Nhắc đến vùng Tây Nam Bộ. Mọi người không chỉ biết với những con sông, kênh rạch với chợ nổi cùng dòng người mua bán tấp nập trên sông mà ở đây còn nổi tiếng với các văn hóa truyền thống của các tỉnh và các lễ hội đặc trưng nổi tiếng ở từng vùng. Dưới đây Toplist sẽ giới thiệu một số lễ hội nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ để cho du khách có thể lựa một vài điểm du lịch ưng ý nhé.
Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam
Lễ hội Bà Chúa Xứ còn gọi là Vía Bà được diễn ra ở miếu bà tọa lạc tại chân Núi Sam, thành phố Châu Đốc, An Giang. Hằng năm lễ được tổ chức vào ngày 23/4 - 27/4 âm lịch nhưng ngày Vía Bà chính là ngày 25/4 vì đây là ngày phát hiện ra tượng bà. Hằng năm cứ vào mùa lễ thì có hàng trục khách thập phương từ xa đến đây để cúng bái với ý nguyện cầu cho một năm ấm no, mọi tai ương đều qua hết. Lễ được bắt đầu từ ngày 23/4 cho đến 0h đêm hôm đó du khách sẽ được xem nghi thức tắm bà bằng nước mưa pha với nước hoa và thay y phục mới cho bà. Hôm sau du khách sẽ được xem lễ rước bà từ đỉnh núi xuống bằng chín cô gái đồng trinh, đó chỉ là lặp lại cảnh rước bà khi xưa. Bên cạnh những lễ hội đặc sắc đó còn có Văn hóa nghệ thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén... Đây là một lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc và còn là di tích lịch sử và kiến trúc quan trọng của tỉnh và cả khu vực. Năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia.
Vào những năm 1820, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu biên giới nước ta. Khi đến núi Sam, trông thấy tượng Bà, chúng hì hục dùng đủ mọi cách để khiêng tượng Bà xuống núi, nhưng khi vừa đi được một đoạn ngắn thì kì lạ thay, tượng Bà bỗng nặng trĩu đến cả chục binh sĩ trai tráng cũng không thể bê nổi. Khi đó, một tên trong đám giặc nổi giận, đạp vào cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay lập tức bị trừng phạt đau đớn. Một thời gian sau, nhiều người trong làng luôn mơ thấy tượng Bà hiện về tự xưng là Bà Chúa Xứ, báo mộng dân làng khiêng bà xuống núi lập miếu thờ, bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, bảo vệ dân làng khỏi nạn giặc cỏ. Vậy là cả làng lên khiêng tượng Bà Chúa Xứ xuống núi để xây miếu thờ cúng, nhưng không hiểu sao tất cả thanh niên lực lưỡng trong làng cũng không thể bê tượng Bà lên. Khi ấy, một cô gái tự xưng là Chúa Xứ Thánh Mẫu và báo rằng Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh khiêng bà. Quả nhiên, 9 cô gái di chuyển Bà một cách dễ dàng và khi xuống đến chân núi, tượng Bà trở nên nặng không thể di chuyển được, dân làng hiểu rằng Bà đã chọn vị trí này để làm miếu cho mình.
Lễ Đôn Ta - Dolta
Lễ Đôn Ta còn được gọi là lễ “Xá tội vong nhân” là ngày lễ của người Khmer tổ chức. Lễ Đôn-ta là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer, còn được gọi là lễ cúng ông bà (Píth-sên đôn-ta). Lễ có ý nghĩa giống với lễ Vu Lan của người Việt nên còn được gọi là lễ "Xá tội vong nhân". Đây là lễ được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống, tạo nên sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cả cộng đồng. Tổ chức trong suốt ba ngày, hàng năm, từ ngày 29 tháng tám đến mùng 1 tháng chín âm lịch. Trong ba ngày Đôn-ta có nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán diễn ra đan xen với nhau.
