Top 10 đặc sản Long An ngon nhất không thể bỏ qua

Long An là một tỉnh thuộc miền đồng bằng sông Cửu Long, tuy không phải là điểm du lịch quen thuộc nhưng cũng là một nơi có nhiều điều để khám phá. Đến với mảnh đất miền tây này, bạn không chỉ biết thêm các cảnh đẹp mà còn được thưởng thức nhiều món ăn nổi tiếng. Hãy cùng Toplist điểm qua những đặc sản ngon nhất không thể bỏ qua khi đến Long An nhé!

Lạp xưởng tươi

Lạp xưởng tươi Long An nổi tiếng bởi nạc nhiều, mỡ ít, ăn nhiều cũng không bị ngán, có thể chiên lên ăn hoặc nướng trên bếp than. Đến Long An, không khó để tìm thấy những dây lạp xưởng được treo lủng lẳng khắp các gian hàng, nhiều nhất là vào những ngày tết đến xuân về. Những chiếc lạp xưởng bóng lưỡng nhìn thôi đã muốn ăn luôn khiến du khách không thể cưỡng lại.


Lạp xưởng được làm ban đầu từ những thớ thịt vụn trong lò mổ, sau đó dần trở thành món ăn đặc biệt của người dân và nguyên liệu cũng được thay bằng những miếng thịt lợn ngon nhất. Với bí quyết pha trộn độc đáo, lạp xưởng tươi Long An đã trở thành món đặc sản nổi tiếng được nhiều người biết và là món quà biếu thích hợp cho những vị khách đến thăm nơi đây.


Địa chỉ tham khảo:

  • Cơ sở lạp xưởng Bảy Hưởng - số 6 ấp 1A Tân Trạch, Cần Đước, Long An
  • Cửa hàng Hồng Thu - số 196 ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Lệ, Cần Đước, Long An
    Hình ảnh lạp xưởng tươi Long An
    Hình ảnh lạp xưởng tươi Long An
    Lạp xưởng Long An hấp dẫn
    Lạp xưởng Long An hấp dẫn

    Dưa hấu Long Trì

    Dưa hấu là loại trái cây được rất nhiều người ưa chuộng và quen thuộc với tất cả mọi người. Chúng được trồng ở nhiều nơi với số lượng lớn, tuy nhiên điều đặc biệt làm dưa hấu Long Trì trở nên khác biệt và nổi tiếng nằm ở đất trồng. Đất Long Trì có địa hình cao, nhiều khoáng chất nên làm cho quả dưa hấu ngọt mát hơn rất nhiều.


    Dưa hấu Long Trì có vỏ mỏng, vị thanh ngọt tự nhiên, ít hạt và bảo quản được lâu, chính những điều đó đã làm cho nhiều người yêu thích giống dưa được trồng bởi mảnh đất này.


    Ghé thăm Long An, đừng quên thưởng thức vị ngọt thanh của dưa hấu nơi đây và mua về làm quà bạn nhé.


    Địa chỉ tham khảo: Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An


    Hình ảnh dưa hấu Long Trì
    Hình ảnh dưa hấu Long Trì
    Dưa hấu Long Trì có ruột đỏ thẫm
    Dưa hấu Long Trì có ruột đỏ thẫm

    Lẩu mắm Long An

    Lẩu mắm vẫn là món ăn khá mới lạ đối với nhiều người, nhưng nó lại là đặc sản của người dân miền Tây nói chung và Long An nói riêng. Về Long An mà không ăn lẩu mắm ở đây thì thật là một thiếu sót lớn.


    Lẩu mắm Long An được chế biến vô cùng đặc biệt với nguồn nguyên liệu dồi dào từ biển, sông, ao, hồ, đồng ruộng....gồm cá, tôm, cua, mực, heo, bò... Ăn cùng với lượng cá thịt phong phú đó là rất nhiều loại rau khác nhau: rau muống, giá đỗ, rau cải, dưa chuột, thơm,... và đặc biệt là rau dừa - loài rau đặc trưng của miền Tây. Người lần đầu tiên nhìn thấy nồi lẩu mắm chắc chắn sẽ bất ngờ với lượng thức ăn đồ sộ ấy.


