Chúng ta thường có thói quen gọt và loại bỏ vỏ các loại trái cây để an toàn hơn. Tuy nhiên, cách làm này lại vô tình làm mất đi lượng dưỡng chất thậm chí còn nhiều hơn phần thịt của chúng đấy. Có một số loại chỉ khi ăn luôn cả vỏ mới hấp thu triệt để được dưỡng chất và vitamin của chúng. Hãy cùng toplist tìm hiểu nhé!
Cà chua
Hàm lượng dinh dưỡng phong phú của cà chua không phải là bí mật. Nhiều nghiên cứu trước đây đã xác nhận trong cà chua có sự hiện diện của các vitamin, khoáng chất, chất chống ô xy hóa và các hợp chất khác mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí CyTA- tạp chí về thực phẩm, vỏ cà chua chứa protein, chất béo và chất xơ thô. Protein thu được từ các mẫu cà chua chứa các a xít amin thiết yếu, các a xít béo không bão hòa và a xít linoleic. Chất lycopene trong vỏ cà chua có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có thể phòng ngăn ngừa bệnh tim mạch, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, phòng chống ung thư. Ngoài ra, vỏ cà chua còn trợ giúp bảo vệ sức khỏe rất tốt.
Nho
Vỏ nho có chứa nhiều chất resveratrol hơn thịt nho và hạt nho, có thể giảm mỡ trong máu, chống huyết khối, chống bệnh về động mạch, tăng cường hệ miễn dịch. Vỏ nho còn chứa nhiều vitamin, sắt… Đã có những nghiên cứu ứng dụng vỏ nho trong chế biến thực phẩm, dùng để điều trị lượng cholesterol quá cao, tiểu đường…
Đặc biệt là vỏ nho tím còn chứa chất flavonoids giúp giảm huyết áp, thúc đẩy lipoprotein mật độ cao trong máu tăng lên, làm giảm lượng cholesterol có hại, bảo vệ tim mạch. Ngoài ra, cellulose, pectin, và sắt có trong vỏ nho có thể bù đắp dinh dưỡng trong chế độ ăn hiện nay. Các chuyên gia khuyên rằng nên ăn nho cả quả cùng với vỏ và hạt, cơ thể sẽ hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Chuối
Vỏ chuối chứa lutein - chất chống oxy hóa giúp mắt khỏe mạnh, lượng chất xơ, kali nhiều hơn phần thịt và chứa chất giảm trầm cảm tryptophan. Không chỉ vậy, vỏ chuối còn có tác dụng làm đẹp, chà xát vỏ chuối lên răng có công dụng làm trắng răng rất tốt, với bầu mắt thâm quầng thì đắp vỏ chuối khoảng 5-10 phút cũng rất hữu hiệu. Ngoài ra, nó còn có tác dụng với những nốt mụn trứng cá và dưỡng ẩm cho da mặt nữa đấy.
Vì vỏ chuối khá khó ăn nên trước nhất bạn cần sơ chế để làm giảm vị đắng. Bạn nên mua chuối khi còn xanh và để chín tự nhiên sẽ an toàn hơn. Sau khi rửa sạch có thể luộc hoặc nướng trong vài phút là dùng được.
Cà tím
Cà tím chứa nasunin - là chất oxy hóa giúp chống lại các tế bào ung thư đặc biệt ở hệ thần kinh và axit chlorogenic giúp giảm viêm và tăng sự hấp thu glucose.
Cà tím có tác dụng đặc biệt trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư đại tràng vì cà tím chứa hàm lượng chất xơ rất cao. Chất xơ trong cà tím khi di chuyển qua đường tiêu hóa, có xu hướng hấp thụ độc tố và hóa chất có thể gây ra bệnh ung thư ruột kết. Bên cạnh đó, cà tím có khả năng phòng ngừa những căn bệnh ung thư khác vì nó còn chứa nhiều chất chống ôxy hóa, có tác dụng tiêu diệt các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
Bạn nên ăn cà tím nguyên cả vỏ vì các nghiên cứu cho thấy, lớp vỏ cà tím chứa nhiều chất xơ hơn cả ruột. Nhớ là hãy rửa sạch với nước muối trước khi chế biến nhé!
Lê
Lê có rất nhiều chất xơ, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt mùi vị của loại quả này rất thơm ngon và dễ ăn. Đặc biệt lê có tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Khi ăn lê, bạn không nên gọt bỏ vỏ, vì phần lớn các chất dinh dưỡng đều nằm trong lớp vỏ của loại quả này.
Vỏ lê là một trong những loại thuốc giúp sạch tim, phổi, trừ hỏa tiêu đờm được dùng trong Đông y. Dùng 30gr vỏ lê sắc nước uống có tác dụng tĩnh tâm nhuận phổi, chữa ho có đờm. Vỏ lê nghiền nát có thể điều trị vết loét sưng và vết thương bên ngoài da. Vỏ lê tươi sắc nước uống nhiều lần có thể thanh độc tiêu viêm. Khi làm món sa-lát dưa chuột, cho thêm ít vỏ lê sẽ khiến món dưa giòn hơn và thơm ngon hơn.
Táo
Bạn có biết khi loại bỏ vỏ của loại quả này bạn đã vô tình làm mất đi 1/3 lượng dưỡng chất có trong chúng. Vỏ táo chứa 1/2 lượng chất xơ, nhiều hơn gấp 4 lần lượng vitamin K có trong thịt của chúng, ngoài ra còn chứa chất chống oxy hóa quercetin giúp chống lại các tổn thương mô não. Không chỉ vậy trong vỏ táo chứa nhiều chất dinh dưỡng có thành phần tương đương thành phần các loại chất có thể ngăn ngừa ung thư vú, ung thư phổi, ung thư ruột kết.
Hãy ngâm táo với nước muối khoảng 15 phút, cách làm này giúp giữ lại tối đa các dưỡng chất lợi mà chúng mang lại.
Cam
Vỏ cam chứa gấp 2 lần lượng vitamin C, các riboflavin, canxi, magie, kali. Chất flavonnoid trong chúng có tác dụng chống ung thư và ngừa viêm. Vỏ cam còn có khả năng giải cảm, trị viêm họng và các chứng ho. Bên cạnh đó, vỏ cam còn trị nấm móng, viêm tuyến sữa, hôi miệng, trị gàu, các chứng khó tiêu hóa, say tàu xe và còn giúp ngủ ngon hơn.
Tuy vỏ của loại quả này chứa rất nhiều chất có lợi cho sức khỏe nhưng lại khá khó ăn. Sau khi rửa sạch, bạn chọn lấy phần vỏ không bị hư hỏng, có thể thái nhỏ vỏ cam hoặc ép lấy nước, ngoài ra còn có thể trộn với các loại sa lát sẽ làm tăng thêm hương vị đấy!
Dưa chuột
Dưa chuột với 95% thành phần là nước nên là nguồn cung cấp độ ẩm và giúp cơ thể giải độc tố. Lượng vitamin C ở dưa chuột có thể cung cấp đủ cho 10% nhu cầu hàng ngày sẽ rất tốt cho làn da. Trong vỏ của dưa chuột có chứa phần lớn các chất chống oxy hóa, vitamin k, chất xơ không hòa tan và kali. Để không làm mất các dưỡng chất, bạn không nên gọt bỏ mà hãy ngâm chúng với nước muối và giữ nguyên vỏ khi dùng.
Tất nhiên hãy lựa chọn dưa chuột có nguồn gốc an toàn và không bị hư hỏng. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng vỏ của chúng để làm các loại sa lát cũng rất thú vị.