Việt Nam vốn luôn tự hào về nền tảng lịch sử lâu đời cũng như bản sắc văn hóa dân tộc. Trải dài trên dải đất hình chữ S là 54 dân tộc anh em cùng sinh sống một cách hòa thuận. Mỗi dẫn tộc có nét văn hóa và phong tục riêng, cũng như những món ăn độc đáo. Trong bài này, Toplist xin giới thiệu một số món ăn độc đáo nhất của dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Nộm rau dớn
Rau dớn là một loại rau có ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao, nó cũng thường mọc nhiều ở bờ suối, bờ khe, những nơi ẩm ướt và tránh ánh nắng mặt trời, dớn mọc hoang dại dọc khe suối, bên những tảng đá. Nộm rau dớn là món ăn đặc trưng của người Thái ở Lai Châu nói riêng và đồng bào Tây Bắc nói chung. Người Thái gọi rau dớn là “pắc cút”, loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn. Loại cây này chỉ mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm cao.
Để làm được món nộm rau dớn vừa ngon, vừa mang hương vị đặc trưng của dân tộc Thái, người ta thường chỉ hái những ngọn rau dớn cong non, là bánh tẻ, sau đó rửa sạch, phơi nắng cho tái. Tiếp đó cho rau dớn vào chõ xôi bằng gỗ để đồ trong khoảng 20 phút, rau sẽ chín và giữ được màu xanh rất đẹp mắt. Khi rau đã đồ chín, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được.
Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt. Mùi thơm hăng hắc của hạt tiêu bám vào từng ngọn rau xanh biếc, giòn giòn còn vương chút nhớt đọng lại nơi đầu lưỡi như tôn thêm vị thơm ngon nguyên sơ và đậm đà, khác hẳn những loại rau công nghiệp nơi phố thị nhạt hoét.
Nộm da trâu
Món nộm này chỉ được làm khi gia đình có hiếu hỷ, hoặc nhà có khách quý, bởi sơ chế rất mất thời gian. Da trâu làm sạch, thái mỏng, đập giập, ướp nhiều gia vị. Nộm da trâu trộn với măng rừng và mùi tàu, rau thơm và mắc khén, ăn giòn sật, có thể chiều lòng cả những vị khách khó tính nhất. Người Kinh ở miền xuôi thường lấy da trâu làm mặt trống, thì dân tộc Thái lại tạo ra đặc sản của riêng mình. Nộm da trâu không quá khó khăn khi chế biến, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo. Ngoài nguyên liệu chính là da trâu, người Thái sử dụng rất nhiều gia vị khác nhau, khiến món ăn đậm cả sắc lẫn vị, tạo ra trải nghiệm ấn tượng khi lần đầu thưởng thức.
Công đoạn để có một miếng da trâu chế biến thành món ăn rất lâu công. Người nấu bếp phải tỉ mỉ hơ da lên bếp lửa cho sạch phần lông dày cứng. Vỏ ngoài cứng, đen của da được cạo sạch, chỉ để lại phần vàng trong. Tiếp đó, da được luộc trong nước sôi cho sạch bẩn, hết lông và tạo độ mềm. Món ăn có vừa miệng hay không là nhờ công đoạn thái mỏng. Để thái được miếng da trâu cần nhiều công, từ dao thái bén ngọt, thớt gỗ nghiến dày. Miếng da to bản ban đầu dưới đôi tay khéo léo thái thành vát chéo, mỏng và đều tay. Mỗi miếng da lại có độ mỏng vừa phải, trong như hổ phách, giòn lật sật khi nhai, rất sướng miệng.
