Đền, chùa từ lâu đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh quen thuộc của mỗi người chúng ta. Người ta đến đền, chùa vãn cảnh, chiêm bái cho tâm mình thảnh thơi và cầu may mắn, cầu tài, cầu lộc và bấy lâu nay đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Ở Thái Bình có rất nhiều đền, chùa song dưới đây là một số gợi ý đáng lưu tâm nếu bạn và gia đình còn chưa biết đền, chùa nào mới linh thiêng cho ước nguyện của mình nhé!
Chùa Keo
Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang tự) tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi. Chùa Keo vốn có tên là Nghiêm Quang tự, được xây từ năm 1061 ở hương Giao Thủy, hữu ngạn sông Hồng. Đến năm 1167, chùa đổi tên Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.
Chùa Keo thuộc hệ phái Bắc tông, là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê, hiện còn tồn khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu. Diện tích toàn khu chùa rộng khoảng 58.000 m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Qua tam quan, đi tiếp vào chùa, gặp ở hai bên 24 gian hành lang là khách hành hương sắm lễ vào Chùa lễ Phật và lễ Thánh. Đi đến phần chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Ngôi nhà ở ngoài, gọi là chùa Hộ, ngôi nhà ở giữa gọi là ống muống và ngôi nhà trong là Phật điện.Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo.
Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng Chùa Keo là di tích quốc gia đặc biệt, cùng với 10 di tích khác của cả nước. Hội xuân chùa Keo được tổ chức vào mùng 4 Tết Nguyên đán và hội thu từ ngày 13 đến 15 tháng 9 âm lịch. Mỗi năm mùa Hội chùa người dân và du khách đổ về đây rất đông, thưởng thức những trò chơi dân gian thú vị, ăn những món ăn truyền thống, nghe các làn điệu chèo, nghe câu quan họ bắc ninh và đặc biệt là hành hương lễ phật, cầu bình an cho một năm.
Đền Trần
Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua quan nhà Trần. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình (còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Hệ thống các di tích lịch sử ở đây bao gồm Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đều đã được chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.Trên diện tích 5175m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế. Ngôi Đền toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với một số hạng mục đã hoàn thành là toà hậu cung, toà bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan.
Đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần. Quần thể Đền Trần được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, là một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc - kiến trúc đình làng. Riêng Toà hậu cung đền Trần là một phần trong tổng thể kiến trúc có kết cấu chữ đinh, gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359m2, được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ; sự góp mặt của đá trong hợp thể kiến trúc tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.
Lễ hội đền Trần diễn ra vào ngày 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm để khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Các nội dung diễn ra suốt lễ hội từ sáng 13 tháng giêng âm lịch đến hết ngày 18 tháng giêng âm lịch như: Thi cỗ cá, Thi gói bánh chưng, Thi thả diều, Thi pháo đất, Thi vật cầu, Thi kéo co...Người ta đến Đền Trần để cầu tự, cầu công danh, sức khỏe, bình an, dân ở làng đồn rằng các Ngài rất linh thiêng, cứ hành thiện tích đức là xin gì được lấy. Vậy nên hàng năm lượng khách đổ về Đền Trần tham quan, cầu khấn rất nhiều.
Đền Quan
Đền Quan tọa lạc tại phường Hoàng Diệu, Thành Phố Thái Bình. Đây là nơi thờ vị thần “Tiết Chế Nam Đạo Đại Thần Tướng, họ Trần – húy Thắng” - người có công dẹp giặc ngoại xâm và giúp dân trị thủy sông Trà. Ngài mất đầu thập kỷ 10 thế kỷ 10 và để tưởng nhớ công đức của vị quan có công dốc lòng "Sinh vì Nam đạo", nhân dân đã lập đền thờ sau khi Ngài tạ thế.
Trải các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê đều được tu bổ; Đền hiện tại được đại tu vào năm Duy Tân thứ 2 (1409). Đền được xây dựng vào thời Đường năm 905 và được UBND tỉnh Thái Bình cấp bằng công nhận Di tích lịch sử Cách mạng Văn hóa năm 1998. Năm 2015, khu đền mẫu mới được xây dựng khang trang nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo nhân dân.
