Trà là thức uống thiết yếu trong đời sống của người Trung Quốc từ xa xưa. Mùa hè, trà giúp xua tan không khí nóng bức, mang lại cảm giác sảng khoái. Mùa đông, tách trà giúp làm ấm cơ thể, đưa con người đến gần nhau hơn. Người Trung Quốc có câu: "Thà ba ngày thiếu muối còn hơn một ngày vắng trà''. Những giá trị đẹp đẽ về trà vẫn luôn được người Trung Quốc gìn giữ và bảo tồn từ đời này sang đời khác. Những danh trà nào nổi tiếng nhất tại Trung Quốc? Hãy cùng Toplist tìm hiểu với Top 10 thương hiệu trà ngon nhất Trung Quốc ngay sau đây.
Đại Hồng Bào
Đại Hồng Bào là thương hiệu trà đứng đầu trong số những loại trà ở núi Vũ Di. Cây trà để tạo nên Đại Hồng Bào sinh trưởng trong khe Cửu Long, ở phía bắc núi Vũ Di, cách mặt nước biển 600m. Tại đây, nước khe luôn luôn tuôn chảy, sương mù bao quanh. Truyền thuyết kể lại rằng, giống trà Đại Hồng Bào này là do chim hạc tiên mang hạt từ đảo Bồng Lai, khi bay qua núi Vũ Di thì làm rơi hạt xuống vách núi, hạt đó mọc lên thành cây trà ngày nay.
Cây trà Đại Hồng Bào đã có hơn nghìn năm tuổi, hiện chỉ còn lại 4 cây trà trên vách khe Cửu Long. Hàng năm, cứ vào giữa tháng 5, người địa phương lại dùng thang để hái trà với sản lượng cực ít, chỉ vài lạng. Chính vì vậy, trà Đại Hồng Bào được xem là loại trà trân bảo hiếm có trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại trà đắt nhất thế giới, thậm chí còn đắt hơn vàng 30 lần.
Ngày nay, nơi vách núi tương truyền chim hạc tiên đánh rơi hạt trà còn có khắc ba chữ màu đỏ nổi bật “Đại Hồng Bào".
Trà Long Tỉnh Tây Hồ
Trà xanh Long Tỉnh có nghĩa là rồng trong giếng. Tương truyền Trà Long Tỉnh Tây Hồ trở nên nổi tiếng từ thời vua Càn Long. Trong một lần dạo chơi tại Triết Giang, vua Càn Long đã ghé thăm một vườn trà nổi tiếng của địa phương và thưởng thức loại trà Long Tỉnh. Thoạt đầu khi uống thử, vua Càn Long không có ấn tượng đặc biệt, nhưng về sau, khi vị ngọt của trà cứ ngấm hoài trong cổ, ngài đã truyền lệnh lấy Trà Long Tỉnh Tây Hồ làm phẩm vật tiến cung hàng năm. Kể từ đó trở đi, Trà Long Tỉnh Tây Hồ trở thành một thứ trà xanh cung đình nổi tiếng, chiếm lấy trái tim của những người yêu trà.
Quân Sơn Ngân Châm
Trong hồ Động Đình có một hòn đảo chuyên trồng trà, bốn phía bao bọc bởi nước. Trong đảo trà đó, Quân Sơn Ngân Châm là trà hạng nhất, có hình dáng thẳng, lông mềm trắng như lông vũ, trên thân có ánh vàng, người đời vẫn thường khen đó là “vàng nạm ngọc”. Khi pha, trà Quân Sơn Ngân Châm tỏa ra hương thơm nồng nàn, say đắm lòng người. Quân Sơn Ngân Châm được xếp vào "Thập đại danh trà" của người Trung Quốc.
Hoàng Sơn Mao Phong
Lá trà Hoàng Sơn Mao Phong thường được thu hái vào tiết thanh minh và chỉ chọn những búp khỏe, nhiều lông nhung mềm mại để chế thành loại trà thượng hạng. Hoàng Sơn Mao Phong thành phẩm có hình dáng rất đặc biệt với lông trắng lộ rõ, sắc tựa như ngà voi. Khi pha, nước trà có mùi thơm ngát dài lâu, màu trong suốt, mùi vị ngọt lành, lá trà nở ra màu vàng nhạt, no tròn như những đóa hoa.
