nhiều các loại thực phẩm khô và có khu ẩm thực khá nhộn nhịp. Trong chợ còn có khu vực ngân hàng và khách sạn, tiện lợi cho du khách muốn nghỉ ngơi và trao đổi tiền.
Mặt tiền của khu chợ An Đông
Mặt tiền của khu chợ An Đông
Không gian rộng rãi bên trong chợ
Không gian rộng rãi bên trong chợ

Chợ Bà Hoa

Địa chỉ: đường Trần Mai Ninh, Phường 11, Quận Tân Bình
Giờ hoạt động: 2h - 20h

Chợ Bà Hoa thành lập năm 1967. Tên chợ được đặt theo tên của người phụ nữ gốc Quảng Nam lập nên chợ. Do vùng này có nhiều người xứ Quảng sinh sống nên chợ Bà Hoa dần trở thành nơi bán các món ăn xứ Quảng.

Dạo bước giữa những gian hàng tại đây, người Quảng xa xứ sẽ cảm thấy ấm lòng, còn người dân xứ khác tìm thấy nhiều điều thú vị thông qua những nét đặc trưng ẩm thực xứ Quảng với các loại bánh có những cái tên “hầm hố” như bánh nổ, bánh đập, bánh tổ hay những lọ ớt khô cay nồng, món mắm cái cá cơm dân dã, mắm chuồn thính mặn mòi, mì Quảng. Ngoài việc tìm đến chợ Bà Hoa để ăn các món quê nhà, những người Quảng xa xứ còn tìm để đây chỉ để nghe giọng nói đặc sệt chất Quảng của quê mình. Người bán cũng vui vẻ, thân thiện, sẵn sàng giới thiệu những món đặc sản quê mình, giá cả phải chăng và người bán không hề nói thách. Dần dà, nó không chỉ là điểm đến cho con dân xứ Quảng đã trở thành một miền trung thu nhỏ giữa đất Sài Gòn.

Chợ Bà Hoa nhỏ xíu, đi không mỏi chân nhưng cảm giác đi hoài chưa hết chợ. Theo những người buôn bán ở chợ cho biết, vào những dịp lễ, ngày Tết chợ rất đông vui. Không chỉ ở khu vực Bảy Hiền mà người miền Trung ở khắp nơi trong thành phố, thậm chí ở các tỉnh lân cận đều về chợ Bà Hoa mua sắm. Có lẽ vì người ta muốn tìm đến để trở về một góc quê hương cho những cái Tết xa nhà.

Cổng chợ Bà Hoa
Cổng chợ Bà Hoa
Những đặc sản miền Trung bên trong chợ
Những đặc sản miền Trung bên trong chợ

Chợ Tân Định

Địa chỉ: Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1.
Giờ hoạt động: 3h - 21h

Chợ Tân Định cũng là một trong những ngôi chợ nổi tiếng ở TP.HCM. Chợ nằm trong khu vực quận 1, nằm giữa các đường như Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Hữu Cầu... đông đúc.

Chợ Tân Định được xây dựng năm 1926, là nơi tập trung những mặt hàng buôn bán đa dạng, phong phú. Ngành nghề kinh doanh chính: Thực phẩm tươi sống, quần áo, vải sợi, ăn uống, thực phẩm khô, giày dép, trái cây. Trong đó, phải kể đến mặt hàng vải vóc phong phú, giá rẻ và quầy thực phẩm có nhiều món ngon như bún mắm, súp cua, bánh canh cua, trái cây dĩa... Thêm vào đó, chợ có lực lượng bảo vệ nên khách đến mua sắm ở đây rất an tâm về mặt an ninh.

Chợ Tân Định thường được gọi vui là "chợ nhà giàu" vì giá cả hàng hóa khá đắt so với các chợ khác, giá trị món hàng có thể gấp 3 -4 lần giá trị thực. Khách đến mua hàng ở đây cần phải biết cách mặc cả món hàng. Nhưng dù sao, với số lượng hàng hóa đa dạng thì nơi đây vẫn xứng đáng là một điểm đến cho các chị em nội trợ.
Cổng chính chợ Tân Định với kiến trúc lạ mắt.
Cổng chính chợ Tân Định với kiến trúc lạ mắt.
Một góc bên trong chợ Tân Định
Một góc bên trong chợ Tân Định

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?