Du lịch Trung Quốc đã gặt hái được những thành quả không hề nhỏ trong thời gian qua, ẩm thực Trung Quốc là một trong những yếu tố thu hút đó. Với truyền thống lâu đời, ẩm thực Trung Quốc rất phong phú và đa dạng, nó là một thành phần quan trọng của văn hóa Trung Quốc. Món ăn Trung Quốc nổi tiếng với màu sắc, hương vị, ý nghĩa và cách trình bày. Hãy cùng TopList điểm qua top các món ăn nhất định phải thử khi đến Trung Quốc nhé!
Đậu phụ thối
Cũng như mắm tôm của người Việt, nó có mùi không dễ chịu chút nào. Đậu phụ thối là một món rất lâu đời và được ưa thích ở Trung Quốc, ngày nay nó được bán rất phổ biến trên đường phố.
Những miếng đậu được rán vàng rộm trông thật bắt mắt nhưng mùi của nó có thể khiến thực khách đắn đo đôi chút, dù sao bạn cũng nên thử một lần. Món này được ăn kèm cùng tương ớt và rau ghém.
Há cảo
Há cảo là loại bánh bao có nguồn gốc từ Triều Châu và thường được dùng vào các bữa ăn sáng hoặc là món điểm tâm. Nó được mệnh danh là “đệ nhất điểm tâm” của người Trung Quốc vì có hương vị thơm ngon đặc biệt. Nguyên liệu của há cảo cũng giống như sủi cảo đó là rau củ và thịt…
Tuy nhiên, nó vẫn có điểm khác biệt nhờ hình dáng và vỏ bánh. Trong khi sủi cảo có hình bán nguyệt thì há cảo lại được tạo hình đầy đặn như một mặt trăng nhỏ. Vỏ bánh của há cảo trong suốt hơn so với sủi cảo nhờ được làm từ hỗn hợp bột mì, bột há cảo và bột năng. Vì vậy khi hấp chín lớp vỏ bánh há cảo sẽ trở nên trong mờ, làm lộ lớp nhân hồng bên trong vô cùng đẹp mắt.
Vịt quay Bắc Kinh
Một lần đi du lịch Trung Quốc giá rẻ bằng đường bộ và đường không để ghé thăm thành phố Bắc Kinh mà bạn không được thưởng thức mà món Vịt quay Bắc Kinh thì quả thật là thiếu sót lớn, đây là một trong những biểu tượng của ẩm thực Trung Hoa và là món ăn được nhiều người ưa chuộng. Đầu bếp phải chuẩn bị kì công cho món vịt này, vịt được làm sạch lông, sau đó phết một lớp gia vị lên rồi đưa vào lò quay, mùi vịt hấp dẫn bốc lên kích thích khứu giác của thực khách. Khi vịt được quay xong, da đã chuyển màu nâu vàng, lại bóng bẩy lớp mỡ trông thật quyến rũ.
Được chứng kiến những chú vịt ra lò rồi các đầu bếp thành thục thái thịt vịt, pha xì dầu lại càng tăng sự kích thích cho món ăn. Khi món vịt quay được dọn ra, hãy thử một miếng với chút xì dầu, bạn sẽ vừa hít hà mùi thơm ngọt vừa thưởng thức mùi vị miếng thịt tan ra trong miệng, lớp da giòn rụm lại có vị ngọt béo mà không ngấy, phần thịt bên trong mềm nhưng không dai lại cũng đậm đà hương vị. Ăn một miếng bạn lại muốn ăn thêm và lần này hãy thử cuốn miếng thịt vịt ngon giòn bằng một lớp bánh tráng mỏng có thêm dưa chuột và chút cần tây rồi lại chấm xì dầu. Chắc chắn đây sẽ là món ăn làm bạn nhớ mãi về Bắc Kinh.
Mì Zha Jiang
Mì Zha Jiang về cơ bản cũng như mì trộn hay spaghetti, sợi mì được chần qua bằng nước sôi cho chín rồi gạn nước, trộn với nước sốt và thêm chút rau thơm hoặc dưa leo.
Nếu như cái ngon của các món nước là nước dùng thì ở đây chính là loại sốt đặc nóng hổi này, nguyên liệu chính là thịt băm nhỏ được phi thơm cùng hành và các lọai sốt đậu, ai thích ăn cay có thể dùng thêm ớt. Món này ăn vừa thú vị lại rất đậm đà.
