Chùa là một công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng. Không chỉ là chốn tĩnh lặng, giúp con người cân bằng tâm hồn giữa chốn phồn hoa đô hội, chùa chiền còn là nơi lưu giữ những dấu tích đặc sắc về kiến trúc, văn hóa, lịch sử…Bạn đang ở Tp. HCM và muốn tìm một ngôi chùa có kiến trúc đẹp nhất tại Tp. HCM để tham quan mà chưa biết địa chỉ nào. Vậy hôm nay hãy cùng toplist tham khảo ngay bài viết dưới đây bạn nhé.
Chùa Giác Lâm
Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam. Chùa tọa lạc tại số 565 đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, và đã được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia của Việt Nam năm 1988.
Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu chùa có tên là Sơn Can (sơn là núi, cang là gò nông), về sau còn được gọi là Cẩm Sơn do chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn.
Được trùng tu lại nhiều lần, mỗi lần như vậy, trong kiến trúc chùa mang thêm những đặc điểm mới, chứa đựng trong nó những ảnh hưởng văn hóa và lịch sử cùa từng thời kỳ. Chúng ta sẽ ngạc nhiên xiết bao với những hàng chén dĩa kiểu bằng sành sứ, với màu men xanh trắng, được cẩn dọc theo đầu hồi nhà, bên trong và cả bên ngoài cũng như trên vòm cửa ra vào. Sự sáng tạo trong mô típ và cách sắp xếp làm cho đường nét trang trí nổi bật hơn, linh động hơn, tránh sự nhàm chán. Tuy biểu lộ phần nào ảnh hưởng kiến trúc và trang trí Tây phương với những chiếc đĩa lớn có hình ngôi giáo đường trong đó, nhưng nó vẫn thể hiện được sắc thái của nghề gốm cổ truyền địa phương vùng Bình Dương với màu men xanh trắng là chủ đạo.
Chùa Xá Lợi
Chùa Xá Lợi là một trong những địa điểm nổi tiếng được nhiều du khách biết đến khi du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chùa được thiết kế theo kiến trúc hiện đại nhưng vẫn mang sắc thái văn hóa dân tộc mang nét đặc thù của đất Sài Gòn. Và hơn thế nữa, nơi đây còn là một điểm thắng tích mang đậm dấu ấn của cuộc đấu tranh giữa Phật giáo đồ chống lại chế độ kỳ thị và đàn áp tôn giáo của Ngô Đình Diệm.
Được khởi công xây dựng vào ngày 5/8/1956 trên diện tích rộng 2500 m2, do Câu lạc bộ Đông Dương nhượng lại với số tiền tượng trưng là một đồng bạc Việt Nam.
Mục đích xây dựng ngôi chùa là để tôn thờ xá lợi Phật tổ và làm hội quán chính thức của hội Phật học Nam Việt. Chùa Xá Lợi mới chỉ trải qua một lần trùng tu duy nhất từ 1999 đến 2001 những giữ nguyên vẻ kiến trúc ban đầu của ngôi chùa.
Có thể nói rằng đây là ngôi chùa lầu đầu tiên ở Sài Gòn mở đầu cho lối kiến trúc mới của Phật giáo ở Việt Nam. Trên Bái đường, dưới Giảng đường và nóc Chính điện có những đầu mái uốn cong truyền thống.
Các hạng mục có trong chùa bao gồm: cổng tam quan, tháp chuông bảy tầng, ngôi chính điện, giảng đường, thư viện, văn phòng Ban quản trị, phòng khách, khu tăng phòng, nhà trai đường, đoàn quán gia đình Phật tử, phòng phát hành kinh sách, nhà vãng sinh và các vườn cảnh.
Ngôi chùa đối với người Việt Nam nói chung và các tín đồ ở Sài Gòn nói riêng thì đây không chỉ nơi thờ tự Phật Giáo mà còn là trung tâm văn hóa giáo dục, địa điểm du lịch thanh tịnh được nhiều du khách tới thăm.