Hoàng Sơn Mao Phong là thương hiệu trà nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc bởi sắc, hương, vị và hình đều trọn vẹn.
Tây Sơn Trà
Người Trung Quốc truyền tai nhau rằng, xa xưa trên núi Tây Sơn có đặt một phiến đá bàn cờ. Xung quanh chiếc bàn cờ đá ấy mọc rất nhiều cây trà. Một ngày nọ, có hai vị thần tiên từ trời cao bay xuống núi, ngồi chơi cờ trên bàn đá. Hai vị thần tiên ngắt vài lá trà bên cạnh bàn, đun với nước suối Khổng Tuyền rồi uống, cho ra đời Tây Sơn Trà ngon nổi tiếng cho đến tận ngày nay.
Tây Sơn Trà là loại trà đặc biệt được tạo nên từ nước suối trong lành và cây trà vùng núi Tây Sơn, hương vị không thể nào quên, không lẫn với bất kỳ thương hiệu trà nào khác.
Dũng Khê Hỏa Thanh
Tương truyền, khi ấy, ở vùng Dũng Khê có một vị tú tài tên gọi là Lưu Kim, hiệu La Hán tiên sinh. Một ngày trời xuân, khi đi tới dãy núi Dũng Khê, La Hán tiên sinh phát hiện ra cây ''Kim Ngân trà'” có hình dáng kỳ lạ, một nửa phiến lá màu trắng, nửa còn lại thì màu vàng. La Hán tiên sinh đem mầm cây ''Kim Ngân trà'' về nhà, vò rồi sao trên lửa thì được loại trà xanh như châu ngọc, phủ lớp lông tơ mỏng trắng mịn, mùi thơm ngọt tựa cam đường. Loại trà này được đặt tên là Hỏa Thanh.
Loại trà Dũng Khê Hỏa Thanh nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhờ hương vị thơm lành, ngọt ngào mà nó mang lại. Sau này, Dũng Khê Hỏa Thanh trở thành trà tiến vua, phát triển thịnh trị nhất là vào thời nhà Thanh (1851-1861). Ngày nay, Dũng Khê Hỏa Thanh vẫn được giữ gìn và bảo tồn, là thứ trà quý mà người Trung Quốc rất tự hào.
Huệ Minh Trà
Huệ Minh Tự là nơi sản xuất trà nổi tiếng, đã có lịch sử lâu đời. Nguồn gốc của Huệ Minh Trà cũng rất ly kỳ. Tương truyền, vào những năm Đại Trung của triều Đường, có một cụ già thuộc bộ tộc Xá tên Lôi Thái Tổ, mang 4 người con trai chạy nạn từ Quảng Đông tới Giang Tây, rồi lại từ Giang Tây đến Chiết Giang. Trên đường từ Giang Tây tới Triết Giang, năm cha con gặp một vị hòa thượng. Sau khi chia tay vị hòa thượng, Lôi Thái Tổ bèn dựng một túp lều cỏ tại vùng Ô Lý ở huyện Cảnh Ninh để khai hoang trồng lương thực, tạm sống qua ngày. Tuy nhiên, bọn cường hào ác bá ở đây đã đuổi 5 cha con xuống núi vì cho rằng họ xâm chiếm đất đai của chúng. Gia đình ông Lôi tiếp tục cuộc sống lang thang và rồi gặp lại vị hòa thượng trước. Vị hòa thượng này chính là tổ sư khai sơn ngôi chùa Huệ Minh ở núi Xích Mộc. Vị hòa thượng ấy đã cho cha con họ Lôi lưu lại ngôi chùa, khai khẩn đất hoang trong núi để trồng trà. Trà Huệ Minh chính là từ truyền thuyết này mà ra đời.
