Top 7 Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Tự Lực Văn Đoàn

Tự Lực Văn Đoàn là nhóm văn học Việt Nam do Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh) sáng lập, hoạt động sôi nổi nhất trong khoảng những năm 1932 - 1939. Tự Lực Văn Đoàn với các tác giả nổi bật như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ,... đã có công to lớn trong việc hình thành và phát triển văn học lãng mạn Việt Nam, đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết, truyện ngắn. Dưới đây là 7 tiểu thuyết nổi tiếng nhất, đã và đang làm say lòng người đọc nhiều thế hệ.

Lạnh lùng - Nhất Linh

Một lần nữa, thông điệp nghệ thuật sâu sắc đầy nhân văn, hướng tới mục tiêu giải phóng cá nhân, giải phóng phụ nữ trong Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt lại vang lên với Lạnh lùng. Nhưng với Lạnh lùng, Tự Lực Văn Đoàn thể hiện bước tiến vượt bậc về nghệ thuật khắc họa tâm lý qua những trang viết đầy chất thơ nhưng cũng rất thực, rất đời.

Chồng chết khi tuổi còn son trẻ, Nhung buộc phải sống ép xác, ép mình trong gia đình nhà chồng là bà Án với một cậu con trai nhỏ bé. Yêu Nghĩa và muốn thoát ly, rời bỏ tất cả, vượt qua dư luận khắc nghiệt để chạy trốn cùng Nghĩa, nhưng rốt cuộc Nhung vẫn không thể nào thoát ra cái tổ kén nặng nề, nghẹt thở vì đạo tam tòng, vì hai chữ tiết hạnh của quan điểm phong kiến. Nhất Linh đã miêu tả rất tinh tế, đầy ám ảnh những mâu thuẫn, giằng xé trong tâm hồn người thiếu phụ trẻ khát khao hạnh phúc, được sống đúng nghĩa.

Tiểu thuyết Lạnh lùng của Nhất Linh
Tiểu thuyết Lạnh lùng của Nhất Linh
Lạnh lùng - Nhất Linh
Lạnh lùng - Nhất Linh

Đôi bạn - Nhất Linh

Đôi bạn được Nhất Linh viết năm 1938 và hoàn thành vào năm 1939. Đây là thời điểm mà văn học lãng mạn đã thoái trào, nhường chỗ cho nền văn học hiện thực phê phán phát triển. Là một trong những cây bút nòng cốt cuả nhóm Tự Lực Văn đoàn, văn chương của Nhất Linh là sự pha trộn hài hoà giữa văn phong lãng mạn và những đề tài đậm màu sắc hiện thực và mang tính thời đại. Điều này thể hiện rất rõ qua tiểu thuyết Đôi bạn.


Đôi bạn, với hai nhân vật chính Loan - Dũng, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của Nhất Linh, là sự tiếp nối tư tưởng dân tộc, dân chủ đã manh nha trước đó. Có thể nói, Đôi bạn là bài ca về khát vọng ra đi của những người trẻ để tìm lẽ sống, là điệp khúc thánh thót mà sâu lắng về tình bạn, tình thân và cả những rung động diết da của mối tình đầu.


Nhiều trang viết của Đôi bạn thấm đượm chất trữ tình mộng mơ của tuổi thanh xuân, hòa cùng không gian làng quê rung rinh cánh bướm trắng trên giậu hoa. Đôi bạn ca ngợi tình yêu tự do trong sáng, đả phá kiểu hôn nhân chỉ vì danh lợi, ca ngợi lớp thanh niên khao khát đổi thay. Chất thơ, chất nhạc, chất họa hòa quyện cùng với cái âm điệu man mác buồn, cô đơn thoáng qua tạo nên dư vị khó tả của tác phẩm.

Tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh
Tiểu thuyết Đôi bạn của Nhất Linh
Đôi bạn - Nhất Linh
Đôi bạn - Nhất Linh

Nửa chừng xuân - Khái Hưng

Nửa chừng xuân kể về cuộc tình duyên đẹp nhưng dang dở của Mai - cô thiếu nữ xinh đẹp con nhà Nho thanh bạch với Lộc - con trai của bà Án (gia đình có dòng dõi quan lại quyền thế). Đây là cuốn tiểu thuyết luận đề tuyên chiến với lễ giáo phong kiến, đòi quyền tự do yêu đương và hạnh phúc cá nhân. Nửa chừng xuân có sức hấp dẫn đặc biệt với những trang viết đầy cảm động của những xúc cảm tình yêu, đấu tranh nội tâm, của lòng thủy chung và đức hy sinh.