Chùa Nam thiên đệ nhất trụ
Nam Thiên Nhất Trụ - chùa Một Cột được khai sơn ngày 8 tháng 4 năm 1958 bởi Hòa thượng Thích Trí Dũng và một đệ tử tục danh Đỗ Thị Vinh (pháp danh Đức Hiển nay đã xuất gia đầu Phật) đã yểm trợ ngài tạo lập nên.
Chùa được xây dựng phỏng theo kiến trúc và kiểu dáng chùa Diên Hựu đời nhà Lý thế kỉ XI. Vua Lý lập lên ngôi chùa Nhất Trụ ở Thăng Long, Hà Nội để hằng năm xuân thu nhị kỳ, nhà vua ra đó cầu nguyện cho quốc thái dân an.
Chùa Nam Thiên Nhất Trụ được xây dựng mang đậm kiến trúc chùa cổ ở miền Bắc từ cách bố trí thờ phụng cho đến những đường nét hoa văn tinh xảo cũng như trính, xuyên, kèo, mái ngói. Trụ chùa Một Cột đúc vững chãi bằng xi măng cốt thép.
Do đó, chùa Nam Thiên Nhất Trụ được xây dựng với mục đích vừa là di tích lịch sử vừa là danh lam thắng cảnh để nhân dân miền Nam chiêm ngưỡng. Nhìn từ cổng tam quan, chùa Nam Thiên Nhất Trụ tọa lạc ngay giữa lòng hồ Long Nhãn quanh năm nước xanh biếc. Dưới lòng hồ vừa có cá chép vừa có rùa sinh sống, tô điểm thêm cho mặt hồ là những nụ hoa sen hồng với diện tích mặt hồ khoảng hơn 600m2.
Chùa được đặt trên một cột cao khoảng 12m, bên trong chùa thờ Đức Bồ-tát Quán Thế Âm với khói nhang nghi ngút mang đến vẻ trầm mặc, thanh tịnh cho những ai đến đây lễ bái.
Chùa Việt Nam Quốc Tự
Ngôi chùa Việt Nam Quốc Tự tọa lạc trên cơ sở đất bốn mẩu, trước kia là số 16 đường Trần Quốc Toản Sài Gòn nay là 244 đường 3 tháng 2 thành phố Hồ Chí Minh. Đây được xem là trụ sở mới của Thành hội Phật giáo Việt Nam. Không chỉ sở hữu kiến trúc vô cùng độc đáo, mà còn mang đậm kiến trúc tôn giáo. Hàng năm lượng khách đến thăm quan và viếng chùa rất lớn. Vậy bạn đã biết gì về ngôi chùa được xây dựng vào những năm 1964 này?
Chùa Việt Nam Quốc Tự còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động của tăng ni Phật tử vào những dịp quan trọng. Đây sẽ là nơi dùng để tổ chức các sinh hoạt tâm linh, thuyết giảng giáo lý…cũng như giao lưu văn hóa.
Đến với ngôi chùa Chùa Việt Nam Quốc Tự bạn sẽ vô cùng ấn tượng bởi kiến trúc của nó. Chùa được xây dựng kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và pha lẫn chút hiện đại tinh tế. Tuy nhiên nó vẫn giữ được bản sắc của tín ngưỡng tôn giáo.
Với thiết kế bên ngoài vô cùng độc đáo với mái hiên vàng cùng chất liệu đá tự nhiên, còn bên trong là những nội thất hiện đại. Mặc dù vậy nó không hề làm phá vỡ kiến trúc của ngôi chùa, mà chỉ đáp ứng mọi cơ sở vật chất khi có công việc.