Nếu như người kinh mình có lễ Vu Lan thì người Khmer cũng có lễ Đôn Ta là lễ cúng ông bà tổ tiên diễn ra trong 3 ngày từ 29/8 đến 1/9 âm lịch hằng năm. Theo phong tục của dân tộc người Khmer không tổ chức ngày giỗ hằng năm cho người chết vì vậy họ tổ chức lễ nhằm để tưởng nhớ người thân ông bà đã khuất và cầu phước cho những người còn sống. Vào những ngày này trong phum sóc người Khmer cúng ông bà đã quá cố, tiếp theo họ sẽ tặng quà ông bà, cha mẹ còn sống, xong sẽ đến bữa cơm sum họp gia đình. Họ còn lên chùa làm lễ nhưng trước khi đi họ thắp nhang cầu mời ông bà đã khuất cùng lên chùa làm lễ. Trong thời gian diễn ra lễ Đôn Ta, tại các chùa sẽ có nhiều tiết mục văn nghệ, nhạc ngũ âm, nhiều trò chơi vui dân gian, múa Lâm - thol... góp phần ngày lễ trở nên phấn khởi và vui tươi. Đặc biệt ở An Giang vùng đất Bảy Núi này còn diễn ra lễ hội đua bò truyền thống thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội Nghinh Ông hay lễ hội Nghinh Ông Thủy Tướng là lễ hội có truyền thống đâu đời của ngư dân miền duyên hải, và của những người đi biển. Đây là một lễ hội tưởng nhớ công ơn của loài cá voi - vị thần Đại tướng quân Nam Hải đã nhiều lần cứu giúp người dân vượt qua sóng to gió lớn ở ngoài biển khơi. Hằng năm lễ hội được tổ chức trong vòng ba ngày. Nhưng lại không thống nhất về thời gian giữa các địa phương. Ví dụ ở Bình Đại, Bến Tre lễ hội được cử hành vào ngày 16/6 âm lịch, còn ở Thắng Tam thì 16/8 âm lịch. Đi dọc theo miền duyên hải Nam Bộ du khách sẽ bắt gặp nhiều ngôi đền, miếu thờ cá ông, đặc biệt nhất là ở đình thờ cá Ông ở xã Cần Thạnh có bộ xương cá Ông dài đến 12m, ở Vũng Tàu có bộ xương dài tới 25m.
Lễ hội nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh "Ông", lễ nghinh ông Thủy tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên. Ở mỗi địa phương, lễ hội nghinh Ông diễn ra vào một thời điểm khác nhau. Trước ngày lễ hội đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá lớn nhỏ của ngư dân đã được trang trí cờ hoa neo đậu sẵn để thực hiện nghi thức rước Ông ra biển cùng các lễ cúng của ngư dân rất trang trọng. Bên cạnh đó các ngư dân còn mời thỉnh lẫn nhau, kể cả khách từ nơi xa đến đây tham quan cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình với nhau. Phải nói đây là một lễ hội đậm đà, mang bản sắc thuần phong mỹ tục sâu sắc nhất của miền Tây Nam Bộ.
Lễ hội đua bò Bảy Núi
Lễ hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội của đồng bào dân tộc người Khmer mang đậm nét bản sắc văn hóa dân gian và là một môn thể thao độc đáo ở vùng Bảy Núi. Được tổ chức vào dịp lễ Dolta của người Khmer, vào ngày 30/8 âm lịch hằng năm ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Người ta sẽ lựa chọn một cặp bò nhanh nhẹn nhất, khỏe mạnh nhất. Và chăm sóc cho chúng được nghỉ ngơi tập luyện, ăn uống theo chế độ, sau 2 tháng cặp bò này có thể ra trận đua và có cả người điều khiển nữa. Sau khi đôi bò nào được giành giải cao nhất trong năm thì chúng được coi như một tài sản quý báu của gia đình và cả làng phum sóc. Vì chúng sẽ đem lại may mắn trong việc gieo trồng và đem lại cho người dân nơi đây một mùa bội thu, nhà nhà no ấm. Hằng năm vào dịp lễ hội đua bò náo nhiệt và hấp dẫn ở nơi này thu hút hàng ngàn du khách ghé thăm và các tỉnh lận cận đã có mặt từ rất sớm, từ lúc bắt đầu cho kết thúc cuộc đua lúc nào cũng tưng bừng. Reo hò, vỗ tay. Cổ vũ rất nhiệt tình góp phần cho trận đấu trở nên náo nhiệt và vui hơn trong dịp lễ này.