Sủi cảo hấp
Thêm một món ngon và cũng khá phổ biến ở Bắc Kinh, món bánh này có vỏ bằng bột mì và được nặn hình bán nguyệt, nhân bánh cũng vô cùng phong phú tùy theo thói quen và sở thích từng người. Loại nhân thông dụng là thịt lợn băm nhuyễn kèm với hành thơm hay bắp cải, trứng bác hoặc tôm thịt.
Loại sủi cảo cho người ăn chay với nhân bằng đậu xanh, mía, khoai môn hay nấm hương có hương vị thật thanh đạm. Đặc biệt hơn chính là món sủi cảo nhân thịt cừu trong quán của người Hồi giáo. Món này chấm với xì dầu đập thêm gừng tỏi hoặc dấm ớt. Nhìn chung đây là món dễ ăn, dễ làm, bạn có thể tìm thấy chúng ở những quán ăn đường phố hay cả nhà hàng sang trọng.
Bánh bò
Bánh bò có thể được tìm thấy ở nhiều nơi tại miền nam Trung Quốc. Thành phố Trạm Giang và Mậu Danh của tỉnh Quảng Đông, tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh đều là những nơi làm bánh bò có tiếng.
Bánh bò là một loại bánh xốp làm từ: bột gạo, nước, đường và men. Mặt bánh có rất nhiều bong bóng nhỏ do có nhiều lỗ khí trong bánh. Loại bánh bò ở Trung Quốc được gọi là bái táng gāo (白糖糕) - nghĩa là "bánh đường trắng", loại bánh bò này hơi chua và bỏ qua thành phần dừa - một thành phần không thể thiếu trong bánh bò ở Việt Nam. Bánh bò nói chung được ăn như món tráng miệng hoặc ăn với chả,...
Bánh quế hoa
Trung Quốc trong mắt du khách vốn là vùng đất xinh đẹp với những nét văn hóa độc đáo, cuốn hút. Bên cạnh đó nền ẩm thực nơi đây cũng vô cùng đa dạng, phong phú. Đặc biệt, món bánh quế hoa thanh khiết, nhẹ nhàng sẽ khiến bạn thích mê.
Nếu như bạn đã từng xem những bộ phim cổ trang Trung Quốc thì chắc sẽ không còn xa lạ với món bánh quế hoa đầy hấp dẫn. Món bánh này thường xuất hiện trong các gia đình quý tộc hoặc hoàng cung. Các cung tần mỹ nữ trong cung xem món bánh quế hoa như một món quà vặt độc đáo. Loại bánh này cũng thường được các cung nữ dâng lên quý phi vào khi tiết thu mát mẻ và mùa hoa quế nở rộ.
Quế hoa, chỉ cần nghe tên thôi bạn cũng đã có thể liên tưởng đến sự thanh thanh, nhẹ nhàng và tràn đầy hương thơm. Bánh quế hoa được làm từ hoa quế, hay còn có tên gọi khác là hoa mộc chi, có tính hàn, tươi mát và mang mùi thơm rất dễ chịu. Người ta thường lấy hoa tươi phơi khô dùng làm trà, làm gia vị thêm vào các thức ăn nhẹ hoặc làm thuốc trong y học. Mùi hoa khi nở rộ có mùi hương thoảng thơm của đào chín, mơ chín.
Món bánh quế hoa được xem là sự sáng tạo độc đáo, ôm chứa tinh hoa ẩm thực riêng biệt của Trung Hoa. Thoạt nhìn, món bánh này khá đơn giản, nhưng để có được mùi thơm đặc trưng, người thợ phải lựa chọn thật kỹ từng cánh hoa quế nhỏ xíu, bởi chỉ cần hoa vàng úa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị bánh. Để làm được món bánh ngon đúng điệu thì đòi hỏi người chế biến phải tỉ mỉ và cẩn thận.
Bánh hấp dẫn với hương quế thoang thoảng, chỉ cần thử qua một lần thì khó có thể quên được hương vị ấy. Đó là vị thơm, vị thanh hòa kết tạo nên sức hấp dẫn không ai có thể chối từ.
