Những món quà vặt đường phố dường đã trở thành một phần không thể thiếu đối với các tín đồ ẩm thực. Thử xem nếu chỉ có 10.000đ trong tay, bạn có thể thưởng thức được những món ngon đường phố nào tại Hà Nội. Toplist sẽ gợi ý giúp bạn những món ăn vặt ngon nhất mà giá chỉ dưới 10.000đ nhé!
Bánh giò – 7.000đ/chiếc
Bánh giò là một loại bánh được làm bằng bột gạo tẻ, bột năng hòa với nước xương hầm, nhân làm từ thịt nạc vai có kèm mộc nhĩ, hành tím khô, hành tây, hạt tiêu, nước mắm, muối, (ở Miền Nam nhân bánh còn có thêm trứng cút) Bánh giò có hình dài nhô cao như hình bàn tay úp khum khum với các ngón tay sát nhau, bánh được gói bằng lá chuối và hấp bằng chõ từ 30 đến 40 phút.
Bánh thường được xuất hiện khá nhiều ở Hà Nội, nhất là vào các buổi sáng, những hàng quán bánh bánh giò khá nhiều, bánh giò được làm bằng gạo tẻ nên khi ăn sẽ không có cảm giác bị chán ngấy, bởi những hương vị đặc trưng và mùi thơm khi bánh còn nóng, khi chiếc bánh còn nóng mùi bánh lan toả ra xung quanh sẽ làm cho những người xung quanh sẽ không thể kiềm chế được bởi mùi thơm của nó.
Bánh giò là loại bánh truyền thống của người Hà Nội, là thứ bánh ăn chơi, được làm bằng bột tẻ và thường ăn khi còn nóng. Không như các loại bánh khác, bánh giò chỉ có hình dạng nhất định, đó là bánh có hình chóp và nhất thiết chỉ được gói bằng lá chuối, nguyên liệu đơn giản với bột gạo, thịt lợn và mộc nhĩ (nấm mèo).
Địa điểm tham khảo: Bánh giò Thụy Khuê – Quận Ba Đình, Bánh giò Nguyễn Công Trứ - Quận Hai Bà Trưng, Bánh giò thịt nướng Đông Các – Quận Đống Đa, Bánh giò chợ Hôm – Quận Hai Bà Trưng
Bánh bao chiên – 4.000đ đến 6.000đ/chiếc
Món ăn xuất xứ từ Đài Loan, nhờ cách chế biến vừa chiên vừa hấp độc đáo khiến nó trở thành món ăn vặt gây sốt thời gian gần đây, cũng là món lót dạ ngon lành buổi sáng, đặc biệt là vào những hôm Hà Nội thời tiết ẩm ương. Gọi là bánh bao, nhưng thực chất nó không được làm từ bột bánh bao mà nguyên liệu tạo nên vỏ bánh là bột mì lên men tự nhiên. Sau khi nhào nặn đều tay, người ta cho nhân vào giữa, gói lại như một chiếc bánh bao nhân thịt thông thường rồi thực hiện quy trình trên hấp dưới chiên cùng lúc.
Bánh được xếp ngay ngắn vào chảo phẳng, dày, bên dưới quét một lớp dầu rồi trực tiếp cho nước lã vào, đậy nắp kín. Đầu tiên, hơi nước bốc lên làm bột nở, đồng thời hấp chín cả vỏ bánh lẫn nhân bên trong. Thời gian hấp từ 7 đến 10 phút thì nước bay hơi hết, chừa lại lớp dầu thì chuyển sang giai đoạn chiên mặt dưới bánh cho đến khi vàng giòn. Vớt ra, người ta để úp bánh trên một khay kim loại đục lỗ, bên dưới là nồi nước luôn sôi, bốc khói nghi ngút để giữ nóng mà không làm ỉu lớp bánh đã chiên.
So với bánh bao truyền thống thì cách làm nhân của bánh bao chiên nước đơn giản hơn. Có 3 loại nhân cho bạn lựa chọn: rau, thịt và hẹ. Nhân thịt gồm thịt xay nhuyễn, ướp với tiêu, hành lá và củ sắn tạo vị ngọt. Nhân hẹ thì chủ yếu là hẹ lá thái nhỏ, thêm gia vị và ít thịt băm. Nhân rau củ được làm từ bắp cải xào với ruốc, nêm nếm gia vị vừa ăn. Món này ăn ngon hơn khi còn nóng hổi, bẻ làm đôi dậy mùi thơm nức, chấm với tương ớt cay the là đúng điệu.