Đồng thời đây được xem là trung tâm văn hóa và hành chính của giáo hội Phật giáo. So với năm 1964 chùa chỉ có diện tích 4.000m2 thì hiện nay diện tích này đã lên đến 11.000m2 bao gồm toàn bộ khuôn viên bên ngoài.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm là một danh lam, hiện tọa lạc tại số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần cầu Công Lý), thuộc phường 7, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Chùa được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1971 theo bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Chùa chính xây dựng kiểu chữ “Công”, mặt hướng Đông Bắc, gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Tầng trệt có giảng đường, Tổ đường, văn phòng, phòng khách, phòng chư tăng, cửa hàng pháp khí đồng, cửa hàng phát hành kinh sách…
Ở lầu chính, sân thượng khá rộng. Bái điện là một tòa vũ nguy nga dài 35m, rộng 22m. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, thờ Thích Ca Tam Tôn, chính giữa thờ đức Phật Thích Ca cao 7m, hai bên thờ Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền, mỗi tượng cao khoảng 5m. Ở sát vách hai bên có đặt bốn pho tượng đồng bốn vị đệ tử của đức Phật Thích Ca: Xá Lợi Phất (trí tuệ đệ nhất); Mục Kiền Liên (thần thông đệ nhất); A Nan (đa văn đệ nhất); La Hầu La (mật hạnh đệ nhất). Ở đây có những công trình chạm gỗ như: bao lam tứ linh, bao lam cửu long, phù điêu trên các hương án (chạm những ngôi chùa nổi tiếng trong nước và các nước Châu Á) được các nghệ nhân Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Du, Bá Nhâm... thực hiện vào những năm 1960.
Tại chánh điện đặt sáu bức phù điêu La Hán: Khuyến Học La Hán, Thuyết Pháp Văn Pháp La Hán, Đạo Sơn Địa Ngục Tiếp Hóa La Hán, Cúng Dàng La Hán, Cúng Dàng Bố Thí La Hán, Đại Hàn Địa Ngục Tiếp Hóa La Hán, là các bản chạm khắc gỗ dựa vào bản chính của phái Tịnh Độ Nhật Bản. Ở hàng hiên, trước lối vào chánh điện, mỗi bên có một pho tượng Kim Cương lớn.
Sau điện Phật là điện Địa Tạng. Ở đây có đặt tượng thờ Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Quan Âm, Hộ Pháp và các bàn thờ hình ảnh, linh vị chư Phật tử quá cố. Ở bên trái chùa, còn có một tòa nhà lớn: tầng trệt là Thanh trai đường, tầng giữa là Tăng khách đường và tầng trên cùng là Thiền đường.
Chùa là ngôi danh lam ở thành phố hiện nay. Hằng ngày, chùa đã đón tiếp nhiều Phật tử, du khách trong nước, nước ngoài đến tham quan, chiêm bái.
Chùa Bửu Long
Nằm trên một ngọn đồi phía tây ngạn sông Đồng Nai, chùa Bửu Long tọa lạc tại số 81 Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km. Mới đây, chùa Bửu Long (TP.HCM) được xướng tên trong 10 ngôi chùa có thiết kế đẹp nhất thế giới. Địa danh linh thiêng này thu hút du khách bởi nét kiến trúc lộng lẫy, đẹp mắt.
Thành lập năm 1942, đến năm 2007, chùa Bửu Long được đầu tư xây dựng và trùng tu, trở thành công trình kiến trúc tiêu biểu cho sự kết hợp giữa tinh hoa kiến trúc nhà Nguyễn và văn hóa Đông Nam Á. Ngôi chùa nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km. Từ xa, du khách có thể nhận diện qua hình ảnh ngọn bảo tháp màu vàng rực rỡ, nổi bật trên nền trời.
Nơi đây khá độc đáo, giống với kiến trúc ở xứ sở chùa vàng nên người dân xung quanh gọi là chùa Thái Lan. Tuy nhiên, màu sắc văn hóa Việt Nam vẫn in đậm trong mọi ngóc ngách từ họa tiết chạm trổ đến các bức tượng rồng uy nghi. Chùa đón khách từ sáng đến 11h, sau đó 14h mới mở lại. Bạn nên tận dụng khoảng thời gian buổi sáng không khí mát mẻ, trong lành để có những hình ảnh check-in đẹp nhất.
