Thái Bình không chỉ có đất và lúa, có thiên thiên tươi đẹp, hữu tình, con người hiền hòa, thân thiện mà đây là quê hương ẩm thực đặc sắc, một thiên đường ẩm thực ăn uống dân dã, bình dị mà các bạn không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Hãy cùng toplist điểm danh những món ngon không thể bỏ qua này của Thái Bình ngay dưới đây nhé.
ỔI BO
Dù giờ ổi Bo được trồng ở rất nhiều vùng đất khác nhau. Nhưng nếu được ăn ổi Bo chính gốc từ quê lúa Thái Bình thì bạn sẽ cảm thấy điều khác biệt ngay. Ổi Bo Thái Bình chỉ bé chừng cỡ nắm tay nhưng rốn bé tí lại ngon như bao nhiêu tinh túy của đất đều chắt lọc, giữ riêng cho mình. Ổi Bo thơm, giòn và ẩn chứa các tầng vị khác nhau: chát, chua dịu rồi mới đến ngọt mát như vậy. nhờ những hương vị đặc trưng đó, mà ổi Bo đã trở thành một thứ đặc sản mang đậm hồn quê.
Ổi được trồng nhiều nhất ở xã Hoàng Diệu. Ổi Bo từ lâu đã trở thành đặc sản của người Thái Bình, được nhiều người biết đến bởi nó là hội tụ những tinh túy của đất và người Thái Bình. Trái ổi Bo giòn, thơm lừng và ngọt đậm đã trở thành sản vật riêng có của quê lúa Thái Bình. Những ai đã từng một lần thưởng thức ổi Bo hẳn sẽ rất ấn tượng với vị thơm ngọt man mát, cùi dầy, ít hạt, cảm giác giòn ngon, rất ưa miệng. Đến mùa thu hoạch, cây to có thể cho tới 70 kg quả/vụ, cây nhỏ từ 40 – 50 kg/vụ. Giá bán của ổi Bo luôn luôn cao hơn các loại ổi khác từ 5.000 - 7.000 đồng/kg.
Canh cá Quỳnh Côi
Canh cá Quỳnh Côi đã trở thành một thương hiệu của người dân Thái Bình. Để rồi dù đi muôn phương, những người con của quê hương năm tấn vẫn luôn nhớ về món ăn đậm đà hương vị đồng quê ấy… Thay vì sử dụng bún hay phở, loại thực phẩm sử dụng cho canh cá Quỳnh Côi được người Thái Bình dùng là bánh đa. Sợi bánh đa gần giống sợi phở nhưng có màu xám, dẻo và hơi dai. Bánh đa vừa mềm, mịn lại dai kết hợp với cá rô đồng và rau tạo ra hương vị riêng cho món đặc sản này. Sẽ mất rất nhiều thời gian để làm vì làm canh cá khá cầu kỳ, nguyên liệu cũng cần rất nhiều. Canh cá Quỳnh Côi được xem là niềm tự hào của người Thái Bình.
Canh cá được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản là sản vật của chính đồng quê như cá, rau, gạo… Cái hút khách của món ăn này chính ở cái vị ngọt ngào và mát dịu. Đó là cái ngọt của cá, cái mát của rau tươi, của bánh đa làm từ gạo. Vị ngon của những miếng cá chiên cùng vị bùi của rau thì là và vị thơm của gừng tươi tạo nên hương vị thật độc đáo. Mùa nào thì thức ấy, mùa hè thì trong món canh có thêm rau rút, rau ngót. Mùa lạnh thì thêm rau cần hoặc rau cúc tần. Buổi sáng, ngồi thưởng thức một bát canh cá Quỳnh Côi ngọt lành với giá chỉ 20k-30k/bát, chắc chắc khách qua đường cũng như du khách bốn phương khi đến với Thái Bình sẽ bị mê mẩn, hấp dẫn.