Mì Hoành thánh
Hoành Thánh ở Quảng Châu là món ăn cực kì nổi tiếng với cách chế biến vô cùng cầu kỳ. Hoành thánh đạt yêu cầu phải hội đủ ba yếu tố. Thứ nhất, vỏ bột phải mỏng, mỏng như tờ giấy lụa để có thể nhìn thấy hết nhân bên trong nhưng phải dai, không được rách. Thứ hai, thịt và tôm xay trong viên hoành thánh phải tươi ngọt, nấu vừa chín tới không được nấu quá kĩ làm mất đi độ ngọt và bị khô. Nhân thịt bị khô là điểm thất bại tồi tệ của một tô hoành thánh. Thứ ba, nước dùng phải trong vắt, như nước lọc nhưng phải đậm đà vị xương ninh. Nước dùng nếu đục màu bột hay lợn cợn tiết xương đều thể hiện một tô hoành thánh cẩu thả, kém chất lượng.
Về phần mì, sợi mì phải là dạng mì vàng, sợi mảnh và có độ dai. Gắp sợi mì lên, nhất thiết phải trong trẻo, không lợn cợn đục do bột, để kéo được sợi mì ngon thì nhà làm mì phải có kĩ thuật lâu đời cùng chất lượng bột tốt. Có ăn thử mì hoành thánh ở Quảng Châu, mới thật sự thấy được sự tinh túy và hoàn hảo của món ăn này.
Kẹo hồ lô
Theo truyền thuyết ghi lại thì kẹo hồ lô ra đời cách đây hơn 800 năm, bắt đầu từ đời nhà Tống (960 - 1279). Lúc này, một trong những phi tần của hoàng đế Tống Quang Tông (1147 - 1200) bị mắc một căn bệnh nan y khó chữa mà nhiều thái y giỏi trong triều đình phải bỏ cuộc.
Thế nhưng, lúc này trong dân gian xuất hiện một vị thần y đã mang đến phương thuốc khá lạ để chữa bệnh cho nàng phi tần này. Phương thuốc này chỉ đơn giản là sử dụng những quả táo gai nhúng vào nước đường đun nóng và cho người bệnh ăn từ 5 - 10 viên trước mỗi bữa ăn.
Chỉ sau 2 tuần, quả nhiên phương thuốc này đã phát huy tác dụng kỳ diệu trước sự ngỡ ngàng của thái y và các vị quan trong triều. Từ đó, phương thuốc này được lan truyền rộng rãi và kẹo hồ lô bắt đầu phổ biến trong dân gian như một món ăn vặt vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh vị ngọt thanh khó cưỡng thì những viên kẹo hồ lô đỏ rực còn tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Do đó, người Trung Quốc còn quan niệm rằng, ăn kẹo hồ lô cũng có tác dụng xua đuổi vận xui và mang lại may mắn, tốt đẹp cho người ăn. Ngoài ra, hình ảnh những viên kẹo tròn trịa, căng đầy và đỏ rực còn tượng trưng cho sự viên mãn, đầy đủ, sung túc.
Đặc biệt, ngày mùng 9/1 hàng năm còn được chọn làm ngày lễ hội kẹo hồ lô ở Thanh Đảo. Lễ hội kẹo hồ lô thường kéo dài cả tuần và thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước lẫn ngoài nước kéo đến tham gia.
Trứng chưng nước trà
Nói đến các món trứng nổi tiếng của Trung Quốc thì hầu như ai cũng nghe nhắc về trứng bắc thảo hoặc trứng vịt muối nhưng có lẽ ít bạn biết rằng, nền ẩm thực Trung Hoa còn có món trứng trà cực kỳ độc đáo.
Ở Trung Quốc, món trứng trà này rất phổ biến và có quanh năm. Đặc biệt, ở Thượng Hải, bạn có thể tìm thấy món ăn độc đáo này từ những gánh hàng rong, trong những cửa hàng tiện lợi hoặc ở nhiều nhà hàng truyền thống khác.
Thay vì luộc thông thường, trứng trụng nước trà có pha thêm quế, đường phèn, thảo mộc… nên lúc luộc có mùi rất thơm. Sau khi đã ngấm vào trong trứng, lớp vỏ được tách ra rồi tiếp tục luôc, món ăn này không chỉ thơm ngon, có vị ngọt bùi mà còn rất bổ dưỡng.