Gia vị cho món nộm được người Thái dùng rất nhiều, tạo nên nét đặc trưng không đâu có được. Ngoài những thứ thường thấy từ lạc, ớt, rau mùi, gừng, không thể thiếu mắc khén tạo nên độ cay nồng. Người Thái không dùng dấm hay chanh tạo độ chua cho món nộm, thay vào đó là nước măng chua. Thứ nước ngâm măng tưởng chừng chẳng tác dụng gì, lại khiến da trâu mềm mượt hơn, nhưng vẫn giữ độ giòn lật sật, hòa quyện cùng các gia vị khác giúp giải ngấy. Đĩa nộm như một bản tổng hòa của vị chua dịu thanh mát từ nước măng chua với cái giòn dai từ da trâu, bùi ngậy của lạc quyện trong hương rau thơm tươi mát với chút cay tê của mắc khén. Chẳng ai ngờ được, từ miếng da trâu cứng đanh lại biến hóa thành món ngon đặc sản hấp dẫn tới vậy. Thực khách một lần đến với Sơn La thưởng thức nộm da trâu, nhấp cùng li rượu cay nồng do chính người bản địa tự nấu, mới thấy hết được những nét tinh túy trong nghệ thuật ẩm thực vùng Tây Bắc.
Cơm lam
Từ lâu, cơm lam đã trờ thành một món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Thái Tây Bắc, món ăn giản dị mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Cơm lam được nấu một cách đặc biệt, đó là nấu cơm trong ống tre hoặc ống nứa, cơm rất thơm, dẻo, hương vị ngon...Cơm lam không đơn thuần chỉ là món ăn trong bữa cơm hàng ngày mà nó còn gắn với văn hóa truyền thống của người Thái. Khi người mẹ sinh con thường làm cơm lam cho ăn, cơm lam có tác dụng kích thích sức đề kháng, nhanh hồi phục sức khỏe…
Với tộc người Thái, để làm món cơm lam thì việc đầu tiên phải chọn ống nứa tươi, có vỏ ngoài xanh đậm, chặt dài khoảng 30 phân là được. Kế đến là khâu chọn gạo nếp. Gạo để làm cơm lam là loại nếp cái hoa vàng, hạt tròn, mẩy, màu trắng sữa và có mùi thơm. Đầu tiên, vo gạo cho sạch rồi ngâm nước khoảng 6-8 giờ, vớt ra rổ để ráo. Tiếp theo người Thái trộn gạo với gừng giã và muối, rồi đổ gạo vào ống nứa, thêm nước ngập gạo. Để cho món cơm lam ngon, người Thái không đổ nhiều gạo mà cách miệng ống khoảng một đoạn để khi gạo chín sẽ nở đầy kín miệng ống. Sau đó dùng lá chuối đậy kín miệng ống rồi nướng trên lửa. Khi nướng liên tục xoay ống nứa để cơm được chín đều. Đến khi thấy hơi nước bốc ra từ miệng nắp có mùi thơm là cơm lam đã chín. Sau đó chẻ lớp vỏ bên ngoài để lại lớp lạt mỏng. Khi ăn bóc vỏ và ăn cùng với muối vừng sẽ rất ngon.
Đặc sản Cơm lam Tây Bắc có thể để được nhiều ngày. Người vùng cao dùng ống tre, ống trúc, ống nứa làm ống lam. Mỗi loại ống lại có một vị thơm riêng nhờ lớp vỏ lụa còn bám vào bề mặt cơm lam. Trước đây, trong đời sống sinh hoạt, người Thái thường lên nương rẫy làm việc cả ngày mới về nên họ thường mang theo cơm lam đựng trong các ống tre nứa. Theo họ, cơm lam giữ được thời gian lâu không bị hỏng và độ thơm dẻo không bị mất đi. Ngày nay, trong các ngày hội văn hóa của người Thái, cơm lam được chọn là món ăn ẩm thực để giới thiệu với du khách.
Rêu đá nướng
Rêu đá thường mọc bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, khi tìm rêu, họ sẽ chọn những bãi rêu lớn bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Thời gian sống của rêu chỉ trong 7 ngày. Do đó, khi rêu mọc lên 3-4 ngày là phải vớt ngay. Nếu lỡ mất khoảng thời gian này, rêu sẽ chuyển màu trắng và không thể ăn được nữa. Do rêu ngậm nước nhiều nên khi nhấc ra khỏi mặt nước, riêu nặng trĩu cả tay phải để từ từ cho chảy hết nước rồi bỏ vào giỏ. Công việc hái rêu rất vất vả nhưng việc đập rêu để loại bỏ tạp chất cũng nặng nhọc không kém. Rêu được đặt lên lên thớt hoặc một hòn đá tảng to có mặt phẳng và đập cho đến khi các tạp chất được bong ra. Công việc này đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo bởi cần phải đập sao cho khéo để rêu không bị nát sẽ mất chất dinh dưỡng và màu xanh tự nhiên.