KẸO LẠC
Giống như bánh cáy, kẹo lạc cũng là đặc sản của cổ truyền của Làng Nguyễn, Nguyên Xá, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình. Mỗi khi du khách đến Thái Bình, qua cầu Tân Đệ đã thấy san sát các cửa hàng bánh cáy, kẹo lạc hai bên đường vào thành phố. Để có được những thanh kẹo "thơm ngon giòn tan" vừa ngọt miệng thì không phải dễ. Lạc được rang chín vàng rộm, bóc lớp vỏ lụa và vỡ đều mảnh. Mỗi khi dịp lễ tết, trên bàn thờ của bất kỳ hộ gia đình nào ở Thái Bình cũng đều có những gói kẹo lạc thơm ngon. Ngày xưa truyền thống mời bạn tâm giao bằng chén chè xanh, miếng kẹo lạc mở đầu câu chuyện vui buồn trong cuộc sống. Kẹo Lạc trở thành loại kẹo đặc sản Thái Bình có mặt trong mọi đám cưới, ngày tết, hội làng của người dân địa phương.
Mỗi vụ lạc mới người ta lại chọn những mớ lạc ngon nhất, loại bỏ hạt mốc, teo, lép để làm kẹo lạc. Lạc được chọn lọc, rang đều, bỏ vỏ sao cho lạc sảy vỏ đều có màu vàng cánh gián. Làm kẹo lạc nhất định phải có mạch nha. Mạch nha được làm từ mầm mạch, mầm gạo được chế biến thành thứ đường màu vàng nâu, dẻo quánh. Người ta cho lạc rang sẵn vào đảo đều cùng mạch nha và đổ xuống bàn cán có một lớp vừng rang trảy vỏ rải sẵn. Kẹo được cắt thành từng thanh dài nhỏ chừng một ngón tay sao cho vừa ăn. Cho dù ngày nay bạn có thể mua kẹo lạc ở bất cứ nơi đâu nhưng kẹo lạc làng Nguyễn vẫn là đặc sản Thái Bình ghi dấu ấn trong lòng du khách thập phương.
GỎI NHỆCH
Gỏi Nhệch - cái tên nghe mới lạ làm sao. Nhệch là tên một loại cá có hình dáng tương tự như lươn. Món ăn này nổi tiếng ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sau khi sơ chế, cá được cắt lát mỏng, trộn thính. Phần da cũng cắt thành miếng chiên giòn. Còn xương cá được giã nhuyễn, nấu thành thứ nước chấm có tên đặc biệt không kém tên cá – chẻo. Chẻo nấu xong, pha với gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, sả băm nhỏ. Nước dùng chỉ bao gồm 2 vị chua, ngọt. Vị chua được lấy từ quả cà chua luộc lên mà thành, vị ngọt tạo nên từ đường. Khi dùng món gỏi nhệch bắt buộc phải có các loại rau như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô...
Món gỏi nhệch ngày càng được ưa chuộng. Đến nay, gỏi nhệch đã xuất hiện nhiều và phổ biến tại các nhà hàng ở các thành phố lớn với các thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên thưởng thức gỏi nhệch tại Thái Bình đem đến cho thực khách một cảm giác trải nghiệm vô cùng dân dã và bình dị. Gỏi nhệch cũng là món ăn đặc sản độc đáo ở Thái Bình mà người dân nơi đây thường xuyên làm để đãi khách. Đây chính là món ăn thể hiện sự tinh tế, kỳ công của người chế biến mà nhất định bạn nên thử một lần.
NEM CHẠO VỊ THỦY
Sở dĩ món nem này có tên là nem chạo Vị Thủy vì món nem này xuất xứ từ làng Vị Thủy, thuộc xã Thái Dương huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình. Ở Vị Thủy đây là món không thể thiếu ở đám ma, đám cưới hay bất kỳ dịp lễ tết nào. Khác với nem ở nhiều vùng miền trên cả nước, nem ở đây được làm từ thịt và xương sống lợn băm nhuyễn. Thịt lợn xẻ ra còn nóng hổi không dùng nước lã để rửa. Người ta lấy phần thịt mông và phần xương sống băm nhuyễn. Sau hơn 1 tiếng, thịt, xương và tủy hòa cùng nhau tạo ra độ dính, dẻo.Vị ngọt của thịt sống, ngọt và giòn của xương, bùi bùi của tuỷ, béo của mỡ và dai dai của bì cùng với các loại gia vị chua cay mặn ngọt, nổi vị thơm của tỏi, chanh tươi, nước mắm, thính, và lá chanh cùng với vị chát chát bùi bùi của lá sung, hay chát ngọt của lá ổi, hay chát đắng ngọt của lá đinh lăng thì món nem chạo tạo nên mùi vị đặc trưng của món này.
