Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, hiện đại bậc nhất tại Việt Nam. Thế nhưng, vào những mùa mưa bão không thể tránh khỏi việc ngập nước trên đường đi. Thậm chí, còn có những tuyến đường bị ngập rất nặng. Mưa lớn vào giờ tan tầm khiến nhiều người dân ở TP.HCM phải vất vả bì bõm lội nước về nhà. Dưới đây là một số tuyến đường bị ngập nặng nhất ở TPHCM trong mùa mưa bão.
Những cơn mưa bão lớn thường gây ra ùn tắc giao thông ở chân cầu Rạch Chiếc phía Quận 9 và Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội bị ngập nước sâu đến nửa mét và ngập dài khoảng 100 mét. Đơn vị quản lý thoát nước đã cho đặt máy bơm chống ngập thế nhưng vẫn không đủ sức chống ngập ở đây. Cống thoát nước tại đây cũng không đủ sức thoát nước ra sông Rạch Chiếc. Vì thế, các cơ quan chức năng tại đây vẫn đang tìm kiếm giải pháp cho tình hình ngập nặng này.
Tuyến đường Tô Ngọc Vân, Quận Thủ Đức có thể được xem là ngập rất nặng, hệ thống thoát nước bị quá tải đến nỗi nước mưa trào dâng ào ạt từ miệng cống lên mặt đường khiến cho các phương tiện giao thông chết máy, không thể di chuyển được buộc phải dắt bộ. Đặc biệt, tại điểm giao Tô Ngọc Vân với đường sắt và đại lộ Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), nước ngập sâu đến gần 1 mét, làm trì trệ giao thông từ đường bộ cho đến đường sắt.
Huỳnh Tấn Phát là tuyến đường bị thiệt hại rất nặng mỗi khi mưa bão. Các phương tiện lưu thông gặp rất nhiều khó khăn bởi nước ngập từ 0,3 - 0,5 mét khiến cho nhiều xe máy bị chết máy giữa đường. Tuyến đường dài tận 5 km nhưng vào mùa mưa "nước ngập như sông" còn có thể gây ra tai nạn cho người đi đường. Nhiều người dân sống tại khu này cũng rất khó chịu vì phải hứng chịu cảnh nước mưa, nước cống hôi tràn vào nhà. Vào những thời điểm như vậy, nhân viên của công ty thoát nước phải có mặt làm việc rất vất vả nhưng vẫn khó cải thiện được tình trạng ngập ở nơi đây.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Thạnh, TPHCM là tuyến đường có khả năng ngập sâu, nước dâng cao nhiều nhất. Chỉ mưa sau 15 phút, tại đây đã có hiện tượng nước ngập cao khoảng 40 - 50 cm, nước dâng đến đầu gối khiến cho người đi bộ lẫn phương tiện giao thông đều di chuyển một cách khó khăn, thậm chí còn có những phương tiện bị chết máy.
Vào mùa mưa bão, vấn đề ngập nước đã không còn xa lạ đối với đường Kha Vạn Cân, Quận Thủ Đức, TPHCM. Nguyên nhân chính của việc ngập đường đó là do triều cường dâng cao bởi nơi đây gần sông Sài Gòn và rạch Ông Dầu. Nước mưa cộng thêm nước sông cứ tiếp tục dâng lên, làm cho việc lưu thông trở nên khó khăn và trì trệ. Người dân sống tại đây phải chịu cảnh nước mưa, nước sông, nước cống tràn vào nhà với mùi hôi cực kì khó chịu mà không thể làm cách nào khác, chỉ còn có thể chờ hệ thống đường xá, cầu cống nâng cấp lên.
Bình Tân là khu vực ngoại thành TPHCM, đường xá rộng lớn vì dân cư chưa đông đúc bằng các quận trung tâm, thế nhưng, vào mùa mưa bão vẫn xảy ra hiện tượng ngập nước. Đường Tân Hòa Đông là một trong những tuyến đường bị ngập nặng nhất ở quận Bình Tân. Dù mưa đã ngớt sau nhiều giờ đồng hồ nhưng hệ thống cống ở đây vẫn không thể chịu nổi tải nặng của nước và vẫn ngập rất lâu. Có những lúc mưa từ chiều hôm nay nhưng đến sáng hôm sau thì nước mới rút hết và đôi khi đường vẫn chưa kịp khô. Thế nên mùa mưa bão, không có việc gì quan trọng thì bạn đừng đến những quận ngoại thành như Bình Tân nhé.
Quận 9 là nơi dân cư tập trung thưa thớt vì quận ngoại thành, hệ thống đường xá chưa được hoàn thiện với chất lượng cao. Trận mưa lớn kéo dài hàng giờ cũng khiến đường Lê Văn Việt, đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến giao lộ Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Quận 9 ngập sâu, nhiều phương tiện từ xe máy đến ô tô, xe tải,... đều bị chết máy, không thể di chuyển được.