Hội Đền Quan diễn ra hằng năm vào dịp đầu xuân trong tháng Giêng với nhiều nghi thức truyền thống trong hội được kế thừa từ các lễ hội Đền Quan xưa như tế, lễ, rước thuyền và cùng với các trò chơi dân gian như cờ tướng, tổ tôm điếm, kéo co nam nữ, hát văn nghệ...Đây cũng là thời gian du khách mọi nơi trong và ngoài tỉnh đến du xuân, tham quan thưởng ngoạn, dâng hương cúng bái, cầu may đầu năm tại Đền.
Đền A Sào
Đền A Sào (Đệ nhị sinh từ) là nơi thờ Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Đại Vương. Đền tọa lạc trong thái ấp của An Sinh Vương Trần Liễu, phụ thân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Năm 18 tuổi Trần Quốc Tuấn được phong tước Thượng Vị Hầu đã về A Sào xây dựng căn cứ và kho dự trữ lương thảo (hay Mễ Thương). Đặc biệt, Bến Tượng A Sào đã ghi dấu tích voi chiến của Trần Hưng Đạo bị sa lầy trong trận đánh quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng và gắn với lời thề quyết tử của Hưng Đạo Vương: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không về bến sông này”. Kể từ đó để tưởng nhớ công ơn của Ngài, sau chiến thắng quân Nguyên, nhân dân đã lập đền thờ Ngài gọi là Đệ nhị sinh từ hay A Sào linh miếu (đền A Sào).
Trong khuôn viên của đền có hồ Tắm Tượng (hồ để voi tắm), có gò Đống Yên (nơi để yên ngựa của quân lính), Trại binh (nơi ở của quân lính) và nhiều linh khí khác...Ðể tương xứng với tầm vóc lịch sử của khu di tích, năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình đã chính thức phê duyệt quy hoạch tu bổ tôn tạo Khu di tích lịch sử nhà Trần gồm Ðình, Ðền, Bến Tượng A Sào tại xã An Thái, gồm nhà Tiền Tế, hai nhà Giải Vũ, tòa Đại Bái và Hậu Cung chồng diêm hai mái, Lầu chiêng, Lầu trống, hồ phong thủy. Tổng thể Khu di tích rộng hơn 31,7ha, tọa lạc tại xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Ngôi đền linh thiêng cầu tiền, cầu tài, cầu bình an nên được đông đảo du khách và phật tử đến chiêm bái mỗi dịp đầu năm.
Đền Tiên La
Đền Tiên La thuộc thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đền thờ Bát Nàn Tướng Quân (tướng quân phá nạn cho dân, có nơi gọi là “bát nạn” hay “bát não”) Vũ Thị Thục (sinh năm 17, mất năm 43), một nữ tướng của Hai Bà Trưng có công đánh Tô Định. Ngôi đền toạ lạc trên một diện tích khoảng 4000m² trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền có quy mô lớn, mang vẻ đẹp lộng lẫy cả về địa thế và vóc dáng. Đền bao gồm nhiều công trình như hệ thống cổng đền, tòa tiền tế, tòa trung tế, thượng điện và hệ thống sân đền.Tòa điện bái đường và thượng điện của đền được xây bằng vật liệu gỗ tứ thiết, nội thất được chạm trổ công phu với các nội dung có tích kinh điển như “Long – Lân – Quy – Phụng” đan xen với “Thông – Trúc – Cúc – Mai”. Tòa điện trung tế là công trình kiến trúc đặc sắc được xây dựng theo kiểu phương đình, kiến trúc theo lối “chồng diêm cổ các”. Mỗi năm cứ dịp đầu xuân năm mới, đền Tiên La lại thu hút đông đảo khách thập phương về hành hương và chiêm bái.
