Mới đây, tỉ phú Donald Trump đã giành chiến thắng một cách bất ngờ và ngoạn mục khi vượt qua cựu ngoại trưởng Hilary Clinton để trở thành tân tổng thống dân cử thứ 45 của Hoa Kỳ. Liệu việc Donald Trump lên làm tổng thống sẽ có thay đổi như nào tới nước Mỹ và Thế giới? Hãy cùng Toplist theo dõi top những quan điểm chính sách của Donald Trump sau đây.
Về chính sách y tế, ông Trump ủng hộ việc bãi bỏ và thay thế đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare), vốn được biết đến như một hình thức bao cấp về y tế và được coi là thành tựu vĩ đại của thời Obama. Ông Trump cho rằng y tế nên có một thị trường tự do cạnh tranh nhằm giảm giá thành, đồng thời chỉ trích đạo luật Obamacare là tốn kém và phi thực tế. Ông Trump từng có phát biểu như sau "Obamacare chưa bao giờ hiệu quả. Tôi sẽ bãi bỏ và thay thế nó bằng một chương trình hiệu quả và ít đắt đỏ hơn"
Quyền nạo phá thai là một trong những chủ đề gây tranh cãi về nhân quyền suốt bao lâu nay của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Đảng Dân Chủ thì cho rằng người dân nên được tự do làm những gì mà họ muốn, và nạo phá thai là một trong số đó. Ngược lại, Đảng Cộng Hòa lại cho rằng thai nhi cũng có quyền được sống và nạo phá thai là đi ngược lại với nhân quyền.
Là một thành viên của Đảng Cộng Hòa, Donald Trump cũng có quan điểm tương tự. Ông Trump cho rằng cần phải có một số hình phạt đối với những phụ nữ muốn nạo phá thai.
Về vấn đề hôn nhân, ông Trump ủng hộ hôn nhân truyền thống, đó là hôn nhân nam - nữ thay vì hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên ông Trump cũng có nói rằng về vấn đề này, ông thích tự các bang đưa ra phán quyết hơn.
"Các chính trị gia của chúng ta quyết liệt theo đuổi toàn cầu hóa. Hậu quả là họ đẩy hết công việc, tài sản và các nhà máy của chúng ta ra nước ngoài như Mexico và Trung Quốc" - ông Trump phát biểu.
Cho tới thời điểm hiện tại, hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vốn được kỳ vọng như một hiệp định EU ở Châu Mỹ, đã không đạt được kỳ vọng và cho thấy những bất cập cũng như ảnh hưởng xấu tới nước Mỹ. Với tính cách và tôn chỉ của mình, gần như chắc chắn ông Trump sẽ tìm mọi cách để chấm dứt hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ, trong khi đó Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là thành viên vẫn chưa chính thức có hiệu lực.
Ông Trump cho rằng sự ấm lên toàn cầu hoàn toàn là một tin đồn nhảm. Cũng theo ông Trump, chính các thỏa thuận chống biến đổi khí hậu mà gần đây nhất là thỏa thuận Paris tại COP 21, đã kiềm chế sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ. "Tôi sẽ bãi bỏ Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu mà Mỹ đã ký kết! Đây là một thỏa thuận tồi tệ với việc làm ăn của Mỹ" - Ông Trump phát biểu. Bên cạnh đó, ông Trump cũng ủng hộ khai thác tài nguyên thiên nhiên và chỉ trích điện gió, nói rằng ngành điện gió tốn nhiều chi phí trong khi sản xuất ra một loại năng lượng "không đáng tin cậy và tồi tệ"
Sự lớn mạnh của Trung Quốc về kinh tế và quân sự đang khiến Mỹ gặp nhiều thách thức trong việc duy trì vị trí siêu cường số một thế giới. Với tôn chỉ "Make America great again", ông Trump chắc chắn sẽ có những chính sách cứng rắn tới Trung Quốc và thực vậy, Trung Quốc là một trong những chủ đề mà ông Trump đã chỉ trích, phê phán rất nhiều trong thời gian trước đây.