Địa điểm tham khảo: Bánh bao Quán Thánh – Quận Ba Đình, Bánh bao chiên Nguyễn Trường Tộ - Quận Ba Đình, Khu chợ Ngô Sĩ Liên – Quận Đống Đa
Sữa chua – 5.000đ/cốc
Hà Nội mấy ngày nay lại bắt đầu có nắng khiến bạn chẳng biết nên dắt díu cùng đứa bạn đi đâu ăn gì cho hợp thời tiết. Thay vì nghĩ đến những món chè thạch hay sinh tố, nước ép thanh mát thì sao bạn không nghĩ ngay đến sữa chua nhỉ? Sữa chua không chỉ tốt cho sức khỏe, đó còn là món ăn giải nhiệt mùa hè được nhiều người ưa chuộng. Đã có không ít biến tấu độc đáo của sữa chua ra đời như: sữa chua đậu đỏ, sữa chua thạch, sữa chua nếp cẩm, sữa chua ca-cao, sữa chua mít, sữa chua chân trâu…
Địa điểm tham khảo: 31 Lò Đúc – Quận Hai Bà Trưng, Sữa chua mít 24 Bà Triệu – Quận Hai Bà Trưng, Số 9 Hòe Nhai – Quận Ba Đình, Sữa chua Hàng Than – Quận Hoàn Kiếm
Quẩy – 2.000đ/chiếc
Quẩy, còn gọi bánh quẩy, giò cháo quẩy (phương ngữ Nam bộ) hay dầu cháo quẩy (phương ngữ miền Trung), là một loại thực phẩm phổ biến ở châu Á làm từ bột mỳ, pha thêm bột nở, rán vừa chín có dạng một cặp gồm thanh bánh dài có kích thước bằng chiếc xúc xích nhỏ dính nhau, ăn bùi và giòn. Quẩy được dùng kèm theo các món ăn lương thực như: phở, bún, miến, mì, cháo...
Tại Việt Nam, quẩy thường được dùng kèm với cháo (ở cả Sài Gòn và Hà Nội, thường gọi là món "cháo quẩy"), phở, (Hà Nội), bún, hủ tiếu hoặc ăn riêng với nước chấm (pha từ nước mắm, dấm, đường có kèm đu đủ xanh). Tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan quẩy thường được dùng để ăn kèm với cháo hoặc ăn sáng với sữa đậu nành. Quẩy cũng là món ăn sáng phổ biến ở nhiều nước châu Á khác như Myanma, Lào, Thái Lan, Singapore,...
Địa điểm tham khảo: Hàng Điếu – Quận Hoàn Kiếm, Quẩy nóng Tạ Quang Bửu – Quận Hai Bà Trưng, Quẩy Lò Đúc – Quận Hai Bà Trưng
Bánh chuối, bánh khoai – 5.000đ/chiếc
Hà Nội vào mùa đông có đủ món ăn ngon mà bất cứ ai dù có đi đâu xa cũng phải nhớ đến. Mỗi khi cái lạnh mùa đông Hà Nội ùa về là lại thèm lắm một chút gì đó ấm nóng để làm xua tan cơn đói cồn cào cũng như khoả lấp chiếc bụng đang réo liên hồi. Trong những ngày này, có thể ai đó sẽ muốn ngồi bên nồi lẩu quây quần cùng người thân, hoặc xèo xèo bếp thịt nướng nghi ngút khói với đám bạn. Thế nhưng, nếu có tình cờ đi qua con phố nào mà nhìn thấy một hàng rong bày bán những chiếc bánh màu vàng nóng hổi bên chảo dầu sôi là lại phải sà ngay vào gọi lấy một chiếc bánh khoai hay bánh chuối để cảm nhận hương vị mùa đông.