Lễ hội đền Tiên La được tổ chức vào các ngày 15 đến 17 tháng 3 âm lịch. Hiện nay, ban tổ chức lễ hội đã mở hội từ ngày 10 đến 20 tháng 3 âm lịch để phục vụ cho nhu cầu tham quan, chiêm bái của khách du lịch và các phật tử dịp đầu xuân. Chính hội là ngày 17, trùng ngày hy sinh của bà tướng là ngày 17 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43). Một số hoạt động tiêu biểu tại hội có trò chọi gà, đấu vật, múa rồng, múa sư tử, đặc biệt là phần rước kiệu, đánh đáo, chọi gà, thổi sáo trúc. Ngoài ra, vào dịp lễ hội còn có nhiều đoàn văn hoá nghệ thuật của tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận cũng đến biểu diễn các tiết mục văn hoá đặc sắc, được yêu thích nhất là các làn điệu chèo.
Đền Đồng Bằng
Đền Đồng Bằng tương truyền thờ Đức Vua cha Bát Hải. Nằm trên địa bàn xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình. Đền được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là một quần thể di tích mang trong mình một truyền thuyết về nơi khai sinh và hóa thánh của 8 (Bát vị) thánh có công chống giặc cứu nước. Để tưởng nhớ công đức của các vị nhân dân đã dựng đền và tổ chức lễ hội vào tháng 8 âm lịch hàng năm.
Đền Đồng Bằng được xem là một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc gỗ tuyệt đẹp, một điểm du lịch hấp dẫn của vùng quê lúa Thái Bình. Xuôi đường 10 đi Hải Phòng, dừng chân bên cầu Vật, du khách sẽ bị cuốn hút trước công trình kiến trúc uy nghi, lộng lẫy đứng khiêm nhường bên dòng sông Cổ đầy ắp huyền thoại. Đền toạ lạc trên một diện tích gần 6000 m2, toàn bộ công trình gồm có 13 toà, 66 gian, kết cấu theo kiểu tiền nhị hậu đỉnh liên hoàn khép kín, rất nguy nga bề thế. Các mảng kiến trúc rất mềm mại, hài hoà với các nét chạm trổ tinh vi, hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thếp vàng với các chủ đề về tứ quý, tứ linh, hiện thực thiên nhiên vừa thần thoại vừa huyền ảo nhưng cũng rất sống động và đời thường.
Đặc biệt, ngày 16/9/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống Đền Đồng Bằng (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội vô cùng hấp dẫn thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham gia hàng năm đã trở thành lệ quen thuộc của Đền. Tiếng lành đồn xa, sự linh thiêng, yên tĩnh của ngôi Đền trở thành địa điểm tham quan và chiêm bái tâm linh của du khách thập phương.
Đền Đồng Xâm
Đền Đồng Xâm nằm ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đền thờ Triệu Vũ Đế (Triệu Đà), Trình Thị Hoàng Hậu (vợ vua Triệu Đà) và ông tổ của nghề chạm bạc là Nguyễn Kim Lâu. Ngôi đền này nằm trên mảnh đất là cái nôi của nghề chạm bạc cả nước.
Đền Đồng Xâm nổi tiếng với nghệt thuật trang trí. Trong các nét trang trí đền có sự tập hợp của nghệ thuật chạm bạc, nghệ thuật khắc gỗ, nghệ thuật khắc đá, kim loại… của Việt Nam dưới thời Nguyễn. Với những nét đặc sắc trong nghệ thuật, kiến trúc đó, vào năm 1990, đền Đồng Xâm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lễ hội truyền thống đền Đồng Xâm diễn ra vào ngày 1 tháng 4 hàng năm thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh tham dự. Bên cạnh những trò chơi trò diễn độc đáo, lễ hội còn là dịp hội tụ của những người thợ kim hoàn, các phường bạc trên mọi miền đất nước về tế tổ Nguyễn Kim Lâu và giao lưu sản phẩm chạm bạc.
Mỗi một di tích có một câu chuyện kể một nét văn hóa lịch sử kiến trúc nghệ thuật rất đặc trưng đặc sắc. Nếu bạn có dịp ghé thăm miền “quê lúa” hãy đến thăm những di tích cổ ở Thái Bình. Chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được một Thái Bình rất riêng qua những nét kiến trúc của di tích và qua những sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng ở nơi đây đấy!