Theo ông Trump, Trung Quốc đã có những chính sách thương mại quốc tế "không trong sạch" mà tiêu biểu là sự phá giá đồng nhân dân tệ. Ông Trump tuyên bố: "Họ đang phá giá tiền tệ và họ đang giết chết các công ty của chúng ta. Chúng ta đang để cho họ sổng mất với chuyện đó. Chúng ta không thể để cho họ chạy thoát được”. Ông Trump cũng gọi đó là "vụ trộm lớn nhất lịch sử", đổ lỗi cho Trung Quốc đang "cưỡng bức" và "giết chết nước Mỹ". Bởi vậy, ông đã cam kết sẽ áp thuế 45% lên các mặt hàng Trung Quốc để bù vào sự phá giá của đồng nhân dân tệ. Đồng thời, ông Trump cũng tuyên bố sẽ thay đổi luật sở hữu trí tuệ và ngăn chặn các hình thức thương mại bất công, phi pháp của các công ty Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
Cũng nằm trong chính sách về nhập cư của mình, ông Trump tuyên bố sẽ giành lại việc làm cho người Mỹ, trong bối cảnh nhiều người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ và các công ty gia công, sản xuất tại Trung Quốc đang chiếm một lượng lớn việc làm lẽ ra thuộc về người dân Hoa Kỳ.
Về tình hình các tranh chấp ở biển Đông liên quan tới Trung Quốc, ông Trump cũng từng có những lời lẽ "đao to búa lớn" rằng Trung Quốc phải trả giá cho các hành động phi pháp của mình trên biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên những lời lẽ này lại có phần mâu thuẫn với các chính sách về ngoại giao và cắt giảm chi phí cho quân sự, quốc phòng mà ông Trump đã đưa ra trước đó.
Cũng nằm trong chính sách đối ngoại xen kẽ với quốc phòng an ninh, ông Trump cho rằng hiện nay chính phủ Mỹ đang giành quá nhiều ngân sách cho hoạt động quân sự, đặc biệt là tổ chức NATO. NATO là tên viết tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, là một liên minh quân sự do Mỹ cùng các nước phương Tây thành lập năm 1949 với mục đích khi đó là chống lại thế lực của chủ nghĩa cộng sản trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Hiện nay NATO vẫn duy trì hoạt động với 28 quốc gia thành viên.
Ông Trump cho rằng NATO đang ngốn quá nhiều chi phí quân sự để bảo vệ các quốc gia khác, các nước thành viên NATO cũng nên dành ra 2% giá trị kinh tế cho quốc phòng và "Nếu chúng ta không được bồi hoàn thích đáng về những chi phí to lớn của quân đội để bảo vệ các quốc gia khác, thì tôi sẽ nói với NATO rằng các ông hãy tự lo cho mình"
Quyền sở hữu và kinh doanh súng đạn của công dân Mỹ được đưa ra vào Tu Chính án thứ hai với mục đích ban đầu là mỗi người dân có thể tự bảo vệ mình. Cho tới thời điểm hiện tại, quyền sở hữu súng đạn đã gây ra nhiều vấn đề xã hội và tranh cãi. Mỗi năm, ở Mỹ diễn ra rất nhiều các cuộc xả súng cũng như tình trạng tội phạm tăng cao do quyền sở hữu súng. Chính quyền Obama đã cố gắng để kiểm soát súng đạn nhưng không thực sự thành công bởi quyền sở hữu vũ khí là một trong những quyền lâu đời nhất ở Mỹ, được Hiến pháp bảo vệ.
Ông Trump luôn bày tỏ quan điểm phản đối chính sách kiểm soát súng đạn và ủng hộ Tu Chính án thứ hai. Bản thân ông cũng có giấy phép mang súng kín của New York.