Truyện cũng rất thành công với sự sắc nét trong việc xây dựng nhân vật bà Án và đặc biệt là Mai - một người con gái vừa mang vẻ đẹp truyền thống vừa có cá tính của người phụ nữ hiện đại. Nửa chừng xuân ngay khi mới ra đời đã được công chúng rộng rãi hoan nghênh, đưa lên sân khấu nhiều lần.


Nửa chừng xuân bao gồm có 3 phần, trong mỗi phần có những chương nhỏ có đặt tên cho mỗi chương. Phần thứ hai là phần chính nên có dung lượng lớn nhất gồm 8 chương.

Nửa chừng xuân
là một trong những tác phẩm mà Sống (Thương hiệu sách Tác giả Việt) đặc biệt tuyển chọn để đưa vào Tủ sách Khuê Văn – tủ sách gồm những áng văn trác tuyệt được ví như những vì tinh tú trong nền văn học Việt Nam.

Tiểu thuyết Nửa chừng xuân của Khái Hưng
Tiểu thuyết Nửa chừng xuân của Khái Hưng
Nửa chừng xuân - Khái Hưng
Nửa chừng xuân - Khái Hưng

Đoạn tuyệt - Nhất Linh

Đoạn tuyệt khắc họa cảnh làm dâu "địa ngục trần gian" trong gia đình nhà bà Phán của Loan - một cô gái có tư tưởng Âu hóa, học Trường Cao Đẳng Sư Phạm nhưng vì cảnh nhà phải bỏ dở. Loan yêu Dũng - con một viên quan Tuần phủ, Dũng vì bất đồng vì lý tưởng với bố nên bị bố từ bỏ. Dũng cũng vì yêu Loan nhưng vì muốn thực hiện chí lớn mà gạt bỏ hạnh phúc riêng. Về làm dâu con bà Phán vì thương mẹ, Loan vấp phải một thế lực cổ hủ, cay nghiệt, nhất là mẹ chồng và cô em chồng. Những lần công khai thách thức với những thói tục vô lý ấy đã khiến sự đụng độ cũ - mới trong gia đình ngày càng quyết liệt. Hậu quả là Loan vô tình gây ra cái chết của Thân - người chồng yếu hèn, nhu nhược. Trước tòa, nhờ sự dũng cảm của mình và sự bênh vực của luật sư người Pháp, Loan trắng án và trở về cuộc đời tự do, nối lại tình xưa với Dũng. Đoạn tuyệt đề cao khát vọng tình yêu và hạnh phúc cá nhân, khước từ dứt khoát những thế lực văn hóa, lễ giáo của đại gia đình phong kiến.


Đoạn tuyệt của Nhất Linh không chỉ là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn vào những năm 30 của thế kỷ XX, mà đến tận bây giờ, nó vẫn mang tính thời đại sâu sắc. Sự phát triển của xã hội chính sự là sự xung đột không ngừng nghỉ giữa cái mới và cái cũ để đào thải đi những điều không còn phù hợp. Dù hậu quả của cuộc chiến này luôn tạo ra những vết cắt, những khoảng cách giữa các thế hệ, giữa các tư tưởng, thế nhưng, nó không thể không xảy đến. Con dao Loan dùng để tự vệ là một cách thức sắc bén nhưng dễ gây tổn thương, chặt đứt được những điều tồi tệ nhưng lại gây đau đớn cho cả hai bên.


Đoạn tuyệt cái cũ, cái xấu xí, cái không phù hợp là điều cần thiết của mỗi chúng ta, của mỗi xã hội để vươn lên sự công bằng, văn minh và tốt đẹp.

Tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh
Tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh
Đoạn tuyệt - Nhất Linh
Đoạn tuyệt - Nhất Linh

Bướm trắng - Nhất Linh

Bướm trắng là một tiểu thuyết của Nhất Linh vào trước 1945, có lẽ là cuốn chót, xuất hiện vào năm 1939, trước khi ông dấn thân vào đường chính trị và rời khỏi Hà Nội vào năm 1941. Bướm trắng cũng là một tiểu thuyết tâm đắc của Nhất Linh vì nó phản ánh được quan niệm sáng tác của nhà văn tiền phong này.