Cũng chính vì vậy chỉ những đầu bếp có tay nghề mới dám làm để người dân ăn không bị đau bụng. Nét hấp dẫn trong món nem chạo là bì luộc thái mỏng và thính gạo rang. Bì lợn được cạo sạch lông với nước sôi rồi thái nhỏ. Sau đó các nguyên liệu được trộn cùng nước mắm ngon, tỏi thái mỏng, ớt tươi, mỳ chính và thính gạo rang. Ở khâu cuối cùng, người thợ sẽ nằm nem thành từng quả nhỏ vừa đủ khéo để thịt không rơi ra ngoài. Thịt sống được chế biến thành món nem chạo mang tên riêng của ngôi làng – nem chạo Vị Thủy bởi lẽ tại đây, nem chạo được chế biến để ăn tươi, ăn sống, đó là phương cách hoàn toàn khác biệt với các loại nem chạo chín men ở nhiều nơi khác.
THỊT MÈO
Thịt mèo rau má là một món nhậu cực ngon của các cánh mày râu. Thái Bình, nơi còn được đặt tên là "thành phố thịt mèo". Không những được ưa chuộng thịt mèo là một trong những món ăn đặc sản nổi tiếng ở Thái Bình. Ngay ở thành phố Thái Bình người ta vẫn có thể thấy những con mèo được thui bên bờ đường, và có hơn 30 nhà hàng treo biển "đặc sản thịt mèo" công khai. Giống như chim trời ở Bắc Ninh, lợn cắp nách ở Lào Cai... cỗ cưới, cỗ nhậu đầu năm ở Thái Bình bây giờ mà thiếu thịt mèo thì coi như xoàng. Kể cả một đám cưới trăm mâm cũng phải có đủ thịt mèo cả trăm mâm.
Không biết từ bao giờ mà người dân quê lúa lại ăn thịt mèo theo phong trào như thế. Thịt mèo trong đám cưới, cỗ đầu năm theo quan niệm: Thịt mèo mang lại may mắn cho người ăn. Thịt mèo được chế biến rất nhiều món: Hấp, rượu mận, xào xả ớt, giả cầy.. .mỗi món ăn chế biến từ thịt mèo đều là một bài thuốc quý. Xương mèo để nấu cao, mật mèo để ngâm rượu. Người ta quan niệm, các đồ như cao mèo, rượu mật mèo có tác dụng “bổ âm, bổ dương, bổ giường, bổ chiếu”...Thịt mèo là một món ăn đặc sản của vùng đất Thái Bình nước ta, nếu bạn muốn thưởng thức những món ăn ngon, chuẩn vị từ thịt mèo thì hãy ghé ngay đến Thái Bình để trải nghiệm nhé.
BÁNH CÁY
Nếu nói về đặc sản Thái Bình thì món đầu tiên phải nói tới là bánh cáy. Bánh cáy là loại bánh chỉ có duy nhất ở Thái Bình và là đặc sản của làng Nguyễn xã Nguyên Xá huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình. Đây là món băn truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm đây, trải qua các triều đại phong kiến bánh cáy Thái Bình trở thành món ăn tiến vua tuy đạm bạc nhưng rất thơm ngon.Tên gọi của bánh bắt nguồn từ hạt nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh cáy). Vùng Thái Bình có nhiều nơi làm bánh cáy nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là loại bánh có xuất xứ từ làng Nguyễn, thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng. Món bánh quê tuy giản dị nhưng đòi hỏi quy trình chế biến tỉ mỉ, công phu.
Trong những ngày lễ tết, trên ban thờ của bất kỳ nhà dân nào Thái Bình đều có những hộp bánh cáy được xếp vuông vắn, gọn gàng. Bánh Cáy làng Nguyễn là kết tinh của hương đất, hương đồng và tấm lòng thảo thơm của người dân quê lúa. Bánh cáy Thái Bình là món ăn truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm qua, dù có những thay đổi nhưng hương vị thơm ngon của bánh vẫn luôn giữ được đúng như tổ nghề truyền lại. Dù là khách trong hay ngoài nước, khi đã rời khỏi vùng quê lúa Thái Bình thì sẽ không thể quên mang những hộp bánh cáy về làm quà cho gia đình, người thân của mình.
