Top 10 Siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay

Siêu máy tính là những hệ thống máy tính tạo thành một mạng lưới, xử lý những công việc cực kỳ phức tạp và những thuật toán khó nhất. Khả năng tính toán của những siêu máy tính được đo bằng đơn vị FLOPS (phép tính dấu chấm động thực hiện trong mỗi giây). Dưới đây là những siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay.

K Computer

Siêu máy tính mang tên K Computer hiện đang được đặt tại Viện nghiên cứu cao cấp ngành khoa học điện toán, tỉnh Kobe, Nhật Bản. Siêu máy tính này do hãng Fujitsu thiết kế và lắp ráp.

Sức mạnh của K Computer đo được khoảng 10,5 petaflops và nhiệm vụ chính của nó dùng để giải quyết những thách thức về năng lượng, sự biến đổi khí hậu, bền vững môi trường, công nghiệp, nghiên cứu vũ trụ.

K Computer được chứa trong 864 tủ chứa, tổng cộng có khoảng 640.000 nhân xử lý, mỗi node có 1 CPU 8 nhân SPARC64 Vlllfx 2GHz và 16GB RAM.
Siêu máy tính K Computer của Nhật
Siêu máy tính K Computer của Nhật

Titan

Hệ thống siêu máy tính Titan được phát triển từ nền tảng Cray XK7, được đặt tại Phòng quan sát quốc gia Oak Ridge ở Tennessee, Mỹ. Để bảo vệ được hết Titan, người ta sử dụng 200 tủ chứa và nằm trong khuôn viên rộng đến 404m2.

Mỗi tủ chứa sẽ cung cấp dòng điện 480V, tổng cộng toàn hệ thống tiêu thụ lượng điện khoảng 8,2MW. Về cấu hình, Titan gồm 18.688 node, mỗi node có 1 CPU AMD Opteron 6274 16 nhân, 32GB RAM DDR3 và GPU Nvidia Tesla K20X 6GB. Tổng cộng siêu máy tính này có khoảng 299.008 nhân xử lý, tổng dung lượng bộ nhớ 693,6 TiB (tebibyte).

Titan được chính phủ Mỹ sử dụng với mục đích phục vụ cho khoa học, trước kia là những lĩnh vực liên quan đến phân tử, xây dựng mô hình thời tiết, mô phỏng phản ứng hạt nhân, nghiên cứu vũ trụ...

Tuy nhiên, Titan cũng đã có tuổi đời khá lâu và sắp tới đây nó sẽ được thay thế bởi siêu máy tính IBM Summit vào năm 2018.
Hình ảnh bên trong khuôn viên chứa siêu máy tính Titan
Hình ảnh bên trong khuôn viên chứa siêu máy tính Titan

Stampede

Stampede là mẫu siêu máy tính do Dell sản xuất, được đặt tại Trung Tâm Điện toán cao cấp Texas, Mỹ. Sức mạnh đo được của Stampede khoảng 5,1 petaflops.

Cấu hình của Stampede gồm tổng cộng 462.462 nhân xử lý, sử dụng cho mục đích nghiên cứu thuốc ở cấp độ phân tử, dự báo thời tiết, thiên văn học...
Siêu máy tính Stampede tại Texas, Mỹ
Siêu máy tính Stampede tại Texas, Mỹ

Tianhe-2

Tianhe-2 là siêu máy tính của Trung Quốc, được đặt tại Đại học Quốc gia chuyên về Công nghệ Quốc Phòng, trụ sở tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là siêu máy tính mạnh nhất thế giới tại thời điểm này, với hiệu năng đạt trên mức 33,86 petaflops.

Để chứng minh sức mạnh, Tianhe-2 có thể thực hiện hàng triệu tỉ phép tính mỗi giây, tuy nhiên nhiệm vụ chính của nó không phải là như vậy. Cỗ máy siêu sức mạnh này được Bộ Quốc Phòng Trung Quốc sử dụng để mô phỏng, phân tích số liệu khoa học nhằm ứng dụng vào việc bảo mật cho chính phủ Trung Quốc.

Tianhe-2 được cấu tạo từ 16.000 node máy tính, mỗi node có 2 CPU Intel Xeon đời Ivy Bridge, 3 coprocessor Xeon Phi, RAM 88GB. Tổng cộng bên trong siêu máy tính này có khoảng 3.120.000 nhân xử lý hệ thống.

Tên của siêu máy tính này nếu dịch ra theo tiếng Trung có nghĩa là Thiên hà.
Tianhe-2: siêu máy tính mạnh nhất hiện nay
Tianhe-2: siêu máy tính mạnh nhất hiện nay

Mira

Siêu máy tính Mira được thiết kế dựa trên mẫu Blue Gene của IBM, trụ sở đặt tại Phong thí nghiệm quốc gia Argonne, bang Illinois, Mỹ và thuộc quyền sở hữu của Bộ năng lượng Hoa Kỳ.