Khuôn viên được xây dựng hoàn toàn dựa theo thiết kế của trụ trì Thích Viên Minh với hồ nước xanh ngọc, tĩnh lặng phía trước chánh điện. Gotama Cetiya là bảo tháp chính có quy mô lớn nhất Việt Nam, cao 56 m và 4 tháp xung quanh. Nơi này lấy màu trắng làm chủ đạo, kết hợp cùng gam vàng rực rỡ ở phần chóp mang hơi hướm Thái Lan. Đây cũng là background sống ảo được nhiều bạn trẻ lựa chọn khi có cơ hội ghé chùa.
Bảo tháp có tổng sức chứa trên 2.000 người gây ấn tượng bởi kiến trúc chạm trổ rất tinh tế. Để có một bức ảnh sống ảo độc đáo, bạn đừng quên chọn check-in tại nhiều góc khác nhau. Chùa luôn thanh tịnh với tiếng chuông gió leng keng trên đỉnh tháp và tiếng nước róc rách từ hồ khu vực chánh điện, vì vậy, bạn cần lưu ý đi nhẹ nói khẽ, giữ gìn trật tự chung khi đến thăm nơi này.
Vì nằm cách xa trung tâm thành phố, giữa núi rừng thiên nhiên thoáng đãng, ngôi chùa lớn luôn hòa hợp với cây cối xung quanh. Nơi đây được rất nhiều người lựa chọn làm điểm đến chay tịnh để ngồi thiền, hay chỉ đơn giản là ngắm nhìn khung cảnh bình yên, tạm quên đi những xô bồ của cuộc sống hối hả.
Chùa Vạn Đức
Chùa Vạn Đức tọa lạc số 234 đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Chùa do HT.Thích Trí Tịnh, đời thứ 41 dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ, hiện là Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, khai sơn năm 1954.
Chùa Vạn Đức có nguồn gốc từ một ngôi nhà xưa do thí chủ Nguyễn Thị Hương hiến cúng. Sau khi tiếp nhận, Hòa thượng đã xây dựng lại thành chùa và đặt hiệu là “Vạn Đức tự”. Kể từ đó, chùa được mở rộng vào các năm 1964, 1989, 1993 và từ năm 2003 đến năm 2005, đại trùng tu toàn bộ ngôi chùa, trở nên khang trang như ngày nay.
Chùa nằm trên khu đất rộng, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Kiến trúc chùa bao gồm cổng tam quan, chánh điện và đài Liên hoa. Tam quan xây ba tầng, mái lợp ngói lưu ly màu xanh, trên các đầu đao có gắn hoa văn hình hoa sen cách điệu, nóc gắn hình “lưỡng long chầu Pháp luân”. Qua khỏi tam quan là khoảng sân rộng trồng các loại cây kiểng, bon sai, tạo cảm giác mát mẻ và thanh tịnh. Bên trái sân chùa có cội bồ đề rợp mát. Đối diện cội bồ đề là một ao sen, giữa có đài Liên hoa vọt lên khỏi mặt nước, bên trong tôn trí tượng Quan Thế Âm Bồ tát. Phía sau sân chùa là những hàng cau cảnh và những bụi trúc xanh um, trông giống như một bức tranh thủy mặc sống động…
Chùa Vạn Đức xây bằng vật liệu vĩnh cửu với kỹ thuật hiện đại. Toàn thể ngôi chùa được đúc bằng bê-tông, tường gạch, móng cọc nhồi. Nền chùa và các bệ thờ đều dán đá granit màu xám. Tất cả các cửa và cầu thang đều làm bằng thép trắng. Hoa văn trang trí được đúc bằng xi-măng hoặc kết bằng các mảnh gạch men, vừa mang tính truyền thống nhưng lại tân kỳ. Tòa chánh điện chùa Vạn Đức cao 43,5m, được xem là ngôi chùa có chánh điện cao nhất hiện nay, nhìn từ xa trông giống như một ngọn tháp chín tầng và hai tháp nhỏ năm tầng nhưng bên trong chỉ có hai tầng chính.
Ngoài giá trị về mặt thẩm mỹ, công trình còn là một kiểu mẫu cho nghệ thuật tạo hình trong kiến trúc hiện đại. Đặc biệt, ngôi chánh điện cao nhất nước đã được xác lập kỷ lục Phật giáo Việt Nam…