BÚN BUNG
Không chỉ có canh cá Quỳnh Côi, bún bung hay còn được người Thái Bình gọi là bún hoa chuối là một món không thể thiếu trong top đặc sản "chết người" của Thái Bình. Món ăn này gồm bún, nước dùng được nấu sườn lợn, mỡ nước, hành, mẻ và các gia vị mắm muối và hoa chuối. Vị chát của hoa chuối, béo ngậy của thịt, vị thơm của lá xương sông sẽ khiến bạn nhớ mãi. Điểm khác biệt của bún bung Thái Bình với bún bung nơi khác là người Thái Bình dùng hoa chuối thay vì dùng dọc mùng.
Những sợi bún trắng được chan nước dùng từ chân giò ninh, điểm vài lát chả xương sông, thưởng thức cùng hoa chuối tạo nên sự khác biệt cho bún bung ở Thái Bình trong lòng du khách. Vị ngọt của nước dùng, vị béo của thịt, của chả hòa với vị chát nhẹ của hoa chuối sẽ khiến người ăn mê mẩn. Bát bún bung mộc mạc mà đậm đà hương vị là món quà quê làm cho bao người con xa quê phải thèm, phải nhớ. Nếu bạn có dịp về Thái Bình, nhớ ăn thử bún bung hoa chuối nhé.
NỘM SỨA
Nộm sứa là một món ăn quen thuộc của các ngư dân vùng biển, không hiếm để các bạn thưởng thức được món này. Nhưng mỗi nơi mỗi khác, mỗi nơi mỗi vị. Nộm sứa Thái Thụy cũng vậy, nó không chỉ mang hương vị của biển cả mà nó còn mang cả hương vị của vùng quê lúa. Nộm sứa hay còn gọi là gỏi sứa là món nộm sử dụng nguyên liệu chính là sứa bắt từ biển về đã được sơ chế. Sứa có rất nhiều ở vùng biển Thái Thụy, trông nó giống như thực vật nhưng lại là động vật thuộc loại xoang trường cùng họ với san hô.
Nộm sứa Thái Bình là sự kết hợp hài hòa của vừng, lạc, dừa nạo, hành tây, lá chanh, mực khô xé nhỏ và một chút rau húng thái nhỏ cho thơm. Nộm sứa ngon là sau khi chế biến phải giòn, thơm và khô, khi thưởng thức thực khách cảm nhận được vị giòn tan của sứa, quyện với vị đậm đà nước mắm cốt, ngầy ngậy của lạc, thơm dịu ngọt của dừa và một chút vị biển của mực khô. Nộm sứa nơi đây phải luôn đi kèm với rau kinh giới và bát mắm tôm chanh ớt. Nếu thiếu những gia vị đó, nộm sứa sẽ mất đi hương vị đậm đà của người dân miền biển Thái Bình.
BÁNH GAI ĐẠI ĐỒNG
Bánh gai Đại Đồng là đặc sản của huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Bánh gai nơi đây đã có trên dưới 400 năm. Nguyên liệu để làm một chiếc bánh gai là những sản phẩm đồng quê rất sẵn có như lá cây gai, gao nếp, vừng, lạc, đỗ xanh, mứt bí đao, cùi dừa, đường kính, mỡ thịt lợn, hạt sen, dầu chuối...Lúc trước bánh gai chỉ được làm trong những dịp lễ tết nhưng ngày nay nó đã trở thành một loại hàng hóa được người dân nơi đây làm quanh năm. Cũng giống như bánh cáy làng Nguyễn, bánh gai Đại Đồng được làm từ những nguyên liệu đồng quê Thái Bình nhưng lại có hương thơm quyến rũ, vị béo, ngậy, đặc biệt vị ngọt vừa thanh vừa đậm khi ăn của bánh khó có thể quên đối với những ai từng một lần thưởng thức.
Bánh gai ở Thái Bình ngon nhất vẫn là bánh gai ở Đại Đồng. Vì chỉ có ở vùng làng nghề truyền thống làm bánh gai này mới làm ra được thứ bánh gai có màu đen nhánh, nhân vàng ươm, thơm nồng mùi đỗ đường. Vỏ bánh được làm từ lá cây gai, bọc lớp nhân nào đậu xanh, lạc, vừng, hạt sen, dừa nạo, đường, mứt bí đao và không thể thiếu miếng thịt lợn béo ngậy. Bánh gai Đại Đồng là thứ quà quê mộc mạc mà chân thành dành cho du khách mua về làm quà mỗi dịp ghé chơi Thái Bình.