Sức mạnh đo được của Mira khoảng 8,5 petaflops và là một trong những siêu máy tính có mức độ sử dụng năng lượng hiệu quả cao nhất. Thậm chí, hãng IBM còn tự tin nói rằng nếu mỗi người dân Mỹ thực hiện phép tính trong mỗi giây thì họ sẽ cần một năm để có thể làm được phép tính mà Mira làm trong 1 giây.

Hiện nay, siêu máy tính Mira được sử dụng với mục đích nghiên cứu khoa học vật liệu, nghiên cứu thời tiết, địa chấn học và hóa học nguyên tử.
Siêu máy tính Mira của IBM
Siêu máy tính Mira của IBM

Piz Daint

Siêu máy tính này có cái tên khá kì dị Piz Daint - được đặt tên theo một ngọn núi thuộc dãy Alps, có trụ sở đặt tại Trung tâm siêu máy tính quốc gia Thụy Sĩ. Piz Daint được phát triển dựa trên nền Cray XC30.

Sức mạnh đo được của Piz Daint vào khoảng 6,27 petaflops. Siêu máy tính này sử dụng nhiều nhân CPU Intel Sandy Bridge xung nhịp 2,6 GHz, GPU Nvidia Tesla K20X.

Mục đích sử dụng hiện nay của Piz Daint là dựng mô hình hóa thời tiết và khí hậu, vật lý thiên văn, khoa học vật liệu và khoa học đời sống. Điểm thú vị hơn nữa là tại Trung tâm siêu máy tính quốc gia Thụy Sĩ không chỉ có mình Piz Daint, còn có một số siêu máy tính yếu hơn.
Siêu máy tính Piz Daint tại Thụy Sĩ
Siêu máy tính Piz Daint tại Thụy Sĩ

Vulcan

Siêu máy tính Vulcan có thiết kế khá giống với Juqueen của Đức, do cả 2 đều dựa trên nền tảng Blue Gene của IBM. Sức mạnh đo được của Vulcan khoảng 4,29 petaflops, trụ sở hiện nay được đặt tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livemore, California, Mỹ.

Hiện cơ sở này đã ký hợp đồng với IBM, Nvidia, Mellanox để lắp thêm một siêu máy tính mới mạnh mẽ hơn mang tên Sierra vào năm 2017. Mục đích chính của những siêu máy tính này là nghiên cứu mô hình vũ khí hạt nhân trên máy tính để không phải thử nghiệm thực tế.
Bên trong hầm chứa siêu máy tính Vulcan
Bên trong hầm chứa siêu máy tính Vulcan

Tối mật, không có tên

Đây là siêu máy tính mới của Mỹ, được giấu kín gần như toàn bộ thông tin từ tên tới trụ sở và mục đích sử dụng. Chúng ta chỉ biết được rằng sức mạnh của nó đo được khoảng 3,57 petaflops và được quảng cáo là siêu máy tính có hiệu năng cao và mức độ sử dụng năng lượng tốt nhất hiện nay.

Trụ sở của siêu máy tính này được đặt tại một cơ sở bí mật của chính phủ Mỹ, không nhiều người biết tên và nó nằm ở đâu ngoại trừ những người có tham gia vào dự án này.
Siêu máy tính 3,57 petaflops bí mật của chính phủ Mỹ
Siêu máy tính 3,57 petaflops bí mật của chính phủ Mỹ

Juqueen

Juqueen là siêu máy tính của Đức, được thiết kế dựa trên nguyên mẫu Blue Gene của IBM, Hiện trụ sở của siêu máy tính này không được công khai.

Sức mạnh của Juqueen đến từ 458.752 nhân xử lý, đo được khoảng 5 petaflops. Mục đích sử dụng chính của Juqueen để nghiên cứu khoa học thần kinh, sinh học, thời tiết và vật lý lượng tử.
Juqueen - siêu máy tính của Đức
Juqueen - siêu máy tính của Đức

Sequoia

Từng là siêu máy tính mạnh nhất vào năm 2011, giờ Sequoia nằm ở vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng. Siêu máy tính này có trụ sở tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Barkeley, California, Mỹ.

Mục đích sử dụng của siêu máy tính Sequoia chủ yếu là nghiên cứu, đánh giá vũ khí hạt nhân của Mỹ, mô phỏng thí nghiệm phản ứng hạt nhân. Ngoài ra nó có thể được sử dụng cho mục đích khoa học năng lượng, thiên văn học, nghiên cứu não người, theo dõi sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Cấu hình của Sequoia vẫn còn rất mạnh ở thời điểm hiện tại với sức mạnh lên đến 17,1 petaflops. Thiết kế của Sequoia dựa trên nguyên mẫu Blue Gene của IBM, khá cổ điển. Bên trong hầm chứa của Sequoia có 98.304 node, mỗi node có 1 CPU PowerPC A2 16 nhân, 16GB RAM. Tổng cộng siêu máy tính này có khoảng 1.572.864 nhân, bộ nhớ trong 1,5 PB.

Để bảo quản Sequoia, người ta phải xây dựng nó trong một hầm chưa có diện tích lên đến 280m2.
Bên trong hầm chứa siêu máy tính Sequoia
Bên trong hầm chứa siêu máy tính Sequoia

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?