Chính vậy, mùa đông chính là đây, là những chiếc bánh vàng ươm mang tên bánh khoai bánh chuối - thứ bánh mà mùa đông nào cũng phải có và nếu thiếu thì sẽ chẳng còn gọi là mùa đông nữa. Tuy nhiên, có thể hôm nay bạn nhìn thấy hàng bánh ở một con phố nọ nhưng sang hôm sau lại không nhìn thấy nữa. Đó cũng là lẽ đương nhiên vì đây không phải món ăn có thể bán quanh năm được mà chỉ "hot" vào đúng dịp mùa đông tới. Do đó, nếu có muốn thưởng thức thì bạn nên ghi lại ngay các địa chỉ bán bánh chuối, bánh khoai ở Hà Nội dưới đây để chẳng phải lo đến ăn mà thấy hàng không mở nữa nhé.
Địa điểm tham khảo: Khu Giáp Bát – Quận Hoàng Mai, Khu chợ Ngô Sĩ Liên – Quận Đống Đa, Khu chợ Kim Liên – Quận Đống Đa, Đường Đê La Thành – Quận Đống Đa, Khu Hàng Điếu – Quận Hoàn Kiếm
Bánh rán – 5.000đ/chiếc
“Bánh rán” hay với tên gọi khác là bánh rán nếp được biết đến như một loại đồ ăn ngon và phổ biến ở miền Bắc, bánh rán Hà Nội tốt nhất là ăn vào mùa đông vì bánh có thể làm ấm cơ thể bạn mà không gây cảm giác béo phì. Có hai loại bánh rán nếp chính, bánh ngọt và bánh mặn. Bánh ngọt nhân bên trong thường là đậu xanh trong khi bánh mặn là hỗn hợp của tôm, thịt lợn băm nhỏ, miến, rau củ… Ngoài ra còn có một số loại bánh rán khác như bánh rán tráng đường, bánh rán tráng hạt vừng.. Các bánh rán loại này thường có lớp vỏ ngoài giòn màu cam đỏ, vị ngọt vừa phải và hương thơm tinh tế.
Các bánh rán nếp ngọt thường có dạng hình tròn bóng hoặc hình tròn bẹp trong khi các phiên bản mặn thường có hình bầu dục. Đối với cả hai loại này, lớp vỏ bên ngoài được làm bằng bột gạo nếp. Những chiếc bánh rán ngọt nhân chủ yếu được làm từ bột đậu xanh trong khi những chiếc bánh rán mặn, nhân bánh được làm từ sự kết hợp giữa mộc nhĩ và thịt lợn băm nhỏ và sau đó bánh sẽ được chấm vào nước dùng để thưởng thức.
Địa điểm tham khảo: Bánh rán Đội Cấn – Quận Ba Đình, Khu chợ Thành Công – Quận Đống Đa, Bánh rán Lý Quốc Sư – Quận Hoàn Kiếm, Khu chợ Ngô Sĩ Liên – Quận Đống Đa, cổng trường cấp 3 Kim Liên – Quận Đống Đa
Trứng vịt lộn – 8.000đ/quả
Trứng vịt lộn hay hột vịt lộn là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam... và được coi là món ăn bổ dưỡng. Trứng được bán rong, hoặc tại các góc phố, các hàng ăn nhỏ. Món ăn này cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như là Trung Quốc, Philippines và Campuchia, tuy cách chế biến có khác nhau một chút. Trứng vịt khi phôi thành hình: rửa sạch trứng, luộc
lên, để sôi kỹ 8 phút, tắt bếp và để nguyên đó 20 phút, rồi mới lấy ra, đập vỏ, ăn phần bên trong ngay lúc còn nóng. Các gia vị phổ biến đi kèm là rau răm, gừng tươi thái chỉ, muối tiêu chanh hoặc muối tiêu vắt nước tắc (quất), và dấm ớt.