Món trứng trà này của Trung Quốc thường được ăn như một món ăn vặt hoặc một bữa ăn nhẹ lót dạ, đôi khi cũng được ăn cùng với cơm hoặc cháo nóng. Tuy nhiên, theo truyền thống thì món trứng trà này sẽ không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán cũng như trong các dịp lễ hội năm mới hàng năm. Bởi theo người Trung Quốc thì món trứng trà này sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp và may mắn trong năm mới cho người thưởng thức.
Tangyuan
Tangyuan có hình tròn, vỏ ngoài của bánh được làm bằng bột nếp, bên trong là các loại nhân ngọt làm từ vừng, bột đậu, trái cây khô trộn với đường… Bánh có thể được luộc, hấp hoặc chiên lên đều được. Mỗi loại nhân bánh sẽ tạo ra một hương vị riêng nhờ vậy khi ăn tangyuan bạn sẽ thấy nó có vị ngọt, thơm, mềm mại và không bị ngán.
Tangyuan thường được người Trung Quốc ăn trong Lễ hội đèn lồng - ngày cuối cùng của lễ kỷ niệm năm mới âm lịch để biểu thị cho sự đoàn tụ, hài hòa và vui vẻ trong gia đình.
Bánh bao
Nếu có một cuộc thăm dò để tìm kiếm món ăn thông dụng nhất Trung Quốc, du khách sẽ nhận được câu trả lời, đó chính là bánh bao. Món ăn này có mặt ở khắp nơi, từ các quán hàng lề đường cho đến những nhà hàng cao cấp.
Với sự đa dạng trong cách nấu nướng, các loại gia vị mà các món ăn của trung Quốc cũng có nhiều hương vị khác nhau. Sự khác nhau này không chỉ bởi sự khác nhau của các món ăn, mà ngay cả trong một món ăn, tùy từng cách chê biến của đầu bếp, mà thực khách sẽ được thương thức một món ăn với nhiều hương vị khác nhau. Thật ấn tượng.
Bánh bao trung Quốc là một loại bánh được làm từ với vỏ bằng bột mỳ, có nhân với nhiều nguyên liệu khác nhau và được hấp chín. Bánh bao hay còn được nhiều người gọi với cái tên khác là màn thầu. Thực ra nhiều người nghĩ rằng 2 tên gọi này khác nhau, dành cho 2 món ăn khác nhau, nhưng thực chất đó chỉ là cách gọi theo từng địa phương, có nơi gọi là bánh bao, có nơi gọi là màn thầu.
Đây là món ăn khá phổ biến và nổi tiếng ở Trung Quốc, du lịch Trung Quốc bạn có thể bắt gặp hình ảnh của những lố bánh bao được hấp chín đầy hơi trên mọi góc phố của Trung Quốc, hay thậm chí là trong bất kỳ bộ phim trung quốc nào thì hình ảnh chiếc bánh bao trắng thơm là điều không thể thiếu. Người dân Trung Quốc chủ yếu sử dụng Bánh bao cho bữa sáng của mình. Phần vỏ khá đơn điệu khi chỉ sử dụng bột mỳ, nhưng phần nhân chính là phần quan trọng nhất của món bánh này, với nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt hoặc rau. Nếu du lịch trung Quốc, bạn có thể thưởng thức bánh bao với nhiều hương vị khác nhau, từ bánh bao xá xíu có nhân từ xá xíu, hay đậu sa bao là một loại bánh có nhân được làm từ đậu đỏ đã đun nhừ.
Oản đậu hoàng
Oản đậu hoàng là món ăn nhẹ mùa xuân hoặc mùa hè truyền thống tại Bắc Kinh. Theo phong tục Bắc Kinh, mọi người sẽ ăn loại bánh này vào mùng 3 tháng 3 âm lịch. Nó có thể xuất hiện trong các nhà hàng phong cách Bắc Kinh và chợ phiên mùa xuân hàng năm ở Bắc Kinh.
Nếu đã đến với thủ đô của Trung Quốc thì ngại ngần gì mà không thử nếm qua món Oản đậu hoàng nổi tiếng này, chắc chắn sẽ khiến bạn thích mê đấy.