Tổ chức hội đua bò truyền thống. Để chuẩn bị cho cuộc đua bò, họ chọn một khoảnh ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200 m, ngang 100 m có nước xăm xắp, được "trục" xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Đoạn đường đua chính chỉ cần 120m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5m, và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó. Trước khi vào cuộc đua, họ chọn từng đôi bò với nhau hoặc bốc thăm và thoả thuận một số quy định cần thiết như ai sẽ đi trước, đi sau... Nhưng thông thường đôi đi sau có phần ưu thế hơn. Nếu trong khi đua, đôi bò nào chạy tạt ra khỏi đường đua sẽ bị loại và đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc. Khi bắt đầu lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây xà-lul vào mông con bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước, quan trọng là phải chích cho đều cả hai con thì vận tốc của đôi bò mới quyết liệt và hấp dẫn.
Lễ Hội Kỳ Yên
Lễ hội Kỳ yên có nghĩa là lễ cầu an, là lễ tế thần Thành hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình thần ở Nam Bộ, Việt Nam. Đình làng ở Nam bộ mỗi năm có 2 lệ cúng: Thượng Điền (khi thu hoạch xong) và Hạ Điền (khi bắt đầu xuống ruộng), Kỳ Yên có thể gộp chung với Thượng Điền hoặc Hạ Điền, cũng có thể một lễ riêng biệt tùy theo từng địa phương. Hiện nay, lễ Kỳ yên cũng được tổ chức trong ba ngày, gồm nhiều lễ tế. Một số làng, sau lễ thỉnh sắc thần Thành hoàng còn tổ chức Lễ Nghinh, tức đưa kiệu đến các đền miếu trong làng, dâng hương, khấn cung thỉnh mời chư vị thần về đình dự lễ. Xong, đem lư hương của các vị thần này lên kiệu trở về, đặt trên bàn hương án bày ở ngoài đình, hoặc trên bàn Hội đồng ngoại ở bên trong đình. Ở Đình Châu Phú, sau khi rước sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh về đình, tiếp theo là Lễ nghinh, tức lễ thỉnh sắc thần Thoại Ngọc Hầu tại phủ thờ của ông Nguyễn Khắc Mi (cháu nhiều đời của Thoại Ngọc Hầu), và sắc thần của hai ông là Chánh vệ thủy Đỗ Đăng Tàu và Phó vệ thủy Lê Văn Sanh. Có một số đình có phần lễ này. Đây vốn là nghi thức của Phật giáo hội nhập vào đình miếu, mục đích cầu chư Phật, chư thần thánh ban cho dân làng sự an lành. Khởi đầu cử người thiết lập bàn thờ Phật Quan Âm, rồi tiến hành niệm hương tán Phật, tụng kinh Phổ môn; cuối cùng đọc sớ rồi đốt sớ gửi cho chư Phật và cho chư thần thánh.
Lễ Chánh tế còn gọi là Đoàn cả hoăc Đàn cả, diễn ra vào sáng ngày thứ hai hoặc thứ ba của lễ Kỳ Yên, tùy từng địa phương. Cũng theo sách Gia Định thành thông chí, thì lễ Chánh tế được tổ chức vào sáng hôm thứ hai của lễ Kỳ yên, với phần nghi thức giống như lễ Túc yết. Cổ lệ chọn giờ này (giờ Tý) bắt nguồn từ quan niệm dịch lý: đây là giờ "âm lão, dương khởi", tức là mọi điều tốt lành bắt đầu nảy sinh. Việc hành lễ tương tự như lễ túc yết, duy chỉ khác câu ở phần ẩm phước: lễ túc yết xướng Nghinh thần cúc cung bái, thì ở lễ này xướng câu Tạ thần cung cung bái. Ở Đình Châu Phú, lễ này được cử hành lúc vào 3 giờ sáng ngày 12 tháng Năm âm lịch, tức sáng sớm ngày thứ ba của cuộc lễ. Đình Bình Thủy (Châu Phú, An Giang) tổ chức lễ Chánh tế vào sáng ngày 11 tháng 5 âm lịch, tức ngày thứ ba của lễ Kỳ Yên. Theo Sơn Nam thì Lễ Đàn Cả là quan trọng nhất. Nhà văn viết: "... trước đó có lệ Túc yết, tức là ban Tế lễ gom lại, trình diện, diễn tập, có thể so sánh với dịp cúng giỗ ông bà, trước ngày giỗ chánh thức là buổi cúng Tiên. Đình nào khiêm tốn thì bỏ lễ Túc yết cho bớt kinh phí... Vẫn chưa dứt khoát về tên gọi: Đàn hay Đoàn. Trên tấm thiệp mời ở ngôi đền sát chợ Biên Hòa, thấy ghi Đại Đàn. Đàn là nơi cử hành lễ (lập đàn, đàn Nam Giao) có lẽ đúng hơn. Về cơ bản, trong cả nước, nghi thức nhau nhưng "đại đồng tiểu dị".