Mỗi vùng có cách thưởng thức trứng vịt lộn khác nhau, tại Hà Nội quả trứng được gỡ khỏi vỏ và bỏ ngay vào bát nhỏ (không dùng cốc), dùng thìa xắn, ăn bình thường. Ở Miền Nam Việt Nam, trứng sau khi luộc chín được đặt trên một cái chung nhỏ, đầu to của trứng hướng lên trên, sau đó chỉ việc bóc vỏ ở đầu trên này, rồi xúc ăn với các gia vị đi kèm. Đây cũng là món nhậu rất được người miền Nam ưa chuộng. Ở Đà Nẵng, phần gia vị ăn kèm cũng có khác hơn so với những nơi khác. Người ta thường làm nước mắm và đu đủ chua ngọt, thêm vào những chất cay và nóng như rau răm, ớt thiểm, gừng để giảm vị tanh của trứng. Ở Phan Thiết, ngoài các gia vị thông thường,người ta còn ăn kèm trứng vịt lộn với đồ chua ngọt làm từ cà rốt và củ cải. Cách thức ăn thì giống như của Hà Nội và miền Nam.
Địa điểm tham khảo: Cháo sườn Trứng vịt lộn Văn Cao – Quận Ba Đình, Gà tần Trứng vịt lộn An Dương – Quận Tây Hồ, Cháo sườn Trứng vịt lộn Hàng Giấy – Quận Hoàn Kiếm
Nem chua rán – 3.000đ/chiếc
Nem chua rán là một loại nem làm từ thịt lợn xay và bì lợn theo công thức cũng như quy trình khá gần gũi với nem chua và được rán vàng trong dầu ăn (hoặc nướng). Là đặc sản ẩm thực đường phố của Hà Nội, món ăn vặt không chua mà béo ngậy và thơm ngon này hấp dẫn nhiều giới, đặc biệt là các bạn trẻ. Có thể nói rằng trong số những món quà vặt ưa thích của thanh niên Hà Nội đương thời, nem chua rán là món tuy ra đời muộn nhưng lại gây được “ảnh hưởng” nhanh nhất và rộng nhất, lần lượt vượt qua những món truyền thống như sữa chua, hoa quả dầm, sinh tố, kem. Các hàng bán nem chua rán nổi tiếng hiện nay trong nội đô Hà Nội dễ dàng được tìm thấy nơi ngõ Tạm Thương trên đường Hàng Bông, phố Tạ Hiện, trường Việt Đức, phố Hàng Bạc, phố Trần Xuân Soạn v.v.
Tuy món ăn được biết đến thông dụng với tên gọi "nem chua rán", nhưng người nội trợ không thể sử dụng nem chua (loại nem vốn bọc kín trong lá chuối để ủ lên men chua và ăn không cần qua lửa chế biến) để rán vì thành phẩm sẽ bị bở rời, các sợi bì trong nem bị chảy ra nổ lốp bốp, và vị chua của nem dường như cũng trở nên gắt hơn. Nem đem rán phải được làm theo quy trình riêng; trộn gia vị như nem chua nhưng không ủ lên men (vì vậy chính xác ra phải gọi đây là nem ngọt rán); không bọc trong lá chuối mà quấn bằng màng bọc thực phẩm thành từng thanh; trữ lạnh; và chỉ khi sắp ăn mới đem ra lăn qua bột chiên rồi rán lên.
Địa điểm tham khảo: Ngõ Tạm Thương – Quận Hoàn Kiếm, Khu chợ đêm Bờ Hồ - Quận Hoàn Kiếm, Khu chợ Ngô Sĩ Liên – Quận Đống Đa, Khu chợ Thành Công – Quận Đống Đa
Bánh gối – 7.000đ/chiếc
Là một món ăn ngon cho ngày trở lạnh ở Hà Nội, bánh gối gây tò mò cho du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên với hình dáng chiếc gối nhỏ xinh và chén nước chấm đầy màu sắc. Giống như hầu hết các loại bánh ở Việt Nam, bánh gối là một loại bánh chiên để tạo ra một lớp vỏ bánh vàng quyến rũ, giòn và thơm.
Đầu tiên, nước và bột gạo được trộn với tỷ lệ hoàn hảo, tạo ra loại bột mềm và ẩm. Tiếp theo, miến, mộc nhĩ, su hào và nấm, tất cả thái mỏng và băm nhỏ, trộn với thịt lợn băm và gia vị; đây là một công thức dễ dàng cho một món ăn đầy hương vị. Việc nặn bánh còn thú vị hơn: bỏ nhân vào giữa vỏ bánh hình tròn, gấp vỏ bánh vào thành một nửa vòng tròn và sau đó khéo léo dính các cạnh với nhau để tạo ra hình cái gối. Cuối cùng, thả bánh vào dầu nóng chiên cho đến khi da của chúng trở nên vàng và giòn.