    Nước lèo của lẩu mắm được chưng từ nhiều vị mắm khác nhau, tạo nên một mùi vị mới lạ mà người dân Long An có bí quyết riêng về khâu chế biến.


    Lẩu mắm thường được ăn chung với bún, với hương vị hòa quyện từ nhiều loại thực phẩm khác nhau, nó có vị mặn, cay, ngọt hấp dẫn. Tuy lẩu mắm đang dần phổ biến hơn, có nhiều nơi cũng bắt đầu kinh doanh, song lẩu mắm Long An vẫn mang một nét riêng đậm đà mà khó có ở nơi khác.


    Lẩu mắm Long An vô cùng hấp dẫn
    Lẩu mắm Long An vô cùng hấp dẫn
    Lẩu mắm có nguyên liệu đồ sộ
    Lẩu mắm có nguyên liệu đồ sộ

    Thịt lợn muối chua

    Thịt lợn muối chua là một món ăn bắt nguồn từ phong tục của người Mường thường xuất hiện ở các dịp lễ tết, hội hè hay cưới hỏi. Để làm được món này, đòi hỏi phải biết cách chế biến kỳ công đặc biệt bởi nó được kết hợp từ nhiều loại lá rừng như lá mít, quế, trầu không... bên cạnh thịt lợn.


    Thịt lợn dùng để muối chua cần phải được chọn lựa kỹ lưỡng để có thể làm nên chất lượng tốt nhất, ngon nhất. Người ta hay chọn thịt của lợn choai được nuôi theo kiểu thả rông dài ngày để đảm bảo độ chắc thịt. Sau khi cắt thịt lợn thành từng miếng, ướp muối và giềng khô được giã nhỏ, trộn với rượu nếp cái và ủ với lá rừng. Chỉ một đến hai tuần sau đã có thể mở ra và thưởng thức món thịt lợn muối chua đặc biệt này rồi.


    Thịt lợn muối chua Long An có mùi vị đặc biệt, vừa bùi vừa ngậy, vừa có vị mặn của muối và vị chua của men rừng, tất cả hòa quyện lại tạo nên một món đặc sản hấp dẫn. Vì vậy mà không khó để tìm mua món này ở trong các chợ lớn của tỉnh Long An.


    Thịt lợn muối chua ở Long An
    Thịt lợn muối chua ở Long An
    Món ăn độc đáo không thể bỏ qua
    Món ăn độc đáo không thể bỏ qua

    Mắm còng Cần Giuộc

    Mắm còng Cần Giuộc là một trong những món đặc sản độc đáo nhất của vùng Nam Bộ nói chung và của Long An nói riêng.


    Ở các bãi bồi của các huyện Cần Giuộc, Cần Đước có nhiều loại thủy sản, tiêu biểu là còng. Còng là nguyên liệu chính của loại mắm này, thịt còng ngon nhất là loại còng được thu về vào ngày mùng 5 tháng 5. Quy trình làm mắm còng không quá phức tạp nhưng cần có sự tỉ mỉ và mất khá nhiều thời gian. Người dân rửa sạch còng rồi đâm nhuyễn với muối rồi đem phơi khô ngoài nắng, sau 3-4 ngày thì vắt để lấy cốt rồi lại phơi nắng cho đến khi mắm keo lại.


    Mắm còng có hương vị riêng rất lạ và độc đáo, nếu mới đầu nếm thử có lẽ nhiều người sẽ ngại ngùng vì vị lạ nhưng càng ăn lại càng ghiền. Mắm còng dùng để ăn cùng với bún, rau,...và là món ăn đậm đà của người dân Nam Bộ. Nếu đã ghé thăm Long An, đừng quên nếm thử vị mắm còng và mua về làm quà cho người thân bạn nhé.