Rêu sau khi làm sạch có thể chế biến thành nhiều món như rêu rán, nấu canh và ngon hơn cả là rêu nướng trên than hồng. Rêu trộn cùng muối, ớt, rau mùi, hành, sả, “mắc khén” bọc trong lá chuối đã được hơ nóng cho mềm và tránh rách rồi nướng trên than hồng cho tới khi xém lớp lá bên ngoài. Nhiều vùng, người dân dùng ống nứa non thay lá chuối nên rêu nướng có vị ngọt đặc trưng. Rêu nướng xong mỏng tang, giòn và rất thơm ngon. Món ăn này thường được dùng nhấm nháp với rượu hay ăn kèm với xôi đồ thơm phức. Có thể nói rêu đá là sản vật đất trời ban cho người Thái, món ăn này hầu như không mang đến được địa phương khác tiêu thụ, bởi rêu đá chỉ có số lượng có hạn, bảo quản không được lâu, chỉ đủ dùng trong các gia đình người Thái. Do đó, muốn được thưởng thức rêu đá chỉ có đến những vùng Tây Bắc mới có thể thưởng thưởng thức được. Lên các bản người Thái, thưởng thức bát canh rêu đá nóng hổi trong tiết trời se lạnh mới thấy cái thú ẩm thực độc đáo của vùng cao Tây Bắc.
Với những mẻ rêu non người Thái thường dùng để chế biến nộm. Sau khi rửa sạch rêu cho vào chõ đồ cho chín tới rồi trộn cùng súp, mì chính và các gia vị như gừng, mùi, “mắc khén” (hạt tiêu rừng). Người thích ăn cay có thể cho thêm ớt nướng giã nhỏ. Tuy nhiên, với nhiều người thì cách chế biến rêu ngon nhất vẫn là rêu nướng. Trong bữa cơm thịnh soạn đón khách quý của người Thái rêu đá là món ăn không thể thiếu, cùng với măng chua, thêm cả thịt trâu gác bếp và gà bản. Những món ăn khi được khách thưởng thức như muốn được níu chân du khách lại đất Thái.
Nậm pịa
Nậm pịa là đặc sản của người Thái, thường xuất hiện trong những bữa tiệc đãi khách của người dân vùng cao. Nguyên liệu chính của món ăn là nội tạng các loài động vật ăn cỏ như bò, dê... tất cả được nấu hầm thật nhừ. Đây là món ăn khá "khó nuốt" vì có vị đắng của lòng và "pịa" (phân non). “Nậm Pịa” là gì? Trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là chất sền sệt ở trong ruột non nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già của bò, dê, trâu... Món có tên đơn giản là nậm pịa, tùy theo cách hiểu của mỗi người. Nậm Pịa chỉ có ở vùng núi Tây Bắc đây là món ăn truyền thống có từ rất lâu đời và được đồng bào dân tộc Thái rất yêu thích và tự hào.
Khi chế biến món này đầu tiên người ta chọn một đoạn ruột non ngon để lấy pịa, ninh xương và lục phủ ngũ tạng lên để lấy nước, sau đó đổ pịa vào, có nơi còn cho thêm chút mật vào pịa. Phần ruột non sau khi lấy phải buộc chặt hai đầu, sau đó cắt thành khúc, trộn kèm rau thơm, bột hạt sẻn (một gia vị đặc trưng cho núi rừng Tây Bắc), tỏi, ớt, mùi tàu…tất cả các gia vị được băm nhỏ. Sau khi chuẩn bị xong, đặt nồi pịa trên bếp lửa đun đến khi nồi pịa sánh, sền sệt lại là được.