Nếu dùng hai từ để miêu tả Bướm trắng, có lẽ đó là "nổi loạn" và "cách tân". Bướm trắng xây dựng một hình mẫu người trẻ nổi loạn, Chương. Chương tìm thấy tình yêu với Thu, có công việc ổn định nhưng tận sâu trong tâm khảm, Chương phải đối diện với sự cô đơn và trống rỗng khủng khiếp.


Nhất Linh với biệt tài khắc họa tâm lý đạt đến đỉnh cao đã lách sâu vào những ngõ ngách kín kẽ, bí mật của tâm hồn Chương cũng như nhiều người trẻ trong cơn khủng hoảng của xã hội thời ấy. Tình yêu, khát vọng, lẽ sống,... tất cả đối với Chương đều đẹp như Bướm trắng và cũng rất đỗi ảo ảnh như Bướm trắng. Nhất Linh với Bướm trắng đã xoáy sâu cái nhìn vào bản thể con người, mà tận đến bây giờ, chúng ta vẫn có thể thấy ít nhiều hình ảnh của bản thân trong đó.

Tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh
Tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh
Bướm trắng - Nhất Linh
Bướm trắng - Nhất Linh

Gia đình - Khái Hưng

Gia đình, qua cách nhìn của nhân vật An, là những trang viết ngồn ngộn sức sống hiện thực, phơi bày đủ mọi cảnh bi hài trên chốn quan trường của những ông quan "phụ mẫu" và những trò gian giảo, mâu thuẫn trong đại gia đình phong kiến. Với giọng điệu châm biếm nhẹ nhàng thâm thúy, ngòi bút sắc sảo của Khái Hưng đã đi vào miêu tả, phân tích những trạng thái tâm lý phức tạp của nhân vật mà điển hình là quá trình tha hóa của An: từ cay đắng, chán ghét đến thỏa hiệp, nhượng bộ một cách nhu nhược.


Khái Hưng cũng thể hiện khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc qua cặp nhân vật Hạc - Bảo tuy nhiên còn tương đối mơ hồ, nửa vời. Nhìn chung, đóng góp lớn và cũng là sức hấp dẫn lớn nhất của tiểu thuyết Gia đình là bức tranh khá hoàn chỉnh, mang tính điển hình về hiện thực cuộc sống của tầng lớp thượng lưu trong xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc.

Tiểu thuyết Gia đình của Khái Hưng
Tiểu thuyết Gia đình của Khái Hưng
Gia đình - Khái Hưng
Gia đình - Khái Hưng

Hồn bướm mơ tiên - Khái Hưng

Hồn bướm mơ tiên là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng, nhưng nó nhanh chóng quyến rũ người đọc và tạo ra tiếng vang lớn bởi cốt truyện vừa giản dị vừa khá hấp dẫn, lối văn nhẹ nhàng man mác thấm đẫm chất thơ dịu dàng đằm thắm. Đến chùa Long Giáng để thăm người bác tu hành ở đây nhân dịp nghỉ hè, Ngọc gặp Lan.


Hai tâm hồn đồng điệu và những khoảnh khắc bộc lộ chất nữ tính của Lan đã dấy lên trong lòng Ngọc niềm thương mến và sự nghi ngờ rằng liệu chú tiểu Lan có phải là con gái. Trải dài suốt thiên tiểu thuyết là một tình cảm bâng khuâng, trong sạch và cao thượng. Đặc biệt, Hồn bướm mơ tiên cuốn hút người đọc còn ở những trang văn tả phong cảnh rất đỗi thi vị, trữ tình.


Hồn bướm mơ tiên là một truyện tình dưới bóng Từ bi, một truyện tình cao thượng và trong sạch của đôi thanh niên yêu nhau "yêu nhau trong linh hồn trong lý tưởng" như lời tác giả nói. Tác giả đặt câu truyện vào trong một cảnh chùa ở miền trung du Bắc Việt và khéo phô diễn những vẻ đẹp thiên nhiên của miền ấy khiến ta đem lòng yêu những cảnh đồi núi nó khác hẳn cái cảnh "bùn lầy nước đọng" miền hạ du phẳng lỳ và buồn tẻ.


Tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng
Tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng
Hồn bướm mơ tiên - Khái Hưng
Hồn bướm mơ tiên - Khái Hưng

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?