    Địa chỉ tham khảo: Ấp Hòa Thuận 1, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

    Loại mắm được làm từ còng
    Loại mắm được làm từ còng
    Hình ảnh mắm còng
    Hình ảnh mắm còng

    Rượu đế Gò Đen

    Rượu đế Gò Đen được gọi là "đệ nhất tửu" đối với người dân Nam Bộ và được nhiều người sành rượu yêu thích. Được biết là loại rượu có từ thời Pháp thuộc tại Gò Đen - địa danh nổi tiếng của huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

    Người dân nơi đây đã sáng tạo ra cách nấu rượu độc đáo, đó là nấu trong những đám cỏ đế thân cao, sau khi nấu xong thì rót vào bong bóng trâu, lợn để dự trữ và vận chuyển đem bán.


    Muốn làm ra rượu đế ngon nhất, chất lượng nhất đòi hỏi người làm phải thật tỉ mỉ trong từng bước nấu. Rượu Gò Đen chính hãng phải được làm từ những loại nếp của địa phương như nếp mở, nếp hương, nếp thổ địa... Sau khi nấu xong, rượu được cất kĩ trong hủ sành và ngâm hơn 100 ngày mới được dùng.


    Rượu đế Gò Đen đã trở thành đặc sản luôn có trong những bữa tiệc ở nơi đây và là món quà biếu khách tình cảm của người dân Long An.


    Địa chỉ tham khảo: Làng rượu Gò Đen, thị tứ Gò Đen, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An


    Hình ảnh chai rượu đế Gò Đen
    Hình ảnh chai rượu đế Gò Đen

    Canh chua cá chốt

    Đối với người dân Việt Nam giản dị mộc mạc thì món canh chua đã quá quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, nhưng ở Long An canh chua lại là một món ăn nổi tiếng, là đặc sản của vùng quê này.


    Canh chua cá chốt Long An đặc biệt bởi nguyên liệu chính là cá chốt - một loài cá có da trơn, kích thước không lớn, to nhất chỉ ở mức 1kg. Cá chốt sống nhiều ở vùng Tây Nam Bộ, không khó để tìm được chúng ở miền này. Cá chốt được dùng để chế biến nhiều loại món ăn như kho sả ớt, kho tộ, chiên,...nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh chua. Người dân Long An rất biết cách lựa cá để nấu canh, họ chọn những con chất lượng, còn tươi và nhiều trứng. Nguyên liệu chỉ gồm cá chốt, lá me non, đậu bắp, cà chua và rau thơm, nhưng bằng cách chế biến riêng, món canh chua cá chốt đã trở thành đặc sản nơi đây.


    Canh chua cá chốt có vị vừa béo vừa bùi của cá chốt, vị me non hơi chua và mùi rau thơm hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn ngon đậm đà.


    Ở Long An bạn có thể dễ dàng tìm thấy món canh chua này ở hầu như tất cả các quán ăn.


    Canh chua có hương vị đậm đà
    Canh chua có hương vị đậm đà
    Món ăn thơm ngon từ cá chốt
    Món ăn thơm ngon từ cá chốt

    Bánh tét Long An

    Bánh tét là loại bánh quen thuộc đối với người dân Việt Nam vào mỗi dịp tết đến xuân về, miền Bắc thường gắn liền với bánh chưng còn miền Nam thì nhắc đến bánh tét. Nhưng ở mỗi nơi, cách làm và hương vị lại mang một cái riêng.

    Bánh tét Long An nổi tiếng bởi nó có những điều đặc biệt so với các vùng miền khác. Long An là nơi có nhiên liệu gạo nếp ngon, ngoài ra khi nấu người dân nơi đây còn trộn nếp với dừa nạo hoặc nước cốt dừa nên đem đến cho cái bánh tét một mùi vị khó cưỡng.

    Bánh tét Long An có vị mặn và vị ngọt, còn có nhiều loại nhân cho du khách lựa chọn theo sở thích của mình như nhân đậu, nhân chuối, nhân dừa... Hơn thế nữa, màu sắc đa dạng cũng là một trong những nguyên nhân khiến bánh tét ở đây được nhiều người ưa thích, màu xanh từ lá ngót, màu tím từ lá cẩm và màu đỏ từ gấc. Mỗi loại ăn vào lại cảm nhận được một mùi vị khác nhau từ các loại nhân.