Món Nậm Pịa được múc ra bát có màu nâu đen, nước sền sệt, ban đầu khi nếm thử ta sẽ thấy vị đắng và mùi hơi nồng. Nậm Pịa không phải là món dễ ăn, nhưng rất an toàn cho những ai yếu bụng. Nậm pịa khi mới ăn có vị đắng nhè nhẹ ở cổ họng nhưng lúc sau lại thấy ngòn ngọt kèm theo những vị là lạ của mắc khén - tiêu rừng. Chính hương vị là lạ này khiến người thực khách mải mê theo món ăn mà không thấy chán. Nậm Pịa có thể dùng làm nước chấm cho các món thịt nướng, thông thường, những người dân nơi đây ăn Nậm Pịa cùng với thịt bò hoặc dê luộc, ăn kèm với rau chuối và bạc hà. Khi chấm những miếng thịt luộc vào bát Nậm Pịa thì bạn mới cảm nhận được hương vị của các loại gia vị lan tỏa đầu lưỡi bởi vị giác chuyển từ đắng sang ngọt khiến khó ai đã nếm có thể quên được món Nậm Pịa, và có thể thưởng thức trực tiếp như một loại canh, đặc biệt có tác dụng giải rượu rất tốt. Nậm Pịa khiến những du khách phương xa nhớ mãi về một nền văn hóa ẩm thực rất độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây, món ăn này đã góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Thái Mường Lò nói riêng và người Thái Tây Bắc nói chung.
Cá suối nướng (Pa pỉnh tộp)
Pa Pỉnh Tộp là món ăn đặc sản của người Thái chủ yếu là ở vùng Lai Châu Tây Bắc. Pa theo tiếng Thái có nghĩa là “cá suối”; Pa Pỉnh Tộp có nghĩa là cá gập nướng, thường được làm từ những con cá suối, cá chép, cá trôi, cá trắm… sống ở vùng suối núi. Sở dĩ có tên gọi là cá gập nướng là dựa vào hình dáng của con cá khi đem đi nướng, người thái mổ sạch, tẩm ướp rồi gập đôi con cá để nướng nên bà con dân tộc mới đặt tên như vậy.
Món cá “Pa Pỉnh Tộp” khi chín vàng rộm, thơm lừng, mang đầy đủ từng vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, vị thơm của sả, riềng, cả các loại rau thơm hòa quyện một cách hoàn hảo. Món này thường được ăn cùng với cơm gạo mới, xôi dẻo. Thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm nếp xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của quả ớt, cay của quả mắc khén, màu xanh của hành, xanh của rau thơm lẫn màu vàng của cá nướng. Cơm xôi ăn với ''Pa Pỉnh Tộp'' của người Thái cũng được ví như cơm tám nấu niêu đất ăn với cá bống kho của người miền xuôi vậy.
Các món ăn của người Thái không cầu kỳ nhưng khi đã được thưởng thức thì sẽ nhớ mãi, trong đó đặc biệt là món ''Pa Pỉnh Tộp" đậm đà bản sắc dân tộc. Pa pỉnh tộp là món ăn cổ truyền của dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Đây là món ăn quý, rất được trân trọng. Người Thái có câu: "Gà tơ tần đem đến. Không bằng pa pỉnh tộp đem cho". Pa pỉnh tộp từ lâu đã nổi tiếng là món ăn đặc trưng của ẩm thực dân tộc Thái, được nhiều người biết đến. Món ăn độc đáo này với mùi thơm nồng nàn, nồng hơn hạt tiêu nhiều lần, cho cảm giác tê đầu lưỡi khi nếm thử, với vị cay cay tê lưỡi của mắc khén và rượu chuối mang đến cho bạn một trải nghiệm thật thú vị.
Canh bon
Canh bon của người Thái là món ăn vô cùng hấp dẫn và được chế biến rất cầu kỳ. Nguyên liệu để làm nên một bát canh bon ngon hoàn hảo gồm có; cây bon non (phải là loại bon, hoặc cây khoai sọ ngọt, không gây ngứa), quả cà dại nhỏ, da trâu,bò, mắc khén, ớt rừng, và các loại gia vị khác. Bon với bì trâu được nấu nhừ cả tiếng đồng hồ, sau đó mới nêm thêm các gia vị khác. Một bát canh bon chứa đựng nhiều hương vị tinh túy của đất trời, núi rừng Tây Bắc, ăn một lần là nhớ mãi.