Không kém phần quan trọng là làm nước chấm với tỷ lệ vừa phải tỏi, ớt, đường, nước cốt chanh, nước mắm, và nước. Loại bánh có vị mặn ngọt này cũng được phục vụ với một số loại rau tươi như rau diếp, rau thơm để làm giảm hương vị của béo của dầu và tăng sự thèm ăn của du khách.
Địa điểm tham khảo: Đê La Thành – Quận Đống Đa, Bánh gối Thái Thịnh – Quận Đống Đa, Bánh gối Lý Quốc Sư – Quận Hoàn Kiếm, Bánh gối Hàng Chiếu – Quận Hoàn Kiếm
Thịt xiên nướng – 6.000đ đến 10.000đ/xiên
Khi mà Hà Nội bắt đầu chuyển lạnh thì những ngày thời tiết nó cứ se lạnh dần dần khiến cho chiếc bụng của chúng ta cồn cào và nhanh đói hơn. Thời điểm này mà cứ có món gì ấm nóng, dai dai hay giòn giòn để nhâm nhi thì thật quá là tuyệt vời. Có một thứ đặc sản rất bình dị và ấm áp ở Hà Nội với nghi ngút khói bốc lên vẫn luôn sẵn sàng phục vụ bạn trên mọi nẻo đường mang tên là thịt xiên nướng.
Thứ quà vặt này không chỉ dành riêng cho mùa đông mà còn là một món ăn lúc nào cũng "cháy hàng" ở tất cả các mùa. Thịt xiên nướng Hà Nội đã từ lâu được nằm gọn trong danh sách các món ăn vặt không chỉ từ trẻ con mà ngay cả người lớn, nhất là hội học sinh, sinh viên đều rất yêu thích và chẳng thể chối từ. Bởi lẽ, nhờ hương vị thơm ngon, đậm đà của từng miếng thịt trên xiên khi ăn lại rất vừa miệng, cứ ăn một xiên là phải gọi thêm tới 2 - 3 xiên nữa thì mới đã cái miệng. Đó là lý do vì sao thịt xiên nướng luôn là cái tên được nhắc đến và ghi nhớ trong lòng người dân Hà Nội.
Địa điểm tham khảo: Thịt xiên nướng 53 Trịnh Công Sơn – Quận Tây Hồ, Ngõ 233 Xuân Thủy, Quận Cầu Giấy, Khu chợ Thành Công – Quận Đống Đa, 112 Trấn Vũ – Quận Ba Đình
Tào phớ - 7.000đ/bát
Tào phớ ở Hà Nội thường được bán rong; hình ảnh người bán hàng gánh một đầu là thùng tào phớ, đầu kia là một chạn nhỏ rong ruổi khắp các con đường, miệng rao " Ai...phớơơ đây" trở nên quen thuộc tại thành phố này. Tuy nhiên thời gian gần đây gánh hàng thường được thay thế bằng chiếc xe đạp cũng với "thiết kế" riêng để chở được hết đồ dùng. Tào phớ thường được bắt gặp vào mùa hè, do đây là một đồ ăn "mát, giải nhiệt". Một đầu quang gánh treo một chiếc chạn nhỏ đủ đựng dăm bảy chiếc bát, với một bình nước đường và một xô nhỏ nước tráng. Đầu kia là thùng đựng tào phớ.
Thùng đựng tào phớ thường được làm bằng gỗ ghép đóng đai. Tào phớ đựng trong thùng còn nóng hàng giờ. Người bán hớt từng lát tào phớ vào bát bằng một miếng tôn nhỏ, đồ dùng để hớt xưa thường gặp là một mảnh vỏ trai to, sáng và óng ánh lớp xà cừ, nước đường pha vừa miệng, ướp hoa nhài tươi (thả trực tiếp vào bình đựng). Nước đường ấy chan ngập bát tào phớ. Người ăn có thể húp một hơi, cũng có thể dùng thìa dầm nhẹ tào phớ ra rồi xúc ăn. Mùa hè, có thể thêm đá vụn vào bát ăn cho mát. Sau loại thùng gỗ, đồ hớt tào phớ cũng được thay thế bằng kim loại, tuy nhiên tào phớ vẫn được ưa thích. Người bán tào phớ rong có thể thường là nam giới với tiếng rao khoẻ và vang vọng.
