Nhiều bậc phụ huynh gần đây đang rất quan tâm về vấn đề cách thức dạy trẻ. Bài viết sau sẽ chỉ ra những ‘căn bệnh quái đản’ trong cách dạy trẻ thông qua 10 vấn đề ngược đời và trái khoáy trong cách dạy trẻ tại Việt Nam cả ở gia đình, trong trường học và ngoài xã hội được liệt kê bởi ông Nguyễn Tuấn Hải, chủ một số cơ sở đào tạo giáo dục cho trẻ em ở Hà Nội.
Nuôi con thật tốt, thật chăm chút sao cho con béo mới là khỏe mạnh, đó cũng chính là một trong những cách tiếp cận dinh dưỡng và giáo dục thể chất vô cùng sai lầm của các bố mẹ ở Việt Nam. Trên thực tế, trẻ không cần béo hay thậm chí không được phép béo vì khi đó sẽ khiến cho trẻ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm hơn.
Ở Pháp, người ta có thể tước quyền nuôi con của cha mẹ nếu họ để cho con mình thừa cân quá mức so với quy định. Rõ ràng họ muốn cảnh báo với các bậc cha mẹ rằng thừa cân là một căn bệnh nghiêm trọng. Trẻ con cần vận động hơn là cần ăn. Và vận động mới là thứ cần nhất cho một đứa trẻ. Cả vận động về cơ bắp lẫn vận động về não bộ.
Nhiều phụ huynh, nhiều trường học tại Việt Nam thường không để cho con trẻ ra ngoài khi trời mưa hay sẽ hủy luôn các chuyến đi học tập dã ngoại của trẻ vì sợ sẽ có nhiều điều xấu xảy ra khi thời tiết không thuận lợi như vậy. Thế nhưng, người Nhật lại coi đây là cơ hội để rèn cho trẻ sự cứng cỏi cũng như khả năng thích nghi cho bản thân mình. Thậm chí họ còn đưa trẻ đi học khi chúng bị ốm để chúng có thể quên việc bị ốm và nhanh chóng hồi phục. Tất nhiên khi ốm nặng hay bị bệnh truyền nhiễm sẽ là những ngoại lệ.
Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn Việt Nam, đa số đều không có ý thức tự giác cũng như sử dụng đúng cách mọi thứ nơi công cộng: Không biết xếp hàng khi đi vệ sinh công cộng, không biết giữ vệ sinh chung, rửa tay làm vung vãi nước,... Từ những điều nhỏ nhặt này thôi cũng sẽ tạo thành thói quen xấu khi trẻ bước vào xã hội lúc trưởng thành, nên phụ huynh cần thật sự lưu ý.
Vào ngày 30 tết, VTV đăng chuyện một người cha lớn tuổi từ Nam Định lên Hà Nội làm thuê vất vả đến mức quên cả Tết để kiếm đủ tiền nuôi con đang học... đại học. Mà không phải đứa con đi làm tự nuôi mình chứ chưa nói tới chuyện nuôi cha. Chuyện cha mẹ không chịu để cho con mình lớn chính là căn bệnh ung thư trầm kha nặng nề vô cùng của xã hội ta.
Nhiều bố mẹ xem việc phục vụ hay làm hộ con một cách mù quáng lại chính là niềm vui hay trách nhiệm, thậm chí đơn thuần là sự quan tâm hay bù đắp một điều gì đó cho con. Tuy nhiên, đó thật sự là sai lầm ngoài sức tưởng tượng. Những đứa trẻ được lớn lên cần phải được học hỏi, tiếp thu, tự giác để có thể làm chủ tương lai sau này chứ không cần sự phục vụ một cách mù quáng như thế.
Chúng ta bắt con cá phải biết leo cây và con khỉ phải biết bơi dưới nước.
Nhiều bậc phụ huynh luôn mong muốn con của mình cái gì cũng phải biết, để bằng bạn bằng bè. Con nhà người ta học được hoặc học giỏi cái gì thì mình cũng muốn, thậm chí là bắt con làm được điều đó tốt hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, nhưng không hề biết được thái độ của trẻ có mong muốn và sẵn sàng hay không. Chính sự ép buộc này đã khiến nhiều trẻ có lối đi sai lầm và không phù hợp khi trưởng thành ra ngoài xã hội.
Toán học dĩ nhiên là vô cùng quan trọng và tất cả mọi người đều phải học và nắm chắc những điều căn bản của nó. Thế nhưng việc cho rằng trẻ con phải học Toán giỏi làm nền móng cho các môn học còn lại và giúp cho trẻ trở nên sáng tạo là một điều hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ, sáng tạo và tư duy của mỗi đứa trẻ có thể được rèn luyện qua sự học hỏi và tiếp xúc với mọi thứ trong cuộc sống. Nếu như trẻ chỉ giỏi Toán mà không biết tiếp thu những điều thú vị cũng như tìm tòi mọi thứ xung quanh thì làm sao có thể có tư duy và sáng tạo được.
Các bậc phụ huynh cần chú ý rằng: con trẻ học giỏi là tốt thế nhưng nếu trẻ chỉ biết học hay chỉ biết học giỏi thôi thì không hề tốt chút nào. Vì trên thực tế, rất hiếm những đứa trẻ có thể học giỏi một cách toàn diện. Con chỉ cần học giỏi thôi, đó chính là một lối suy nghĩ kỳ quặc của rất nhiều bố mẹ ở Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta đang đào tạo ra những con gà công nghiệp cùng những con robot vô cảm và cả các chiến binh thi cử, không hơn không kém.
Để tránh những suy nghĩ tiêu cực đó, bố mẹ cần cho trẻ tham gia nhiều các trò chơi vận động cũng như các hoạt động xã hội và được theo học các lớp về kỹ năng ngay còn bé, để rèn luyện cho trẻ trở thành người giỏi một cách toàn diện và có ích cho cộng đồng.
Đây là cách mà các phụ huynh, giáo viên và nhà trường đang tự ý phán xét trẻ, thậm chí còn dạy cho trẻ sẵn sàng phán xét nhau, gây ra những hiểu lầm và nhận thức không đúng đắn.
Đó chính là sự ích kỷ tai hại mà chúng ta tạo ra cho các con của mình qua bao năm qua. Chúng ta khuyến khích trẻ trở thành một cái cây đơn lẻ vươn lên tìm ánh nắng chỉ cho riêng mình. Cạnh tranh không phải là tạo động lực cùng phát triển và tiến lên mà lại là cùng nhau kéo nhau xuống thậm chí dẫm đạp lên nhau mà vượt lên. Tinh thần và ý thức cộng đồng của chúng ta cũng vì thế mà là con số không. Tranh giành nhau đường đi hay khoảng trống trên đường giao thông, hay thậm chí là tranh cướp nhau trong các lễ hội đều là những biểu hiện sinh động cho điều này.
Làm con ngoan trò giỏi mang một sứ mệnh cao cả là làm đẹp mặt cho bố mẹ và cả nhà. Thành tích cũng như giải thưởng mà trẻ đạt được thông qua các cuộc đua đường trường và đường dài có một vai trò cực lớn khiến cha mẹ cảm thấy tự hào và để khoe, chẳng khác nào là một thứ trang sức vô cùng quý giá. Tuy nhiên, trẻ giỏi là một điều, nhưng trẻ có tư duy, có chính kiến của mình và tự lực bản thân để làm mọi thứ mình muốn trong tương lai mới là điều quan trọng. Không cần bất cứ bố mẹ hay người thân nào khoe về những thành tích của trẻ mà điều đó là hiển nhiên mới thật sự đáng tự hào.