Lễ hội cúng trăng Ok Om Bok
Lễ hội cúng trăng Ok Om Bok của người Khmer Nam Bộ còn được biết đến với cái tên khác là lễ Cúng Trăng hay “Đút cốm dẹp”, được diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch hàng năm. Đối với người Khmer, Mặt Trăng được xem như là một vị thần đã giúp đỡ họ trong việc điều chỉnh thời tiết, bảo vệ ruộng đồng, đem lại một mùa màng bội thu, mang đến sự ấm no, sung túc cho người dân sinh sống tại đây. Vì thế sau một vụ mùa, người Khmer sẽ tiến hành lễ Cúng Trăng nhằm thể hiện sự cảm ơn thành kính đối với vị thần Mặt Trăng đã phù hộ cho họ cũng như cầu mong cho mùa vụ sau mưa thuận gió hòa. Và từ đó lễ hội Ok Om Bok đã ra đời, trong ngày lễ này hầu hết mọi nhà đều tham gia. Lễ hội này thường diễn ra tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh… những nơi có đồng đảo người dân tộc Khmer chủ yếu sinh sống.
Thông qua lễ hội này người Khmer được bày tỏ lòng biết ơn đến thần Mặt Trăng là vị thần bảo hộ mùa màng mang đến cho người dân Khmer một vụ mùa tốt tươi. Lễ hội này diễn ra ở khắp các tỉnh miền Tây nhưng quy mô lớn nhất là ở Trà Vinh và Sóc Trăng. Được tổ chức dưới hình thức tại gia đình hoặc ở chùa, riêng ở thành phố Trà Vinh được tổ chức vào ngày 14/10 tại hai bên bờ sông Long Bình du khách được xem đua ghe ngo truyền thống nơi này. Về với khu di tích Ao Bà Om thì được tham gia các trò chơi dân gian như: kéo co, đập nồi, nhảy bao... hoặc tham quan bảo tàng Văn hoá dân tộc Khmer. Tối đến, mọi người được xem văn nghệ của người Khmer trình diễn hoặc ngồi xem thả đèn nước và ngắm nhìn đèn trôi trên mặt ao trong đêm trăng rằm lung linh huyền ảo này. Lễ hội Ok Om Bok còn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ tết Khmer Chol Chnam Thmay
Lễ tết Chol Chnam Thmay được gọi là lễ chịu tuổi là lễ tết lớn nhất của người Khmer diễn ra 3 ngày liên tiếp tính theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer tức là vào đầu tháng Chét của người Khmer. Lễ Chol Chnam Thmay còn là những ngày lễ Tết của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, Sri Lanka. Khi du khách đi đến những khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh,... du khách sẽ bắt gặp không khí náo nhiệt của bà con nơi đây chuẩn bị Tết cổ truyền của mình. Cũng khá giống với Phong tục ngày tết nguyên đán của người Kinh ở vùng miền Tây Nam Bộ là dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mọi người đều may cho mình bộ quần áo mới và gói bánh tét, chuẩn bị hoa quả, hương đèn để lễ Phật. Theo truyền thống ngày tết của người Khmer sẽ tổ chức ở các ngôi chùa Khmer, nhưng ngày nay do sống cộng cư với người Việt đã ảnh hưởng phong tục người Việt nên họ còn tổ chức lễ đón giao thừa, và cúng ông bà ở nhà trong những ngày lễ Chol Chnam Thmay. Trong ngày lễ này người Khmer còn tổ chức nhiều trò vui như đốt đèn trời, đánh quay lửa... đây cũng là một trong những lễ hội văn hóa đặc trưng của miền Tây, hấp dẫn du khách từ nhiều nơi đến đây.