Trà Bích La Xuân
Thoạt đầu, trà có tên là Nhân Hương bởi mùi thơm kỳ lạ mà lá trà tươi tỏa ra khi vừa mới hái. Về sau, hoàng đế Khang Hy du ngoạn Thái Hồ, được người dân dâng trà Nhân Hương, vua cảm thấy tên gọi không ưu nhã nên liền đổi thành Bích La Xuân.
Cây trà được trồng tại núi Động Định, chỉ thu hoạch những lá trà non vào mùa xuân. Sau khi được chế biến sẽ cho ra trà thành phẩm có hình như ốc, thân trà có nhiều lông tơ mịn, màu xanh lục bắt mắt, hương thơm nồng nàn. Khi đem pha sẽ cho nước trà xanh trong suốt. Trà Bích La Xuân là dùng lá trà non từ cây trà hái ra vào mùa xuân, sau quá trình chế biến lá trà có nhiều lông mịn, màu sắc ngân lục hấp dẫn, hình cuốn như ốc. Trà Bích La Xuân là thứ trà quý, góp phần không nhỏ trong việc định vị văn hóa trà đạo của người Trung Quốc.
Ô Long Trà
Nguồn gốc của Ô Long Trà được người Trung Quốc truyền lại là nhờ một người thợ săn tên Hồ Lương, sống ở vùng núi sâu An Khê Phúc Kiến. Một ngày trời nóng nực, Hồ Lương trở về nhà sau buổi săn thú. Sợ thịt thú rừng bị ôi hỏng nên anh đã tiện tay ngắt vài lá cây ven đường che đậy. Khi về tới nhà, chợt thấy mùi hương thơm ngát tỏa ra. Tìm quanh quẩn, Hồ Lương mới biết hương thơm ấy tỏa ra từ những chiếc lá cây đã ngắt để che đậy thịt. Hồ Lương dùng lá cây ấy ngâm vào nước để uống thì thấy tinh thần muôn phần sảng khoái. Ô Long Trà chính là được phát hiện ra từ ngày ấy.
Cửu Khúc Hồng Mai
Tên gọi Cửu Khúc Hồng Mai rất thi vị này bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa. Người Trung Quốc kể lại rằng, xa xưa, có đôi vợ chồng đã nghèo, đã nhiều tuổi mà vẫn chưa sinh được con. May sao một năm thành tâm kính phật, đôi vợ chồng đã sinh được một người con trai, đặt tên là A Long. A Long càng lớn càng hiếu động. Một hôm, khi đang nghịch nước, A Long nhìn thấy hai con tôm đang tranh nhau một viên ngọc nhỏ. Cậu bé cảm thấy hiếu kỳ, bèn lấy viên ngọc ấy rồi chạy về nhà. Trên đường về nhà, do không cẩn thận, A Long đã nuốt ngọc vào bụng. Toàn thân A Long trở nên ngứa ngáy, bèn đi tắm. Vừa chạm vào chậu nước, toàn thân cậu bé đã biến thành hình rồng nhỏ Ô Long, nhe nanh múa vuốt rồi bay về phía núi. Ô Long lưu luyến cha mẹ, nửa muốn đi, nửa muốn ở, chốc chốc lại ngoái đầu lại. Nơi Ô Long dừng chân biến thành suối Cửu Khúc. Về sau, bên suối Cửu Khúc mọc lên cây trà có lá giống như con rồng nhỏ, nên được mọi người gọi là ''Cửu Khúc Ô long''. Khi pha, lá trà có sắc vàng lấp lánh, sắc nước tươi hồng nên còn được gọi là “Cửu Khúc Hồng Mai''.
Thiết Quan Âm
Thiết Quan Âm là một loại hồng trà của Trung Quốc vì khi pha, nước trà thường có màu hồng đỏ. Trà Thiết Quan Âm có sợi cong xoắn, kết tròn đầy đặn, màu xanh lục. Khi pha, chén trà có mùi thơm tự nhiên, đậm đà, dịu ngọt và lâu tan. Ngày nay, Thiết Quan Âm là một trong những danh trà nổi tiếng, góp phần làm nên văn hóa trà đạo của Trung Quốc.