Địa điểm tham khảo: Vua Tào phớ Thái Hà – Quận Đống Đa, Tào phớ Thái Thịnh – Quận Đống Đa, Tào phớ Xã Đàn – Quận Đống Đa
Kem Tràng Tiền – 8.000đ/cây
Kem Tràng Tiền là một hãng kem nổi tiếng đã có từ năm 1958 ở Hà Nội, Việt Nam. Sở dĩ kem có tên là "Tràng Tiền" là bởi vì kem được bán và sản xuất ở con phố Tràng Tiền, lần đầu tiên là tại số nhà 35 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Kem Tràng Tiền đã trở thành một thương hiệu kem rất quen thuộc với người Hà Nội. Kem có nhiều hương vị khác nhau như: sô-cô-la, vani, cốm, sữa dừa,... Kem có vị thơm, ngon, mát.
Hàng kem này gắn với tuổi thơ với biết bao người Hà Nội. Kem ở đây thật sự là ngon vượt trội, mà giá thì cực kỳ rẻ. Ăn từ đầu đến cuối mà kem không hề bị chảy, kem nhiều sữa ít đá nên ăn ngậy, béo và thơm. Hàng kem vẫn giữ nguyên nhiều nét xưa cũ, mái che bằng gỗ, quạt lồng sắt những năm 80, đèn lồng trang trí nâu trầm, tủ kính đựng rượu trắng... Nếu có dịp rảnh rỗi, tiện đường đi qua đây, hãy ghé vào mua 1 que ốc quế, đứng ăn trên vỉa hè để cảm nhận hương vị kem Tràng Tiền gần 40 năm tuổi, và nghe những câu chuyện thú vị bạn nhé!
Địa điểm tham khảo: Số 35 Tràng Tiền – Quận Hoàn Kiếm
Trứng cút lộn – 10.000đ/5 quả
Chỉ hơi thua kém cháo sườn một chút về độ "kinh điển", trứng cút lộn xào me dường như chưa bao giờ là hết "hot", kể cả khi có rất nhiều các món ngon khác từ trứng cút lần lượt ra đời. Chẳng riêng gì Hà Nội, mà từ Bắc vào Nam, hương vị hài hòa hấp dẫn đủ vị chua cay mặn ngọt lại bùi béo bổ dưỡng của món ăn này đều đủ sức quyến rũ mọi tín đồ ăn vặt.
Cút lộn xào me là một trong những món ăn vặt được rất nhiều người ưa thích. Hương vị chua chua, ngọt ngọt, ngậy và có chút cay của món ăn này chắc hẳn đã "đốn tim" biết bao nhiêu người. Không khó để có thể tìm thấy món ăn mang hương vị miền Nam này tại các quán ốc hay đồ ăn vặt rải rác khắp Hà Nội. Thế nhưng, chỉ có những nơi chế biến khéo léo thì món ăn này mới được lòng và làm khách nhớ tới.
Địa điểm tham khảo: Hương Ốc Yên Thế - Quận Đống Đa, Ốc Ken Đội Cấn – Quận Ba Đình, Ốc Chị Lệ Cửa Bắc – Quận Ba Đình
Bò bía ngọt – 5.000đ/cây
Bò Bía ngọt đã theo ra tới Hà Nội được hơn một thập kỉ. Những người bán hàng cho biết, ở Hà Nội này, người ở mỗi tỉnh khác nhau lên đây làm ăn thường có cái duyên với những nghề khác nhau: Người Nam Định thì bán bún, phở, cơm bụi,… người Hà Nam thì giao bánh mì… còn Bò bía là cái duyên của người Vĩnh Phúc.