    Bánh tét ở Long An không chỉ tết mới có mà được làm bán quanh năm để phục vụ nhu cầu của mọi người. Bởi có lẽ đây là món ăn mà không ai có thể bỏ qua khi ghé thăm miền Tây và ngang qua mảnh đất này.


    Địa chỉ tham khảo: Xóm bánh tét ở Khu phố 2, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

    Màu sắc bắt mắt của bánh tét Long An
    Màu sắc bắt mắt của bánh tét Long An
    Món ăn hấp dẫn ở Long An
    Món ăn hấp dẫn ở Long An

    Gạo nàng thơm chợ Đào

    Gạo nàng thơm chợ Đào là một loại gạo nổi tiếng ở Long An, nó gắn liền với sự tích về tình yêu của chàng Lúa và nàng Thơm ở mảnh đất chợ Đào. Loại gạo này có hương thơm mà không có loại gạo nào khác so sánh được. Hạt thon dài, có mùi thơm đặc biệt ngào ngạt, cho dù để trong bao ni lông vẫn nghe thấy, để mấy tháng vẫn không hết thơm. Khi nấu lên thì vừa dẻo vừa thơm, hạt cơm mềm, có vị thanh ngọt, ăn ngon miệng.

    Gạo nàng thơm chợ Đào quý bởi chỉ ở đây mới có thể trồng được mà thôi. Mỗi vụ mùa kéo dài 6 tháng vào thu đông, loại gạo này chỉ trổ bông vào ngày tiết đông chí. Cứ tháng 6, tháng 7 tiến hành gieo mạ thì cuối tháng chạp mới có thể gặt hái. Mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Đây cũng chính là điều đặc biệt khiến cho loại gạo này càng quý hơn. Bởi vậy người nông dân thường để dùng hoặc biếu cho người thân chứ ít bán ra thị trường với số lượng lớn.


    Địa chỉ tham khảo: Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An

    Gạo nàng thơm chợ Đào
    Gạo nàng thơm chợ Đào
    Cơm nấu từ gạo nàng thơm chợ Đào
    Cơm nấu từ gạo nàng thơm chợ Đào

    Cá lóc nướng trui

    Cá lóc nướng trui là món ăn dân dã nhưng cực kì thơm ngon và đặc biệt của vùng đất miền Tây sông nước này. Như cái tên người ta hay gọi, nướng trui là nướng trực tiếp con cá lóc không qua sơ chế trước khi nướng, bỏ qua những công đoạn đánh vảy hay tẩm ướp gia vị. Công đoạn đơn giản chỉ cần dùng một xiên que cắm từ miệng đến hết thân cá rồi phủ rơm nướng cho đến khi có mùi thơm tỏa ra và rơm vừa cháy hết. Sau khi cá chín, cạo lớp vảy đen và rưới chút mỡ hành là đã có một món ăn thơm ngon, béo giòn.


    Cá lóc nướng trui thường được cuốn với bánh tráng với rau, bún, dưa leo kèm với nước mắm me. Hay chỉ cần gỡ thịt ra và chấm muối ớt thôi đã cảm nhận được vị thơm ngon đặc biệt của nó, vừa béo vừa cay, vừa mặn vừa ngọt.

    Đến Long An mà không nếm thử cá lóc nướng trui thì quả thật là một điều tiếc nuối.


    Địa chỉ tham khảo: Quán lẩu và nướng cá Chèo Bẻo ( 496 QL1A, Phường 4, Tân An, tỉnh Long An)

    Món cá lóc vô cùng hấp dẫn
    Món cá lóc vô cùng hấp dẫn
    Cá lóc ăn cùng rau và mắm me
    Cá lóc ăn cùng rau và mắm me

    Bình luận

    Có Thể Bạn Quan Tâm ?