Ở mười ba tỉnh, thành khu vực đồng bằng Sông Cửu Long có gần một triệu người Khmer (còn gọi là người Miên) sinh sống, nhiều nhất là ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang. Lễ tết Chol chnam thmay được tổ chức vào đầu tháng Pôsăk, còn gọi là tháng Chét theo Phật lịch Tiểu thừa. Nhưng dù vào tháng nào theo lịch Khmer, Tết này cũng rơi vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 4 Dương lịch (nếu năm nhuần thì bắt đầu từ ngày 13- 4 Dương lịch). Đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong, người dân trong giai đoạn nông nhàn nên tha hồ vui Tết. Ăn tết xong là chuẩn bị đón mùa mưa, gieo sạ lúa. Cũng như tết cổ truyền của các dân tộc khác, Chol- chnam- thmay của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tuy có cùng ý nghĩa nhưng lại được tổ chức với vài tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của mình. Vì là một cộng đồng dân tộc theo Phật giáo Tiểu thừa nên mọi sinh hoạt Tết Chol-chnam- thây của đồng bào Khmer Nam Bộ đều diễn ra tại chùa.
Lễ Tống Ôn
Lễ Tống Ôn là một tục lễ có từ rất lâu đời ở vùng đất Nam Bộ tuy ngày nay không còn được phổ biến như trước nữa nhưng vẫn còn nhiều địa phương như Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, An Giang... tổ chức. Mặc dù những ngày lễ này không thống nhất ngày giờ với nhau. Nhưng đều có điểm chung là tổ chức ở những nơi thờ tự như chùa, miễu… tục lễ này có vào thời còn khai hoang lập địa nên có nhiều dịch bệnh gây hại cho con người. Vì vậy người dân nam bộ khi ấy cứ nghĩ do ma quỷ những người khuất mặt khuất mày gây ra. Vì thế họ làm lễ Tống Ôn có nghĩa tống tiễn, xua đi những tà khí, dịch bệnh gây hại cho con người. Để chuẩn bị làm lễ Tống Ôn họ chuẩn bị các đồ vật cúng thần trước và một chiếc thuyền để các đồ vật vừa cúng thần xong rồi thắp nhang khấn vái đem ra sông thả thuyền trôi theo dòng nước. Với mong muốn đem đi những điều xui xẻo, bệnh tật, được tai qua nạn khỏi, hướng tới một cuộc sống an lành và hạnh phúc.
Lễ tục này có từ những buổi đầu khai hoang mở cõi, khi mới bắt đầu định hình chợ búa xóm làng. Lúc bấy giờ, sơn lam chướng khí còn nhiều, ao tù nước đọng, muỗi mồng, rắn rết khắp nơi, những bệnh thông thường cũng có thể gây tử vong cho con người. Chẳng những vậy, có những bệnh còn lây truyền sang nhiều người, dẫn đến những trận đại dịch. Bất lực trước hoàn cảnh, họ cho rằng, những bệnh tật đó là do ma quỷ, do những người “khuất mặt khuất mày” gây ra nên làm lễ cúng cầu các vị ấy, mong cuộc sống bình an đến với gia đình mình, làng xóm mình. Và như thế, Lễ tống ôn - tống gió ra đời. Theo nghĩa đen của từ này thì tống là tiễn đi, xua đi, ôn là dịch bệnh, gió ở đây là gió độc gây bệnh cho con người (dân gian Nam Bộ thường dùng cụm từ “trúng gió”). Đồng bào Nam Bộ quan niệm rằng, nguyên nhân của mọi căn bệnh gây ra cho con người đều do gió độc đem ôn dịch phát tán trong không gian, ai chẳng may "trúng gió" sẽ ốm. Người ta cho rằng, những bệnh tật đó là do ma quỷ, do những lực lượng vô hình gây ra nên làm lễ cúng cầu, tống gió - tống ôn.
Lễ hội Kathina
Lễ hội Kathina hay còn gọi là lễ dâng bông, dâng y cà sa của người dân Khmer tỉnh Sóc Trăng được tổ chức sau 3 tháng an cư kiết hạ và theo quy định của Phật giáo Nam tông Khmer, các chùa sẽ chọn một ngày cụ thể và thông báo cho các Phật tử trong phum sóc biết để chuẩn bị tiến hành làm lễ Kathina. Vì vậy mà mỗi phum sóc ở các tỉnh sẽ khác nhau về ngày tổ chức nhưng theo truyền thống thì thường diễn ra trong 2 ngày. Vào những ngày này người dân nơi đây lại nô nứt tổ chức lễ hội với mong muốn phum sóc nơi này được bình yên, gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu. Trong lễ hội này người dân sẽ thỉnh chư tăng đến tụng kinh, cầu an cho gia chủ, ngày thứ hai là ngày đông vui nhất vì ngày này toàn bộ cư dân trong phum sóc làm lễ rước Kathina. Người dân sẽ dâng các vật phẩm gồm áo cà sa, bình bát và các lễ vật thiết yếu phục vụ việc sinh hoạt của các nhà sư. Đi kèm đó là đội trống Sa - dăm, đội Rô - băm cùng chục thiếu nữ xếp thành hai hàng để rước về chùa và dâng lên cho các nhà sư.