Vào ngày 15/9, Donald Trump tuyên bố sẽ có kế hoạch cắt giảm thuế rộng rãi cho mọi đối tượng nếu đắc cử tổng thống. Quan điểm về thuế vốn là tranh cãi lâu đời của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa từ trước tới nay. Theo quan điểm của bà Hilary Clinton, bà cho rằng những người thu nhập cao nên đóng góp nhiều hơn vào an sinh xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo. Cựu ngoại trưởng Mỹ tuyên bố sẽ không tăng thuế với những người có thu nhập ít hơn 250.000 USD/năm. Ngược lại, Donald Trump lại cho rằng không nên có sự phân biệt đối xử giữa giới thu nhập cao và thấp. Ông tuyên bố sẽ giảm thuế thu nhập liên bang từ 35% về 15% còn thuế thu nhập liên bang từ 39,6% về 33%. Ông Trump tin rằng việc giảm thuế sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp lớn nhỏ đầu tư sản xuất, kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo được nhiều việc làm hơn.
Về đối ngoại, ông Trump từng phản đối ý tưởng thành lập vùng cấm bay trên bầu trời Syria của bà Clinton và cho rằng ý tưởng đó sẽ khơi mào cho Chiến tranh Thế giới lần thứ 3 với Nga - những người ủng hộ chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad. Ông Trump cho rằng điều Mỹ cần làm là tập trung tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thay vì thuyết phục Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức.
Cũng về vấn đề Trung Đông, ông Trump cho rằng chính sự nhân nhượng của chính phủ Obama đã khiến cho Iran trở thành thế lực gây bất ổn ở Trung Đông. Theo ông Trump, Iran và nhóm P5+1 đã đi đến thỏa thuận hạt nhân khiến Tehran không còn phải chịu những lệnh trừng phạt ở phương Tây, khiến Tehran trở thành đối tác quan trọng của Moscow và Bắc Kinh ở Trung Đông, đang cùng nhau bắt tay để tạo ảnh hưởng ở khu vực này.
Đối với các đồng minh của mình, quan điểm "Make America great again" cũng khiến các đồng minh của Mỹ quan ngại. Ông Donald Trump bày tỏ quan điểm ngoại giao thực dụng đặt nước Mỹ lên hàng đầu. Đó là những quan điểm ngoại giao theo chủ nghĩa biệt lập, được các nhà ngoại giao Mỹ theo đuổi vào những năm 1930 nhằm giữ nước Mỹ đứng ngoài Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Cựu thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han cho rằng ông Trump sẽ là "ứng viên tổng thống Mỹ đầu tiên theo chủ nghĩa biệt lập, trong khi tất cả các tổng thống Mỹ thời kỳ hậu chiến đều là những người theo chủ nghĩa quốc tế hóa ở một mức độ nào đó"
Trước vấn nạn nhập cư bất hợp pháp đang gây ra khủng hoảng tại Châu Âu và các vấn đề liên quan tới khủng bố là hệ lụy từ vấn nạn này, Donald Trump tuyên bố sẽ cứng rắn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ, đồng thời ngăn chặn không cho tình trạng này tiếp tục tái diễn. Là nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, hiện nay số lượng người nhập cư bất hợp pháp ở Hoa Kỳ là không hề nhỏ. Mỹ hiện có khoảng 42 triệu người nhập cư đang đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Mỹ nhưng khoảng 1/4 số đó là người nhập cư bất hợp pháp. Liên quan tới vấn đề an ninh biên giới chống nhập cư bất hợp pháp, Donald Trump muốn xây dựng một bức tường ngăn cách biên giới nước Mỹ với Mexico mà chính phủ Mexico phải chi trả chi phí xây dựng bức tường này. Ông nói rất hoan nghênh những người Mexico nhưng họ phải đến Mỹ theo đúng thủ tục và luật lệ của luật pháp. Bên cạnh việc ngăn chặn và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, Donald Trump còn muốn siết chặt các quy định về nhập cư cũng như nhập tích, đáng kể nhất là phản đối quyền nhập quốc tịch cho những đứa trẻ sinh ra tại Mỹ, có cha mẹ là người nhập cư.