Rau bon nấu với da trâu da bò, món canh ngon của người Thái vốn không phải dành cho khách khứa. Bởi món ngon nhưng không dễ làm, biết đâu ăn xong lại làm cho chủ - khách bất hòa! Mặc dù món canh bon được làm từ những nguyên vật liệu trong vườn, nhưng người nấu phải kỳ công nhặt hái. Cây bon như cách gọi của người Thái, nguyên liệu chính để nấu canh, có nơi gọi là cây khoai nước. Bon ngọt, loại bon có chấm tím ở lá, được bà con chọn cây non mang về rửa sạch, tước bỏ vỏ rồi ngâm nước cho hết nhựa (có thể dùng cả rễ non của bon để nấu).
Nấu bon, không thể thiếu mắc khén (một loại tiêu rừng). Nồi canh bon không được thiếu da trâu hoặc da bò. Bà con thường tích luỹ thực phẩm để khô trên gác bếp. Da trâu, bò được bà con treo gác bếp cho khô, khi cần dùng đến thì đem đốt cho chín phồng, cạo sạch phần cháy tới khi miếng da lộ phần vàng óng, mang ngâm nước, sau đó đem nấu nhừ. Trước đây, khi khách đến thăm nhà, người Thái không mời ăn canh bon vì cây này nấu không khéo sẽ bị ngứa.. Nhưng bây giờ, canh bon đã có mặt trong mâm cơm hằng ngày, mâm cơm đón khách của bà con. Từ món ăn dân dã trong các gia đình, canh bon được các nhà hàng dân tộc ở Tây Bắc chọn làm một trong những món canh chủ đạo để giới thiệu tới du khách.
Nhộng ong
Nhộng Ong được coi là món ăn quý và cực kỳ bổ dưỡng, không chỉ đối với các dân tộc ở vùng cao Việt Nam, mà ở Lào, nhiều người cũng rất thích ăn món ăn này. Nhộng khá là khó tìm kiếm, bởi vì không thể nuôi được một tổ ong vò vẽ như nuôi các loại vật nuôi khác. Nhộng ong có thể được hấp với rau củ hoặc rang giòn. Đây cũng không phải là món ăn dễ ăn đối với những người kỵ côn trùng. Lên Tây Bắc vào những ngày cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9, bạn sẽ được đắm mình trong những vạt nắng chiều êm dịu chiếu xuống những bản làng, cánh đồng. Cảm nhận cái se lạnh của thời điểm giao mùa, sự hiếu khách của người dân nơi đây và nếu may mắn bạn sẽ được thưởng thức đặc sản nhộng ong Tây Bắc món ăn đặc biệt mà không phải lúc nào bạn cũng có thể thưởng thức. Không giống như nhộng dâu tằm bày bán thông dụng hiện nay được dễ dàng lấy ra từ trong kén, để lấy được nhộng ong tự nhiên người dân Tây Bắc phải sử dụng những phương pháp rất thủ công và nguy hiểm.
Sau khi lấy hết những con nhộng từ trong tổ, cần sơ chế ngay các món ăn để đảm bảo tươi ngon, vì nếu để ở môi trường bên ngoài, những chú nhộng ong sẽ hỏng rất nhanh. Nếu như những chú nhộng dâu tằm có màu vàng, nhộng to và căng tròn đều nhau thì nhộng ong rừng có màu trắng nõn, trắng sữa, hoặc hơi ngả vàng, kích cỡ các con nhộng thường không đồng đều nhau.