Kẹo râu rồng
Tương truyền ngày xưa, món kẹo chỉ này được thịnh hành trong cung và là một trong những món ăn ưa thích của nhà vua. Và mỗi khi nhà vua thưởng thức món kẹo đặc biệt này thì các tơ chỉ của kẹo dính đầy quanh miệng vua. Lúc này, các quan đại thần đều bật cười và trêu đùa rằng nhà vua mới mọc thêm râu mới. Từ đó cái tên "kẹo râu rồng" (ở Trung Quốc, rồng biểu tượng cho vua) được sử dụng gắn liền với món kẹo này cho đến ngày nay.
Nếu như từ khi mới ra đời, kẹo râu rồng chỉ được lưu hành trong cung cấm và phục vụ tầng lớp quý tộc thì cho đến năm 1911, khi chế độ nhà Thanh ở Trung Quốc sụp đổ thì món kẹo này bắt đầu lan truyền và phổ biến trong tầng lớp bình dân, sau đó tồn tại cho đến ngày nay.
Nguyên liệu làm kẹo râu rồng khá đơn giản bao gồm đường, bột, lạc rang... nhưng bí quyết làm nên món này mới chính là trọng điểm thu hút nhiều sự quan tâm của các thực khách. Bởi để làm được món kẹo này, người thợ không chỉ cần sự kiên nhẫn mà còn cần sự khéo tay rất nhiều.
Màu sắc phổ biến nhất của kẹo râu rồng chủ yếu là màu trắng nhưng sau này nếu muốn kẹo trông bắt mắt và nổi bật hơn thì đôi khi người ta còn cho màu vào nhuộm kẹo thành màu hồng, xanh, vàng...Mặc dù có màu trắng tinh khôi tưởng chừng rất đơn điệu nhưng thật ra kẹo râu rồng lại thu hút người qua lại bởi không chỉ các công đoạn thực hiện đẹp mắt và công phu mà đây còn là món ăn vặt khá ngon miệng, hợp khẩu vị của nhiều người, nhất là đối với các bạn hảo ngọt. Có lẽ chính vì thế mà kẹo râu rồng ngày nay không chỉ phổ biến ở Trung Quốc mà còn lan sang nhiều nước lân cận và được rất nhiều bạn trẻ bản địa lẫn khách du lịch ưa chuộng.
Bánh khoai môn chiên giòn
Món ăn có tên Yujiao, có hình dáng như một chiếc tổ ong với hình khối bầu dục, bao bên ngoài là vỏ khoai môn giòn tan. Vỏ khoai môn làm bằng cách bào khoai ra thành dạng sợi thật nhuyễn rồi bao lấy nhân, thế nên sau khi chiên, vỏ ngoài có dáng vẻ xù xì lỗ rỗ, cắn vào giòn tan rất hấp dẫn. Nhân bánh là hỗn hợp thịt heo, tôm, nấm mèo đen và trứng.
Chiếc bánh ngon phải đảm bảo được sự giòn tan ở phần vỏ bánh nhưng trong thì mềm bùi đúng kiểu khoai môn, phần nhân thịt đậm đà, chín tới. Bánh khoai môn chiên giòn là món ăn vặt nổi tiếng của Quảng Châu. Bởi thế nếu có dịp ghé thành phố này mà không nếm thử món bánh khoai môn chiên giòn thì quả là một điều đáng tiếc.
Đầu vịt sốt ngũ vị
Đầu vịt những tưởng là phần xương xẩu, khó ăn, ấy vậy mà ở Quảng Châu nó lại là món ăn rất được ưa chuộng. Cái ngon của đầu vịt chính là những kẽ thịt ngọt ở phần xương xẩu ấy và các phần như óc, lưỡi… Tất cả đều có vị hấp dẫn khó tả.
Để chế biến món này, người đầu bếp phải chiên đầu vịt trong chảo dầu với nhiều gừng cho chín. Sau đó, xóc đầu vịt với hỗn hợp nước tương và nhiều loại thảo mộc, trái cây. Đầu vịt sốt ngũ vị rất kích thích vị giác bởi độ mặn, cay, chua, ngọt hòa quyện. Món ăn đa số được dùng như món nhắm, món ăn vặt.