Bò Bía rất quen thuộc với mỗi thế hệ học sinh, nhưng ít ai biết thứ quà vặt quen thuộc của tuổi học trò ấy đến từ đâu, mà lại làm những người Hà Nội sành ăn phải lưu luyến. Và cũng không ít người phải ồ lên ngạc nhiên đầy thích thú khi biết rằng, món ăn này còn có một phiên bản khác, mặn mà và cũng làm say đắm biết bao tâm hồn yêu ẩm thực Sài Thành.
Chiều nào cũng vậy, trước cổng trường học, giữa đám đông những phụ huynh chờ con, và những học sinh nhỏ chờ ba mẹ, ta lại dễ dàng bắt gặp những chiếc xe đạp cũ chở một chiếc thùng trắng nhỏ, với dòng chữ đỏ khá bắt mắt “Bò bía ngọt”.
Xung quanh chiếc xe, những ánh mắt nhỏ lấp lánh, háo hức đưa theo đôi tay khéo léo của người bán hàng. Lũ trẻ biết khi những hạt vừng đen tròn mẩy tí tách rơi xuống chiếc bánh với những nguyên liệu mang màu trắng ngà bên dưới chính là lúc chúng sắp được thưởng thức thứ quà ngọt lịm, bùi ngậy lại giòn dai mà chúng hằng ao ước. Tuổi thơ của nhiều người đã đi qua trong những chiều tan trường cùng chiếc Bò Bía cuốn trắng muốt xinh xắn trên tay, vừa ăn vừa ôn lại một ngày nhiều niềm vui và những câu chuyện còn chưa kịp kể lúc giờ chơi…
Địa điểm tham khảo: Đường Thanh Niên – Quận Tây Hồ, Phố đi bộ Bờ Hồ - Quận Hoàn Kiếm, trước cổng các trường cấp 3
Bánh nhúng – 5.000đ/chiếc
Bánh nhúng là món ăn gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Bánh nhúng mỏng, giòn tan với vị ngọt dịu từ đường khiến nhiều người “mê mẩn”. Khá đơn giản nhưng cách làm bánh nhúng thì không phải ai cũng biết. Bánh nhúng không chỉ đem đến cho bạn cảm giác ngon miệng mà nó còn khá tốt sức khỏe nữa. Chắc hẳn nói đến đây bạn cũng đang thắc mắc vì sao chỉ với những nguyên liệu đơn giản và phổ biến món bánh này lại có công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe như thế.
Nguyên liệu chính của món bánh nhúng là bột mì, trứng, sữa… và hầu hết những nguyên liệu này lại chứa rất nhiều protein và cả chất đạm nữa nên rất tốt cho sức khỏe của bạn. Với hàm lượng đạm trong sữa còn đem tới cho cơ thể bạn một nguồn năng lượng dồi dào để có thể làm việc, học tập tốt hơn.
Địa điểm tham khảo: Khu chợ Ngô Sĩ Liên – Quận Đống Đa, Bánh Nhúng Hà Nội phố Hàng Than – Quận Hoàn Kiếm, Khu chợ Thành Công – Quận Đống Đa
Phở rán - 25.000 - 50.000đ
Từ miếng bánh phở lớn và trắng mềm ban đầu, đầu bếp sẽ cắt thành những miếng vuông chừng khoảng nửa bàn tay. Sau đó, bánh được rán sơ qua cho vàng đều, và khi có khách gọi, bánh sẽ được rán giòn và hơi cháy cạnh thơm phức. Khi cho ra đĩa, phở rán sẽ như những chiếc bánh pizza nhỏ, có vị thơm của bánh, ăn vào cảm thấy giòn tan ở lớp ngoài, và mềm dai ở lớp bánh bên trong. Phở sẽ ăn kèm với nước sốt thịt bò nóng hổi. Nước sốt đặc sánh, gồm thịt bò, hành tây, cà rốt và tim cật, bầu dục (nếu bạn gọi suất đầy đủ). Bạn có thể thêm một chút dấm, dưa góp, su hào ngâm và rau sống vào bát nước sốt để thêm khẩu vị ưa thích.
Địa chỉ tham khảo: 206 Khâm Thiên - Phở sợi chiên Trần Nhân Tông - Phở chiên Thanh Hằng (9B Ngũ Xã, P. Trúc Bạch)