Người Tây Bắc chế biến nhộng ong thành các món ăn độc đáo: Nhộng ong chiên lá chanh, nhộng ong ướp nướng trong ống tre, nhộng ong ướp gói lá nghệ nướng, nhộng ong cuộn lá lốt, tuy nhiên thông dụng nhất là món nhộng ong xào măng chua lá chanh hoặc xào nghệ. Vị ngon, béo ngậy của nhộng ong, kết hợp với vị chua chua, giòn giòn của măng đã được ngâm công phu, cộng với đó là mùi thơm từ lá chanh, khiến ai từng ăn khó lòng nào quên. Có dịp đến Tây Bắc từ tháng 4 đến tháng 9, muộn nhất là tháng 10, bạn đừng bỏ lỡ món ăn đặc sản này.
Măng nộm hoa ban
Nếu ai đã có dịp ghé qua các bản làng người Thái ở Lai Châu sẽ có dịp thưởng thức một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi trong món Măng nộm hoa ban.
Cách chế biến món Măng nộm hoa ban của người Thái ở Lai Châu như sau: Đầu tiên măng đắng được sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút. Sau đó mang luộc hai lần rồi vớt ra để ráo. Hoa ban thì ngắt những cánh hoa dày để làm. Hoa ban mang về, người dân nhặt riêng cánh và nhụy đem rửa qua. Rồi đem trần với nước nóng. Sau khi để ráo nước, hoa được vò nát để chế biến. Cá suối mang đi nướng trên than củi rồi gỡ lấy thịt. Tiếp theo đến công đoạn pha nước trộn nộm. Hỗn hợp nước gồm chanh, tỏi, ớt, giềng, rau húng, rau mùi và thú nau. Cuối cùng mang hỗn hợp nước vừa pha trộn đều tay với hoa ban, cá suối, măng đắng. Trộn nhẹ và đều tay hỗn hợp trên trong 15 – 20 phút cho ngấm nộm. Bây giờ bạn chỉ cần bày ra đĩa và thưởng thức món nộm thơm ngon này.
Món măng nộm hoa ban là sự hòa quyện từ rất nhiều hương vị. Thực khách có thể cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá suối nướng. Vị bùi bùi, ngậy ngậy của hoa ban. Vị đắng của măng. Vị chua, cay, mặn, ngọt của nước trộn nộm. Nó làm bung nở vị giác của thực khách, ăn một lần chỉ muốn nếm mãi.
Nhộng Sắn
Nhộng sắn hay còn gọi là nhộng tằm là một món ăn rất nổi tiếng của dân tộc Thái ở Sơn La. Khi con tằm đã nhả hết tơ và chưa hình thành nhộng, người ta đã cắt kén để lấy con tằm ra, rửa sạch và chiên giòn với dầu ăn. Đây là món ăn khoái khẩu của nhiều người, khoa học cũng chứng minh rằng nhộng tằm rất bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin. Tuy nhiên món ăn này cũng có thể gây dị ứng đối với những người không quen, hoặc không thể ăn được côn trùng. Để chế biến món nhộng tằm rang lá chanh, đồng bào dân tộc Thái (Sơn La) thường lựa chọn những con nhộng tằm tươi, không bị dập nát và bị thâm đen, lớp vỏ bên ngoài có màu vàng bóng. Sau đó, rửa sạch đem chần qua nước sôi rồi mới vớt ra rổ để cho ráo nước.
Các gia vị để chế biến món nhộng rang bao gồm: Lá chanh thái chỉ, hành lá cùng với ớt thái nhỏ, muối, mì chính, hành tím thì đập dập và băm nhỏ. Sau khi chuẩn bị xong gia vị, bà con dân tộc Thái cho chảo lên bếp cho thêm chút dầu ăn và phi thơm hành lên, sau đó rang cho đến khi nhộng chuyển sang màu vàng là có thể chế biến xong món nhộng tằm.
Nhộng tằm là món ăn cung cấp rất nhiều chất đạm. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chế biến những món nhộng thơm ngon, béo ngậy... Nhộng khi ăn có vị béo bùi và đậm đà, ngấm hương thơm của hành lá và lá chanh cùng với một chút vị cay của ớt, đem lại cho bạn cảm giác khó tả và đầy thích thú. Nhồng tằm được coi là món đặc sản khoái khẩu, được nhiều du khách ưa chuộng khi đặt chân lên (Sơn La) du lịch và trải nghiệm trong những ngày hè nóng nực.