Đây là lễ hội không đơn thuần là chỉ dâng y cà sa mà nó còn góp phần gìn giữ những giá trị tốt đẹp của đạo Phật và tạo nét gần gũi, thân thiện trong cộng đồng người theo đạo Phật ở Việt Nam. Kathina theo tiếng Pàli không có nghĩa là y áo hay dâng y mà có nghĩa là sự vững bền, chặt chẽ. Trong tiếng Phạn, Kathina (viết là Kathinaya) có nghĩa là cái khung dệt vải, khung treo. Kathina là lễ cầu mưa thuận gió hòa, nhà nhà yên vui hạnh phúc. Những người đến chùa dự lễ ngoài việc cầu an cho gia đình ở kiếp này, họ còn cầu cho kiếp sau mình được sức khỏe, xinh đẹp, phú quý, con cái hiếu thảo... Lễ dâng y Kathina là ngày lễ dâng lên Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) tứ vật dụng, nhất là các lễ vật thiết yếu dùng trong nhà chùa và dùng trong sinh hoạt của chư tăng; trong các lễ vật đó, chiếc áo cà sa là một lễ vật rất quan trọng không thể thiếu. Ngoài việc dâng các lễ vật thiết yếu đến ngôi Tam bảo, các tín đồ phật tử và các mạnh thường quân còn đóng góp kinh phí (gọi là dâng bong bạc), mục đích là để trùng tu, sửa chữa chùa chiền và cung cấp lương thực, thực phẩm đến đại đức chư tăng để các ngài yên tâm tu học, phụng sự phật pháp.
Lễ Cúng Dừa - Lễ hội tâm linh
Lễ Cúng Dừa còn được gọi là lễ hội Thác Côn, là một lễ hội của người Khmer ở An Trạch, thị trấn Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng được diễn ra hằng năm tính theo Phật lịch của người Khmer nhưng tương ứng với rằm tháng Ba âm lịch của người Kinh. Lễ hội Thác Côn này đã tồn tại gần trăm năm nay, ai đến đây dự lễ này cũng phải mua một cặp dừa để cúng ông tà Thác Côn với tục lệ cúng những chiếc bình bông làm bằng trái dừa. Vì theo tín ngưỡng dân gian truyền thống cầu cho tấm lòng trong trắng như nước ở trong trái dừa tinh khiết trong lành là biểu thị cho sự may mắn. Đây là lễ hội không chỉ thu hút rất nhiều người dân ở địa phương mà còn thu hút khách từ các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Cần Thơ, An giang... cả người Campuchia nữa. Du khách Đến đây vào mùa lễ hội cúng dừa ở Sóc Trăng sẽ hiểu được văn hóa tín ngưỡng của người dân Sóc Trăng nói riêng và của miền sông nước nói chung là lễ hội văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ.
Cho đến nay, vẫn chưa có ai khẳng định lễ Cúng Dừa xuất hiện từ thời điểm nào, bởi khi họ sinh ra thì lễ này đã được tổ chức hàng năm và bà con cứ làm theo truyền thống của người xưa. Tuy nhiên, theo các cụ trưởng bối kể lại, thì lễ này đã có niên đại trên 100 năm, vì khu vực này trước đây tàu, bè lưu thông được dễ dàng. Theo tục truyền có một nhóm trẻ khi đang chăn trâu, phát hiện có gò đất nổi lên, chúng lấy chân đạp thử lên mô đất ấy, bỗng nhiên có tiếng vang vọng từ trong lòng đất phát ra “keng, keng, keng” như tiếng đánh cồng chiêng. Thấy lạ, mọi người ai cũng đến đạp thử, thì đều nghe tiếng vọng. Thời gian sau này, có một phụ nữ bụng mang dạ chửa cũng muốn đạp xem có nghe tiếng cồng chiêng như mọi người nói hay không? Khi chị lấy chân đạp lên mô đất, thì không nghe thấy gì nữa. Trước hiện tượng này, đồng bào Khmer đặt tên địa danh này là “Thác Côn” theo tiếng Việt là “đạp cồng chiêng”.